Người vô kỷ luật vui vẻ với những thú vui hời hợt tầm thường, người tự kỷ luật hiểu rõ bản thân thực sự muốn gì: Điểm khác biệt làm nên thành công hay thất bại

Những người kỷ luật tự do, thoải mái hơn nhiều so với người vô kỷ luật. Do đó, bạn tuyệt đối không để thời gian, năng lượng phung phí vào những thứ vô nghĩa.

 

Người ôm chí lớn thường là người rất kỷ luật. Những người tự kỷ luật vừa đáng khâm phục lại vừa đáng kính trọng. Nếu là bạn bè, họ sẽ là tấm gương cho bạn học hỏi. Nếu là bậc trưởng bối, họ sẽ là động lực cho bạn thêm cảm hứng hoàn thiện mình.

Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ, cuộc sống này vốn ngắn ngủi, thế sự vô thường, sinh ra trên đời là một đặc ân nhưng chẳng biết cái đặc ân ấy kéo dài tới đâu, chi bằng cứ tận hưởng trọn vẹn niềm vui trước mắt. Hôm nay có rượu ta say đã, người chẳng phong lưu uổng thanh xuân. Hôm nay có bằng hữu, ta rong chơi cho cạn tháng này đã, vội vàng làm gì bởi tuổi trẻ là rong ruổi, là ngao du đây đó. Cho đến sau này, tôi dần dần phát hiện ra rằng mỗi một hành vi vô kỷ luật đều là tự làm khổ bản thân mình.

Không cam chịu làm nô lệ của ham muốn tầm thường, tự kỷ luật sẽ thúc đẩy chúng ta sống tích cực và thành công hơn.
Người vô kỷ luật vui vẻ với những thú vui hời hợt tầm thường, người tự kỷ luật hiểu rõ bản thân thực sự muốn gì: Điểm khác biệt làm nên thành công hay thất bại - Ảnh 1.

 

- 01 -

Chứng kiến nhiều gương thành công, ta chỉ trầm trồ thành tựu của họ mà quên đi nỗ lực phía sau thành công đó. Có ai biết được rằng, để có được một phút huy hoàng đứng trên bục vinh quang, họ đã rèn luyện khổ cực, kiên định tới điên rồ con đường mà họ đã chọn.

Đã bao giờ bạn dè bỉu thái độ nguyên tắc, cứng nhắc của họ. Bạn cho rằng những người khư khư ôm mớ nguyên tắc ấy thật nhàm chán, vô vị. Như cậu bạn trong nhóm, mặc sức chúng ta nài nỉ cuộc dã ngoại cuối tuần ở vùng miền núi xa xôi thì cậu ta vẫn kiếm một chỗ vùi đầu đọc sách.

Khi chúng ta rủ nhau đi thưởng thức của ngon vật lạ mới được quảng cáo ầm ĩ trên mạng xã hội, thì họ lại đổ mồ hôi như mưa ở giải chạy maraton vòng quanh thành phố.

Ngày nghỉ lễ, chúng ta lười biếng ngủ nướng tới tận trưa thì họ vẫn kiên trì như mọi ngày: Dậy sớm, chạy bộ, đọc sách, làm việc... Chúng ta chê cuộc sống của họ khô cứng, lập trình chỉn chu như một cỗ máy vô tri. Chúng ta cười nhạo họ sống như đang ngược đãi bản thân, chẳng một chút tự do, thoải mái.

Nhưng sự thật, là những người kỷ luật lại tự do hơn nhiều so với người vô kỷ luật. 

Nếu một người chỉ luôn làm những gì mình muốn, coi trọng hưởng thụ mà không biết nỗ lực, người khác chơi họ cũng chơi, người khác làm việc họ vẫn còn phóng túng bản thân… thì rõ ràng họ không có trách nhiệm với bản thân mình. Hiện tại dường như là tự do, nhưng một ngày kia, họ sẽ phát hiện rằng mình đã trì trệ quá lâu, không còn theo kịp những người biết kỷ luật nữa rồi.

Khoảng cách giữa người biết kỷ luật và người không kỷ luật là rất mong manh. Một ngày, hai ngày có thể bạn sẽ không nhìn ra. Một tháng, hai tháng e rằng vẫn chưa thể nhận ra. Nhưng một năm, hai năm, thậm chí mười năm, hai mươi năm, chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy sự khác biệt rõ ràng. Người tự kỷ luật và người không kỷ luật cuối cùng rồi sẽ đi trên những con đường hoàn toàn khác nhau.

Càng tự kỷ luật, lời nói càng có trọng lượng, đường đời càng thành công và cuộc sống càng hạnh phúc

Người vô kỷ luật vui vẻ với những thú vui hời hợt tầm thường, trong khi người tự kỷ luật lại hiểu rõ bản thân thực sự mong muốn gì. Cho nên họ sẽ không để thời gian và năng lượng phung phí vào những thứ vô nghĩa. Họ thực sự sử dụng mảnh thời gian quý báu để hoàn thiện chính mình, tương lai sẽ đạt được những điều đáng giá thật sự.

Người vô kỷ luật vui vẻ với những thú vui hời hợt tầm thường, người tự kỷ luật hiểu rõ bản thân thực sự muốn gì: Điểm khác biệt làm nên thành công hay thất bại - Ảnh 2.
 

- 02 -

Thế nhưng, kỷ luật không phải là khẩu hiệu vui miệng tuyên bố, hô hào trong những lần tụ tập bạn bè; cũng không phải liều thuốc ru ngủ, phỉnh phờ bản thân bằng những lời có cánh. Kỷ luật, phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, liên tục, tạo thành thói quen ngấm vào máu thịt.

Câu chuyện của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành là một ví dụ điển hình. Ông kiên trì đều đặn xem truyền hình bằng tiếng Anh, không chỉ xem mà còn học nói theo vì ông sợ rằng không học tập thì chính mình sẽ lạc hậu. Ngoài ra ông vẫn luôn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Tương tự thế, tỷ phú lừng danh Bill Gates là người vô cùng thích đọc sách. Suốt mấy chục năm qua ông đều kiên trì mỗi tuần đọc xong ít nhất hai cuốn sách. Phải yêu cầu bản thân nghiêm khắc, ông mới duy trì được thói quen ấy mỗi ngày. Trong những cuộc nói chuyện với sinh viên các trường đại học, Bill Gates đều hết lòng khuyến khích các bạn trẻ nuôi dưỡng, duy trì thói quen đọc sách. Ông cũng thực hiện các dự án tặng sách miễn phí, những cuốn sách gối đầu giường cho người trẻ trên hành trình lập nghiệp. Ông muốn truyền tính kỷ luật, nguồn cảm hứng về kỷ luật thói quen tốt tới những người trẻ - những người nắm giữ vận mệnh tương lai của thế giới.

Một ví dụ điển hình khác là nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Haruki Murakami, tác giả của những cuốn sách Best seller. Ông bắt đầu viết từ năm 30 tuổi, đến nay đã có gần 40 năm gắn bó với nghiệp cầm bút. Số lượng tác phẩm của ông đồ sộ cả trong và ngoài biên giới Nhật Bản. Trong một lần chia sẻ với công chúng, Haruki Murakami tiết lộ, ông có thói quen chỉ viết 4.000 từ mỗi ngày, 400 từ một trang, và khi viết được 10 trang thì dừng lại.

Ngoài ra, mỗi ngày ông đều dành một giờ để chạy bộ, ngày nào cũng đều đặn như vậy. Nhờ đó ông có năng lượng để tiếp tục tạo nên những tác phẩm xuất sắc.

Thực tế, rất nhiều người chỉ biết kỷ luật trên miệng, nhưng người thật sự kiên trì bằng hành động thì lại rất hiếm hoi. Giống như trèo lên một ngọn núi cao hiểm trở, càng gần sát đến đỉnh càng còn lại ít người cắn răng kiên trì tiến tiếp.

Có thể kiên trì được, đó chính là kỷ luật.

Không phải người xuất sắc mới tự kỷ luật mà là tự kỷ luật rồi mới trở thành người xuất sắc.

Những người có thể chân chính vươn đến đỉnh cao, chắc chắn luôn là người chuyên tâm dồn chí, luôn luôn kiên trì tiến lên phía trước.

Người vô kỷ luật vui vẻ với những thú vui hời hợt tầm thường, người tự kỷ luật hiểu rõ bản thân thực sự muốn gì: Điểm khác biệt làm nên thành công hay thất bại - Ảnh 3.
 

- 03 - 

Tôi có một cô bạn tên Hà, không biết gần đây cô đọc sách, báo gì nói về kỷ luật thói quen. Tín hiệu đáng mừng, cô hạ quyết tâm sẽ dành cho 30 ngày để "biến đổi bản thân". Hà muốn thoát khỏi hình ảnh một cô gái 20 tuổi lười nhác, thích ngủ nướng, nghiện smartphone, nói không với tập thể dục... thành một người năng động, trẻ trung, có kỷ luật rõ ràng.

Hà list những hoạt động cần làm trong ngày vào một thời gian biểu thật chỉn chu, cẩn thận và hạ quyết tâm tuân thủ chặt chẽ. Sau giờ học sẽ dành thời gian đọc sách mỗi ngày 2 tiếng, tập thể dục một tiếng. Thú thực, chúng tôi vừa mong chờ, vừa hi vọng nhìn thấy sự biến đổi lớn từ người bạn của mình. Thế nhưng, sau 2 tuần đầu luyện tập chăm chỉ, thực hiện chỉn chu từng đầu mục vạch sẵn trong ngày. Tới tuần thứ 3, Hà bắt đầu có dấu hiệu oải. Cô bắt đầu viện lý do trời mưa nhỏ không thể chạy bộ thể dục, cô nói mắt cô mỏi vì ngồi máy tính nhiều nên không thể đọc sách, cô than mùa đông tái tê đã đến, dậy sớm chẳng để làm gì, chi bằng ngủ nướng 15, 30 phút chẳng chết ai.

Câu chuyện của Hà, tin chắc nhiều người đã từng trải qua. Thật ra, muốn đạt thành công, không thể đi đường gần, càng không thể hấp tấp vội vàng. Mỗi bước đi hãy luôn là những bước chắc chắn. Chân chính tự kỷ luật, chúng ta có thể trở thành hình tượng mà mình yêu thích, sống cuộc sống mà mình mong muốn.

Càng chăm chỉ, càng nỗ lực, càng kỷ luật, càng xuất sắc. Đây chính là lý do vì sao chúng ta nên tự kỷ luật bản thân mình.

Bạn trẻ ạ, thay vì để những giấc mơ bị bóp nghẹt trên giường, hãy tự yêu cầu bản thân dậy sớm và nỗ lực trong tất cả mọi việc, tương lai đón chờ bạn sẽ là một tâm hồn tự do và cuộc sống hạnh phúc.

Theo Wow
Trí thức trẻ

Nguồn http://cafef.vn