TAM PHÁP ẤN và con đường hạnh phúc của Đức Phật.

Hạnh phúc theo quan niệm cá nhân

'Làm thế nào để sống hạnh phúc?' Có lẽ vẫn là câu hỏi lớn nhất của nhân loại. Quả thật, khoa học đã chứng minh, đằng sau mọi hành vi của con người, có một động cơ căn bản nhất, đó là nhu cầu được hạnh phúc và xa lìa khổ đau.
 

Các thế hệ, các nền văn hóa khác nhau định nghĩa hạnh phúc theo những cách riêng. Nhưng nhìn chung, chúng ta thường gắn hạnh phúc với sự thỏa mãn các giác quan và mong cầu cá nhân, như một bộ phim hay, một món ăn ngon, một món đồ mới, một lời khen ngợi, hay bất cứ trải nghiệm nào mang lại cho chúng ta cảm giác sung sướng dễ chịu.

Điều này hoàn toàn có lý, chỉ có điều việc theo đuổi những đối tượng hoặc trải nghiệm đến từ bên ngoài như vậy thường không bền vững, nó khiến cuộc sống trở thành những chuỗi ngày rượt đuổi không ngừng. Vui đấy nhưng kèm theo sau nó thường là sự mệt mỏi và nỗi bất an.
Mặt khác, chúng ta cũng luôn cố né tránh những gì khiến ta đau khổ. Nhưng dường như chúng ta không thể trốn thoát được nỗi lo âu, cảm giác thất vọng, sân giận hay đố kỵ đang ngự trị trong tâm trí.

Tư duy rượt đuổitrốn chạy này được hình thành từ 2 động lực căn bản thôi thúc con người, đó là lòng thamnỗi sợ hãi. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy nó bủa vây và chi phối chúng ta mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, cho dù chúng ta có là ai hay làm gì: từ bà nội trợ, nhân viên công sở, doanh nhân cho đến chính trị gia…

Dưới góc độ tích cực, sự sợ hãi giúp chúng ta nhận ra hiểm nguy để phòng tránh còn tham vọng tiếp cho ta nghị lực để phấn đấu, vượt qua khó khăn. Nhưng vấn đề là, đa phần thái độ, hành động của chúng ta được hình thành trên nền tảng của sự ngộ nhận, những phóng chiếu của tâm bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm về cuộc sốngbản thân mình.

Và khi đó, hạnh phúc trở thành ảo tưởng được nhào nặn bởi những quy ước xã hội, ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè, môi trường sống, văn hóa, truyền thông, thói quen..., chứ không dựa trên sự thấu hiểu các quy luật của tự nhiên. Đơn cử một ví dụ, những hình ảnh hào nhoáng ngập tràn trên truyền hình hay quảng cáo hàng ngày vẫn đang hằn sâu vào tâm trí chúng ta và hình thành nên một lớp người thèm khát vẻ bề ngoài hoàn hảo và sống trong ảo tưởng, xa rời thực tế… 

Chúng ta ít khi dừng lại để suy ngẫm về điều này. Và đó chính là mấu chốt vấn đề, nguồn gốc của những bất an, phiền não trong cuộc sống.

Con đường hạnh phúc của Đức Phật

Hơn 2500 năm trước, chàng thái tử Tất Đạt Đa đã rời bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tìm đạo, và trở thành Đức Phật, nghĩa là người đã hoàn toàn tự do và tỉnh thức. Giáo pháp của Đức Phật không là gì khác mà chính là những chân lý của vũ trụ mà Ngài đã chứng ngộ và truyền lại cho chúng ta.


Đạo Phật chính là con đường hướng đến chân hạnh phúc, với vô số phương cách khác nhau phù hợp với căn cơ khả năng của từng người, nhưng tất cả đều dựa trên một nền tảng chung: Vô thường – Khổ và Vô ngã. Đó là ba sự thật căn bản, hay chân lý của mọi sự vật hiện tượng, giúp chúng ta minh định được thật giả, hiểu được cuộc sống đúng với bản chất của nó. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiết thực trên hành trình mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.

Ba chân lý này cũng là nền tảng đặc thù căn bản nhất của Phật pháp, tựa như những tấm biển chỉ đường vậy, chính vì thế mà còn được gọi là Tam Pháp ấn, hay là ba dấu ấn của chính pháp.

1/ Vô thường

Khi nghe tin một tai nạn thương tâm, một biến cố bất ngờ xảy đến với ai đó, có thể chúng ta tỏ lòng thương xót nhưng ít ai hình dung những chuyện không may như thế có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào… Khi nhắc đến 2 từ "vô thường", chúng ta thường tặc lưỡi nghĩ thầm "biết rồi khổ lắm nói mãi". Chúng ta có thể nghe nhiều, nhưng lại hiểu lẽ vô thường một cách hời hợt, nó chưa thấm sâu vào trong tim óc chúng ta như là bản chất tất yếu của cuộc sống. Đó là lý do tại sao khi có biến cố xảy ra trong cuộc đời, chúng ta vẫn choáng váng, vật vã, nhiều người sốc đến nỗi trầm cảm và có những kẻ khác lại lao vào rượu chè, tiệc tùng cho quên sầu trong vài ngày, vài giờ, để sau đó lại trầm chìm trong đau khổ.

Xưa nay, chúng ta vẫn quen sống như thể quỹ thời gian của mình là vô tận. Bởi vậy, một bậc Thầy đã từng khai thị: 'Con người sống như thể họ sẽ chẳng bao giờ chết, để rồi chết mà chưa hề thực sự được sống'.

Vô thường là sự thay đổi, biến dịch không ngừng của tất cả mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Quả thật, chẳng có điều gì trong cuộc sống này là chắc chắn ngoại trừ… cái chết. Mỗi phút giây từng tế bào trong cơ thể ta đang sinh diệt. Dòng tư tưởng trong tâm ta cũng vậy. Có những người trước đây ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ lại yêu thích. Mới sáng nay còn vui thế mà bây giờ ‘tự nhiên’ lại thấy buồn…
Cuộc sống luôn đầy ắp những thăng trầm được mất. Rồi một ngày, những thứ bây giờ là ‘của ta’ sẽ tuột khỏi tay ta. Đó là điều không tránh khỏi. Nhưng cũng vì vô thường mà cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ thú vị, nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi. Thay đổi cũng mở ra những cơ hội mới mẻ.

Sống tri ân và không bám chấp

Suy ngẫm về vô thường và hiểu được sự mong manh của kiếp người, của cuộc sống để biết tri ân những gì mình đang có, trân quý quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình, để không phải nuối tiếc vì đã sống một cuộc đời uổng phí và đánh mất nhiều điều quý giá như sức khỏe, gia đình... Lòng tri ân khiến ta nhìn cuộc đời với đôi mắt rộng lượng và nhân ái hơn, sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn với tha nhân. Những mâu thuẫn vì thế cũng dễ dàng được hóa giải hơn bởi vì "cuộc sống có bao lâu mà hững hờ".

Những bị kịch của xã hội hiện đại hiện diện khắp nơi như: tham quyền cố vị, tự tử vì thất bại, đánh đổi sức khỏe cho sự nghiệp, con cái nghiện ngập…, một phần cũng do con người sống mà chưa thấu lý vô thường.
Người đời có thói quen bám chấp, không chỉ đối với tài sản, con người, như gia đình, con cái mà cả những tư duy định kiến của mình. Khao khát làm giàu bất chấp tất cả cũng là một dạng “chấp thủ”, quá kỳ vọng vào con cái khiến nó trở thành áp lực đối với cả bản thân và con cái mình cũng là một kiểu bám chấp, v.v.

Thấu hiểu quy luật vô thường là nhận chân được bản chất giả tạm của cuộc sống. Mọi sự đều đến rồi đi, chuyện hợp - tan là lẽ thường ở đời. Ngộ được chân lý này, chúng ta sẽ bớt bám chấp và sống an nhiên tự tại hơn, nhưng đồng thời sẵn sàng đối diện với mọi khó khăn thử thách của cuộc sống.



2/ Khổ

Khi nói đến Sự thật về khổ đau, có thể nhiều người không đồng tình, họ cho rằng cuộc sống này quá tươi đẹp, đáng sống và chẳng khổ chút nào.
Thật ra, Chân lý về khổ của Đạo Phật (hay Khổ đế) không hề mang tính bi quan hay yếm thế như nhiều người lầm tưởng. Đức Phật chỉ nêu ra một thực tế của cuộc sống mà người đời thường né tránh.

Cách tiếp cận của Đạo Phật là đối diện sự thật, thấu hiểu gốc rễ của vấn đề và tìm giải pháp để lựa chọn một lối sống tỉnh thức và phá bỏ mọi trói buộc, chứ không phải để an phận và sống lầm lũi cam chịu.
Con người hay quen ‘tốt khoe, xấu che đậy lại’. Mạng xã hội có thể là nơi người ta thường chia sẻ hay ‘khoe’ những hình ảnh ‘tốt đẹp’ của bản thân. Nhưng cuộc sống riêng phía sau của mỗi người cũng đầy những nỗi khổ tâm không thể chia sẻ với ai. Đối với một bậc giác ngộ như Đức Phật, người đã thực chứng hương vị của an lạc giải thoát rồi thì cõi Ta Bà mà ta đang sống này có bản chất là đau khổ. Đó là một sự thật cho dù ta có chấp nhận hay không.

Đầu tiên là cái khổ về thân, của sinh lão bệnh tử, những đau đớn về mặt thể xác ai cũng phải trải qua. Thế giới chúng ta đang sống đầy rẫy bệnh tật và chiến tranh tàn khốc, chỉ cần mở TV lên bất cứ lúc nào chúng ta cũng thấy ngay khổ đau hiện diện khắp nơi.
Hơn hết, đó là những nỗi khổ của tâm - những bất mãn, buồn chán, những cảm xúc tiêu cực thiêu đốt và làm tổn hao sinh lực của chúng ta như sân hận, đố kỵ, tiếc nuối, v.v. Chúng ta tham vọng quá nhiều nhưng lại chẳng đạt được là bao nên phát sinh thất vọng buồn bực. Lại có khi đã đạt được mục tiêu nhưng vẫn thấy còn thua kém người khác, thế là ta lại phải khổ sở vì ghen tỵ. Rồi nỗi khổ do ái biệt chia ly. Ai đó làm điều gì không vừa lòng chúng ta cũng tức tối hay bực mình.

Ngày nay, thậm chí nhiều người được cho là "thành đạt" hiếm khi có thời gian để có một bữa ăn chậm rãi thảnh thơi bên gia đình bạn bè mà không phải vướng bận tới công việc. Họ đã để cuộc sống hối hả với những bon chen toan tính cướp đi giây phút hiện tại quý giá của mình, mải mê đuổi theo tương lai, như vậy chẳng phải là khổ hay sao?
Nỗi khổ hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống. Người giàu sợ mất của, sợ mất địa vị, dang tiếng. Người nghèo phải làm việc cực nhọc để kiếm sống, hay bị dày vò bởi khát khao cơm áo gạo tiền. Hạnh phúc gia đình yên ấm lại khiến ta lo sợ mất người mình thương yêu, sợ con cái không tiếp nối được ‘truyền thống gia đình’…

Tại sao chân lý về khổ mà lại giúp chúng ta thoát khổ, để sống hạnh phúc? Nghe có vẻ ngược đời?
Kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn’. ‘Kỳ vọng’ ở đây chính là sự bám chấp vào một kết quả vừa ý mình.
Hiểu được sự khổ đau, bất toàn là một thuộc tính cố hữu của đời sống, chúng ta bớt đòi hỏi, bớt kỳ vọng, biết tri ân, chia sẻ và sống an vui. Những ‘bất như ý’ trước đây khiến chúng ta bực bội thì bây giờ không còn làm chúng ta đau khổ nữa, hay ít ra thì chúng ta cũng thanh thản hơn.

Sướng hay khổ thật ra đều là sự phóng chiếu của tâm mình

Quan trọng hơn, hiểu về ‘Khổ’ để mở rộng tầm nhìn và nhận ra rằng sướng hay khổ thật ra đều do tâm mình phóng chiếu. Tất cả chỉ mang ý nghĩa tương đối mà thôi. Cái mà mình cho là khổ có khi là hạnh phúc, là niềm mơ ước đối với nhiều người khác… Bởi vậy, ai đó đã nói rằng ‘Tôi đã khóc vì không có giầy để đi khi nhìn thấy một người không còn đôi chân để mang giầy’. Người có trí là người phân biệt được đâu là khổ đau do hoàn cảnh, đâu là khổ đau do mình tự tạo nên.

Mặt khác, chính nhờ có trải nghiệm khổ đau mà ta hiểu được giá trị thật của hạnh phúc.

3/ Vô ngã

Tên lừa đảo lớn nhất

Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt với những cá tính, khuynh hướng, sở thích khác nhau. Chúng ta thường coi những cá tính ấy gắn liền với bản thân mình như một thứ bản sắc, rất khó thay đổi, bởi vậy mà người ta nói rằng "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời".
"Sự thật" ấy lại được chúng ta củng cố thêm hàng ngày với những suy nghĩ, lời nói kiểu như "tính tôi như vậy", "tôi là người nóng tính"... Thật ra, đây chỉ là những lời thì thầm của bản ngã, vốn không thích thay đổi, nó cho chúng ta có cảm giác được là một ai đó. Bản ngã khiến chúng ta tự đồng hóa mình với cảm xúc của mình, chính vì vậy mà chúng ta trở thành những cơn giận, những xúc tình tiêu cực, để nó ăn sâu vào tâm trí và tự nhận nó là một phần con người mình.

Xã hội hiện đại đề cao sự khác biệt. Cá tính và sự độc đáo luôn tạo được sức hút mạnh mẽ. Một mặt, tôn trọng sự khác biệt là nền tảng của sự sáng tạo và làm nên vẻ đẹp đa dạng của cuộc sống. Nhưng mặt khác, cũng chính vì điều này mà con người ngày một tôn thờ bản ngã, tăng trưởng cái tôi. Điều này rất nguy hiểm nếu không biết kiểm soát. Chúng ta coi mình là những cá nhân hoàn toàn độc lập với một cái tôi riêng biệt. Và biết bao rắc rối và phiền não bắt đầu phát sinh từ nhận thức này.

Vì bám chấp vào cái tôi, nên chúng ta tìm mọi cách thỏa mãn nó bằng danh lợi, tích lũy tài sản để biến mọi thứ thành ‘của tôi’. Tham lam vô độ cũng vì cái tôi, sân hận, tuyệt vọng cũng vì cái tôi không được thỏa mãn.
Bản ngã có thể rất hung hăng hiếp đáp, nhưng có khi lại nhu nhược hèn yếu. Giết người vì bản ngã quá lớn mà tự tử cũng có thể vì một chữ ‘sĩ’, vì không vượt qua nổi cái tôi của mình.
Tài năng lớn nhất của bản ngã là tô vẽ, bóp méo thực tại. Nó khiến chúng ta trở nên ‘mong manh dễ vỡ’. Đôi khi chỉ một câu nói bâng quơ cũng khiến chúng ta tổn thương, bởi ta tự ảo tưởng rằng mọi người nhắm vào mình. Thật ra chúng ta không quan trọng đến vậy. Kết quả là bao nhiêu cánh cửa cơ hội đóng sập trước mắt ta.
Bãn ngã thích so sánh hơn thua, nó thích ‘dìm’ người khác xuống để có cảm giác mình được nâng lên.

Chính vì vậy Đức Phật dạy rằng: 'Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối bạn nhất thời nhưng nó lại gạt bạn suốt đời”. Chúng ta đang để bản ngã ‘bắt cóc’ và trở thành con tin bị giam cầm trong cái nhà tù của vọng tưởng, xúc tình phiền não do chính mình dựng nên.
Dưới tuệ giác của Đức Phật, ý niệm về một cái tôi thực sự tồn tại độc lập chỉ là ảo tưởng. Cái tôi ấy không là gì khác ngoài tập hợp thân - tâm, bao gồm những tư tưởng, quan niệm cố hữu, những thói quen tập khí đã ăn sâu trong tiềm thức, những cảm xúc sinh diệt không ngừng nghỉ do chúng ta tự dán nhãn, đặt tên. Tất cả không hề thường hằng chắc thật như ta tưởng và chẳng có gì là ‘của ta’ bởi nó ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, chỉ cần một tác động đủ mạnh của nhân duyên là có thể vỡ tan tành.


Đạo Phật đã phơi bày chân tướng của bản ngã để thấy bản chất vô ngã của mỗi chúng ta. Tất cả các cảm xúc khởi phát trong tâm như vui buồn, giận hờn đến rồi đi và vốn hoàn toàn không phải là ‘ta’.

Tự tại, không bị trói buộc bởi hoàn cảnh, quan niệm hay cảm xúc

Thấu hiểu điều này, chúng ta trở thành người quan sát dòng tư tưởng, cảm xúc sinh diệt của mình như xem một đoạn phim mà không bị cuốn theo và để nó sai sử. Chúng ta sẽ trở nên hoàn toàn tự do, không bị trói buộc bởi hoàn cảnh, quan niệm hay cảm xúc. Những tài năng tiềm ẩn mà trước đây không bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình đang sở hữu sẽ được khơi mở và khám phá. Cuộc sống sẽ tràn đầy hứng khởi và an lạc.
Không những thế, trí tuệ vô ngã giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và không tự phân tách mình và mọi người, nuôi dưỡng tâm từ bi, vượt lên trên cố chấp và hẹp hòi của bản ngã. Tất cả mọi người, mọi chúng sinh trên cõi đời này, từ nhà tỷ phú cho đến người bán vé số đều giống nhau, cùng mong muốn hạnh phúc và xa lìa khổ đau. Đồng thời tất cả chúng ta đều có mối quan hệ mật thiết, hạnh phúc của ta vốn không hề tách rời hạnh phúc của người khác và ngược lại. Khi ấy, tâm ta trở nên rộng lớn quảng đại và chúng ta càng thấm thía câu nói của Đức Phật: ‘Nếu bạn thực sự yêu thương bản thân mình, bạn sẽ không bao giờ làm tổn hại bất cứ ai’.
 
Sống tùy duyên và thuận theo quy luật của thiên nhiên.

‘Thái độ quyết định hành vi, hành vi quyết định thói quen, thói quen quyết định số phận’. Không phải hoàn cảnh hay những gì xảy đến với mình khiến mình đau khổ mà chính thái độ, cách ứng xử của chúng ta là nguyên nhân trọng yếu. Thái độ ấy lại bắt nguồn từ nhận thức và hiểu biết của chúng ta về chính mình và thế giới xung quanh. Tam Pháp ấn Vô thường – Khổ - Vô ngã cho ta một cách nhìn đúng đắn và rộng mở về cuộc sống, Đạo Phật gọi đó là chính kiến.

Hiểu được bản chất của cuộc sống giúp chúng ta sống tùy duyên và thuận theo quy luật của thiên nhiên.

Cuộc sống vốn mong manh và bất như ý, vậy nên ngày nào còn có mặt trên cõi đời này, hãy biết tri ân và hân hưởng những giây phút hiện tại. Nếu bạn đang có một mái nhà che thân, được ăn ba bữa mỗi ngày, bạn đã may mắn hơn 85% dân số trên hành tinh này. Chúng ta vốn có đầy đủ mọi điều kiện để hạnh phúc ngay lúc này chứ không phải chờ đến khi phải đạt được một điều gì đó bởi đó như bản ngã thường hoang tưởng.
Hãy cứ mơ ước, hãy dấn thân và nỗ lực hết mình nhưng đừng quá bám chấp vào ‘đầu ra’ bởi nó ngoài tầm kiểm soát của bạn. Và điều thú vị là khi ta chú tâm vào công việc, thay vì quá bận tâm đến 'kết quả', 'kết quả' ấy lại tự đến một cách tự nhiên và nhẹ nhàng...



Quán chiếu một cách sâu sắc Tam Pháp ấn, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy nhiều điều trước đây có thể khiến ta mất ăn mất ngủ thì giờ đây lại trở thành vụn vặt. Thành bại vinh nhục bỗng ‘nhẹ tựa lông hồng’. Đó chính là nghệ thuật Sống Hạnh Phúc.

(Pháp Nhiên)