Sự khác biệt giữa đau khổ và phiền não

Đã gần 6 tháng kể ngày chồng mất trong một tai nạn xe hơi nhưng dường như nỗi đau của Lan vẫn chưa hề nguôi ngoai. Cú sốc ấy quá lớn khiến cô gần như gục ngã, bị trầm cảm, phải tạm nghỉ việc để điều trị sức khỏe.

Đến thăm Lan trong một buổi chiều mưa, thật khó tin rằng cô bạn sinh viên thông minh năng động ngày nào, đang là giám đốc kinh doanh của một công ty nước ngoài với vẻ bề ngoài mạnh mẽ ấy lại rơi vào tình trạng bi đát như vậy.

Tôi chợt nhớ đến lời dạy của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa trong cuốn ‘Hạnh phúc tại tâm’ rằng chúng ta cần minh định sự khác biệt giữa khổ đau và phiền não.

Cuộc sống vốn vô thường và đầy ắp những điều bất ngờ, cả thú vị lẫn khó chịu. Có những hoàn cảnh éo le, những điều xảy ra hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Bởi vậy, trong bài thuyết pháp đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã dạy chân lý về khổ đau, về những bất như ý luôn xảy ra trong cuộc sống: con người mong cầu nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu, phải xa cách những người ta yêu thương rồi lại phải suốt ngày đối mặt với những điều mà ta không ưa thích… Đó là những sự thật hiển nhiên tồn tại cho dù chúng ta có cố gắng né tránh hay không quan tâm.

Mặc dù không thể kiểm soát được những hoàn cảnh bất như ý xảy đến với mình, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được cách thức phản ứng trước những tác nhân bên ngoài ấy.

Tuy vậy, chúng ta thường nhầm lẫn giữa khổ đau do điều kiện nhân duyên bên ngoài và những phiền não do chính mình tạo nên, để rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cuộc đời.

Khi nỗi đau bị phóng đại

Bị bạn học làm hỏng món đồ chơi yêu thích, đứa cháu năm tuổi của tôi rất tức giận, khóc suốt cả ngày và nằng nặc đòi bắt đền. Chúng ta thường dỗ dành và cười rằng ‘đúng là bọn con nít’ nhưng thật ra chúng ta không ‘người lớn’ hơn lũ trẻ là mấy. Chỉ có điều ‘món đồ chơi’ của chúng ta là tiền bạc, quyền lực, một chút hư danh hay cũng có thể là sự bám chấp vào một điều gì đó mà ta dễ lầm tưởng là tình yêu hay đam mê.
Xã hội hiện đại chứng kiến biết bao kẻ tự tử vì thất tình, làm ăn thua lỗ, hay danh tiếng bị tổn hại. Ở một thái cực khác, họ có thể phạm tội và gây tổn thương cho người khác.

Đôi khi, phiền não do những phóng chiếu trong tâm chúng ta lớn hơn cả bản thân nỗi đau do hoàn cảnh gây nên lúc đầu. Thay vì tìm cách chữa lành vết thương thì chúng ta lại ‘chà sát’ khiến nó thêm trầm trọng.

Lý do là con người có xu hướng quá chú tâm đến những gì mình đã mất hoặc không có, mà thiếu trân trọng những gì mình vẫn đang có. Bởi vậy, với cùng một biến cố, kẻ dại gục ngã trong khi người có trí lại bình thản đón nhận.

Năm 13 tuổi, Bethany Hamilton bị cá mập tấn công và cắn đứt lìa một cánh tay. Cánh cửa tương lai dường như đóng sầm trước mắt vận động viên lướt sóng nhí tài năng. Nhưng thay vì than khóc và tuyệt vọng như phần lớn mọi người nếu rơi vào tình cảnh này, Bethany tiếp tục theo đuổi đam mê bởi cô thấy mình vẫn còn đôi chân khỏe mạnh và một cánh tay để giữ thăng bằng khi lướt sóng, và cô đã làm nên điều kỳ diệu khi liên tiếp dành nhiều danh hiệu vô địch lướt sóng chuyên nghiệp, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu bạn trẻ trên toàn thế giới.
Bethany năm 13 tuổi và hạnh phúc bên gia đình nhỏ bé
 
Thay đổi cách nhìn, tập trung vào những yếu tố tích cực vốn luôn hiện hữu, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ như ta tưởng.

Tự chuốc lấy phiền não.

Không chỉ là ‘nạn nhân của những biến cố trong cuộc đời’, đa phần chúng ta là nạn nhân của chính mình.

Phiền não là chính những khổ đau do chúng ta tự thêu dệt nên và chuốc lấy vì những suy diễn, phóng chiếu bắt nguồn từ nhận thức và hiểu biết sai lầm về thực tại cuộc sống và về bản thân. Chúng ta có thể tức tối đến mất ăn mất ngủ chỉ vì một lời nhận xét vô thưởng vô phạt của ai đó. Thấy người khác thành công hơn mình, nếu không ghen tức thì chúng ta cũng cảm thấy không vui.

Suy ngẫm kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng những cảm xúc phiền não mình đang phải trải qua phần lớn bắt nguồn từ động cơ vị kỉ hẹp hòi. Đằng sau cảm giác cô đơn chán chường thường là sự chấp ngã, quá chú trọng đến bản thân mình. Trước khi đòi hỏi được quan tâm chăm sóc, nếu cho đi yêu thương, không chỉ với con người mà cả thiên nhiên cây cỏ, chắc chắn bạn sẽ thấy mình không hề đơn độc và cuộc sống ấm áp hơn, bởi vạn pháp trong vũ trụ vốn có mối quan hệ gắn kết phụ thuộc, không tách biệt.

Hơn thế nữa, thói quen suy diễn, tư duy sai lệch lại chiêu vời thêm những điều bất ổn, trắc trở biến cuộc sống của chúng ta thành cái vòng luẩn quẩn của khổ đau phiền não.

Vì vậy hãy tỉnh táo quán chiếu, soi xét tâm mình để không trở thành nạn nhân của những phiền não do vô minh gây nên.

Thay đổi thái độ sống và mở rộng tầm nhìn, chúng ta sẽ hiểu rằng mặc dù khổ đau là một phần của cuộc sống, ta có quyền lựa chọn chấp nhận nỗi đau, để nó dần trôi qua thay vì tự dặn vặt và phóng đại nỗi đau ấy lên thành những phiền não dai dẳng, gặm nhấm cuộc đời ngắn ngủi quý giá này.

Khi đó, khổ đau sẽ trở thành cơ hội giúp chúng ta thức tỉnh, trưởng dưỡng trí tuệ và khơi dậy nguồn năng lượng tiềm ẩn để làm được những điều phi thường.

Với Lan, mặc dù mất đi người bạn đời gắn bó, nhưng bạn còn sức khỏe, trí tuệ, gia đình, bạn bè và vô số lý do để tiếp tục tiến bước, sống hạnh phúc và cống hiến cho đời. Tôi tin chắc rằng Lan sẽ làm được điều đó.


Lê Minh