Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát

Sống trên đời, hàng ngày chúng ta tiếp xúc với cảnh bên ngoài. Mắt thấy sắc. Tai nghe âm thanh, lời nói. Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm. Ý nghĩ duyên theo pháp trần hay các bóng ảnh, dấu ấn ngoại cảnh ở trong tâm. Nhà Phật gọi chung sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là 6 trần. 

Trong cuộc sống hàng ngày, khi 6 căn tiếp xúc với trần cảnh như vậy, tâm con người hay bình phẩm phán xét: đẹp hay xấu (mắt), dễ nghe hay khó nghe (tai), thơm tho hay hôi hám (mũi), ngon hay dở (lưỡi), mịn màng hay thô nhám (thân), thương hay ghét (ý). Các cảm thọ dễ chịu, khó chịu hay trung tính khi các giác quan của chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh sẽ làm phát khởi các cảm xúc yêu ghét mừng giận thương lo buồn tủi… và chúng ta gắn cái tôi của mình vào đó: Tôi yêu cái này, tôi ghét cái kia…

Chúng ta thích ngắm người đẹp, thích nghe lời khen, thích hương thơm, ăn ngon, sống tiện nghi thoải mái, hay du ngoạn đây đó để thoả mãn các giác quan. Điều đó cũng tốt thôi nhưng khi nó trở thành mục đích của cuộc đời, khi hưởng thụ dục lạc trở thành lẽ sống thì phiền não đau khổ nảy sinh là điều tất yếu.

Bởi vậy các bậc thầy dạy rằng chính sự bám chấp, dính mắc vào ngoại cảnh là nguồn gốc của phiền não. Nó khiến chúng ta tạo nghiệp, thường là bất thiện nghiệp. Chúng ta bắt đầu khởi tâm tham ái, mong muốn có được những thứ mình yêu thích hoặc tâm sân giận, cố gắng chối bỏ những gì mình không ưa thích bằng mọi cách.

Người biết tu tập muốn trưởng dưỡng trí tuệ, sống an lạc tự tại, cần phải nhận rõ nguyên nhân khiến chúng sinh trầm luân trong sinh tử luân hồi chính là do tâm dính mắc này. 

– Nếu mắt thấy sắc, tâm không phán xét đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.

– Nếu tai nghe tiếng, tâm không phán xét, khỏi bị não phiền.

– Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phán xét, khỏi bị bực mình.

– Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phán xét, khỏi tạo nghiệp chướng.

– Nếu thân xúc chạm, tâm không phán xét, khỏi bị tham đắm.

– Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phán xét, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương. 

Tâm không phê phán, không dính mắc nghĩa là không quy gán, không chạy theo cảm thọ, chạy theo vọng tưởng sanh diệt, không để ngoại cảnh lôi cuốn sai sử, chứ không phải chúng ta trở thành gỗ đá không có nhận thức hay cảm xúc gì.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên đời, nhưng nếu tâm không dính mắc, không tham đắm, thì không có phiền não.  Không phiền não tức là giải thoát.

Để làm được điều này, chúng ta cần rèn luyện tâm.

Trước hết, chúng ta phải biết phòng hộ 6 căn hay 6 cửa ngõ nơi thân mình tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài. Điều đó không có nghĩa là chúng ta bịt tai bịt mắt không nghe không nhìn gì cả mà tỉnh thức hơn trong việc lựa chọn những gì chúng ta thu nạp mỗi ngày qua các giác quan. Đừng mở toang 6 cánh cửa này để tất cả những bụi bặm rác rưởi ngoài kia tràn ngập căn nhà tâm của mình, kích động lòng tham, sự u mê và hận thù nơi tâm mình. Đồng thời, chúng ta cần trau dồi trí tuệ để nhận ra bản chất vô thường của vạn pháp thế gian, của cuộc đời, để bớt dần bám chấp vào các cảm thọ, bất kể vui hay khổ bởi chúng ta biết rằng bản chất của nó cũng vô thường sinh diệt, nó không phải là mình, càng không phải là bản chất thật của mình.

Rồi từng bước, khi chúng ta có đủ định lực, sức mạnh nội tâm, chúng ta sẽ có thể vững vàng trước mọi thuận nghịch của cuộc đời và chúng ta sẽ thực sự ngộ ra rằng nơi chốn nương náu bình an nhất không phải trên núi cao hay ở một bờ biển xa xôi nào mà vốn sẵn ngay tâm mình.

Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát. 


(Quang Minh tổng hợp)