Những quy tắc trong kinh doanh theo lời Phật dạy

Kinh doanh theo giáo lý nhà Phật là lấy hạnh phúc con người và hòa hợp với thiên nhiên làm phương châm chủ đạo.

Nguyên tắc thứ nhất phải giữ tâm trong sáng
 
Tâm trong sáng là yếu tố hàng đầu và cực kỳ quan trọng. Những con người tạo ra đồng tiền luôn phải tiếp cận với tài chính với tiền tệ. Có người sẽ đặt vấn đề nếu mà nói tinh thần đạo Phật là giữ tâm trong sáng thì phải phơi bày hết sự thật hàng hóa của mình thì làm sao kinh doanh. Đây là câu hỏi được đặt ra ở nhiều nơi. Kinh doanh không phải buôn bán một lần rồi trốn khỏi cuộc đời này. Nếu buôn bán lâu dài chúng ta phải khẳng định uy tín của mình, khẳng định được chất lượng hàng hóa, dịch vụ của mình. Giữ chữ tín là một trong những yếu tố cốt yếu giúp doanh nghiệp trường tồn.

Nguyên tắc thứ hai là tự lợi và lợi tha

Tự lợi là làm lợi cho bản thân mình. Lợi tha là làm lợi cho tất cả mọi loài và mọi người. Nếu phương pháp kinh doanh mà đôi bên cùng có lợi, đây là phương pháp bền vững tốt đẹp. Còn kinh doanh mà ta có lợi và người có hại thì kinh doanh không tồn tại lâu dài. Điều này không chỉ đúng đối với khách hàng của doanh nghiệp, mà ngay cả đối với nhà cung cấp cho doanh nghiệp cũng vậy. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp thành công ngày nay thường kinh doanh trên nền tảng win-win (cả hai bên cùng thắng). Phật dạy chúng ta sống trong một thế giới duyên khởi, phụ thuộc lẫn nhau. Sự tồn tại của anh chính là sự tồn tại của tôi. Và sự thất bại của anh cũng chính là sự thất bại của tôi. Quan niệm ‘thương trường là chiến trường’ không chỉ lỗi thời mà khiến chúng ta luôn mệt mỏi, căng thẳng, đánh mất tầm nhìn.

Nguyên tắc thứ ba là phương tiện và cứu cánh
 
Mục đích của lợi nhuận kinh doanh là để phục vụ cho nhu yếu cuộc sống. Tài sản vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta có cuộc sống thoải mái, dễ chịu hơn hơn, nhưng đó không phải là mục đích sống, không phải cứu cánh hay chân hạnh phúc. Không ít người đã đồng hóa vật chất với niềm vui và hạnh phúc, an lạc, rồi trở nên tuyệt vọng trầm cảm khi gặp phải thất bại. Chúng ta bị chi phối bởi lợi danh, trở thành nô lệ của tiền bạc hay danh vọng. Chúng ta không có thời gian để nhìn lại chính mình. Công việc cuốn trôi khiển chúng ta không có thời gian để chia sẻ yêu thương, mất đi cơ hội tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống, đón nhận tình cảm thân yêu của những người xung quanh làm sao chúng ta có được hạnh phúc chân thật.
 
Nguyên tắc thứ tư là tính vô thường
 
Vạn vật luôn chuyển biến không ngừng. Có những thay đổi giúp hình thành, gây dựng và cũng có những sự chuyển biến mang tính phá vỡ, đạp đổ. Bản chất của vạn pháp là sinh-trụ-dị-diệt. Sự hình thành nào mà không đi đến tan vỡ và sự sụp đổ nào mà không hình thành nên cái mới. Ta thường vui sướng với cái ta gọi là được nhưng mà ta hay bất mãn với những cái ta mất. Thấy được hai mặt của vấn đề, thấu hiểu bản chất vô thường của cuộc sống, của mọi sự vật hiện tượng thế gian giúp doanh nhân không quá bám chấp vào thành công, mà cũng không quá tuyệt vọng khi gặp thất bại. Bởi trong thành công luôn tiềm ẩn thất bại và trong thất bại luôn có những hạt mầm của thành công.

Nguyên tắc thứ năm là tính nhân quả 

Nhân quả là quy luật tồn tại khách quan trong cuộc sống, không phải do Phật sáng tạo ra. Doanh nhân là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển xã hội, xây dựng đất nước. Nhưng doanh nhân nếu chỉ có tài năng thôi thì chưa đủ, mà cần có tâm trong sáng, trung thực, làm việc lợi mình, lợi người, và đặc biệt là tôn trọng quy luật nhân quả. Làm ăn bất chính, tàn phá thiên nhiên, bóc lột lao động, gian lận hại người là tự hại chính mình bởi nhân quả không trừ một ai. Quả báo là điều tất yếu, chỉ có điều đến sớm hay muộn mà thôi.

(Hoa Tâm)