Để hiểu về tâm mình, bạn cần biết điều này!

Hạnh phúc hay khổ đau cũng là sự cảm nhận của tâm. Chỉ khi hiểu rõ chân tâm của mình chúng ta mới có thể trải nghiệm được hạnh phúc đích thực.

Theo Đạo Phật thì rất khó diễn tả về tâm, mà càng nói chúng ta càng dễ rơi vào hý luận suông, nên chúng ta cần trải nghiệm. Sở dĩ Phật Pháp còn tồn tại đến ngày nay sau hơn 2500 năm chính là nhờ giáo lý Tự tính tâm hay phẩm chất giác ngộ nơi mỗi người. Suốt cuộc đời, Đức Phật thuyết giảng rất nhiều kinh điển cũng chỉ để nói về tâm, nói về chính chúng ta, không về cái gì khác xa xôi, mờ ảo.

 

 

Tâm có thể phân ra làm hai loại, đó là tâm thanh tịnh hay tâm bất nhị và tâm vô thường hay tâm nhị nguyên.

 

Tâm thanh tịnh

 

Loại thứ nhất là Tâm thanh tịnh. Ở Việt Nam, trong các Kinh điển, loại tâm này có nhiều cách gọi khác nhau. Chẳng hạn trong Thiền tông, các vị gọi Tâm là bản lai diện mục, là “chủ nhân ông”. Kinh Kim Cương lại gọi Tâm là Kim cương hay Chân như. Đối với người thực hành niệm Phật, Tâm ấy được gọi là Di Đà tự tính. Đối với Mật thừa thì gọi là Đại Thủ Ấn, Đại Toàn Thiện, Tự tính tâm. Như thế, chúng ta đã gán cho “Tâm” rất nhiều tên, màu sắc khác nhau nhưng chỉ là danh tự.

 

 

Tâm không là gì khác, đơn giản chỉ là tự tính thanh tịnh nơi mình. Chúng ta cần biết rằng không phải đến khi mình có “thân” thì mới có “tâm”. Thực ra, tâm có trước, sau đó mới tái sinh trong loài người hay các cảnh giới khác của Luân hồi. Kể cả khi mất thân này thì chúng ta cũng vẫn còn Tâm. Tâm là nền tảng của tất cả Luân hồi, Niết bàn, hạnh phúc, khổ đau. Để hiểu được điều này, chúng ta cần thực hành thiền định, ở đây chỉ mang tính giới thiệu, việc trì tụng chân ngôn trong Kim Cương thừa cũng chính là tu tập về Pháp thân trí tuệ, là tu tập về Tâm giác ngộ.

 

Tâm vô thường 

Loại tâm thứ hai là tâm mà chúng ta thường chung sống và hiểu lầm là “tâm của tôi”: Tâm tôi vui buồn, hạnh phúc, đau khổ, tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế kia… vốn dựa vào chấp ngã và những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là Tâm vô thường. Tâm này thực sự không phải là bản chất thật của chúng ta. Vì chúng ta nhận nhầm mình khổ, mình vui, tự đồng hoá mình với những cảm xúc sinh diệt nên đã thăng trầm cùng nó. Phật dạy rằng như thế khác gì nhận lầm giặc làm con, dùng cát mà mong nấu thành cơm. Thật là đáng buồn.
 

Nếu chúng ta không hiểu được bản chất thực sự của tâm thì không thể nào đạt được hạnh phúc chân thật và thành tựu rốt ráo trong tu tập. Chúng ta cứ mãi sống trong ảo tưởng, trôi lăn trong luân hồi mà không hề biết mình là ai, tại sao mình có mặt trong cuộc đời này.

Bởi vậy, chúng ta cũng cần phải học để hiểu phạm trù tâm phàm này. Một cách đơn giản, tâm phàm tình là tâm mà chúng ta cảm nhận về hạnh phúc, khổ đau hay trung tính, tức cảm nhận chẳng hạnh phúc cũng không đau khổ.
Theo đó, tâm mà chúng ta cảm nhận về hạnh phúc là tâm Tham, tâm mà chúng ta cảm nhận về sự bực tức, bất mãn, khổ đau là tâm Sân, còn tâm trung tính xuất hiện khi chúng ta không cảm thấy vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ là tâm Si. Đó không phải là chân tâm của mình như chúng ta vẫn đang lầm tưởng.

   

Nhiều lúc chúng ta tưởng mình bình an không vướng bận tham, sân, nhưng thực ra khi đó, ta vẫn có sự chấp trước ngấm ngầm vào một “cái tôi” và cảnh sống. Tâm mờ mịt 'trung tính' như vậy là nơi khởi phát của tham và sân, vì vậy trạng thái tâm si này cũng rất nguy hiểm.

Nhận ra được sự thật này là bước đầu tiên chúng ta cần làm để có thể đạt được sự tư do, giải thoát thực sự. Để trải nghiệm về tâm thanh tịnh, chúng ta cần thực hành tu tập, đây là cốt tủy thực hành của Đạo Phật.

(Theo Drukpavietnam.org)