Theo đuổi đam mê khiến bạn… kém thành công hơn?

Chưa bao giờ lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê để thành công” lại trở nên phổ biết như hiện nay. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây từ trường ĐH Stanford cho biết, đấy là lời khuyên có thể khiến bạn… kém thành công hơn.  
 
Với sự giúp đỡ của Paul O’Keefe - người từng là nghiên cứu viên hậu tiến sĩ ở Đại học Stanford, 2 nhà tâm lý học cũng của Đại học Stanford là Carol Dweck và Gregory Walton đã tiến hành một loạt các thí nghiệm để tìm xem hệ thống niềm tin nào sẽ dẫn con người tới thành công hay thất bại.

Mẫu thử nghiên cứu của họ đến từ 2 nhóm sau: Thứ nhất, những người ưa thích khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán hay còn gọi là STEM - từ gộp chung của Science, Technology, Engineering và Mathematics. Nhóm thứ hai là những người ưa thích nhân học và nghệ thuật.

Với 5 thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã quan sát tổng cộng 470 cá nhân khi họ đọc nhiều bài viết và xem các video có liên quan đến chủ đề họ yêu thích lẫn không yêu thích. Kết quả, những người chỉ thuần túy quan tâm đến duy nhất một chủ đề ít có khả năng hoàn thành cũng như hiểu rõ nội dung của các bài viết hay video.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Những lời khuyên đại loại như "hãy theo đuổi đam mê của bạn" khiến người ta nghĩ rằng việc theo đuổi một đam mê nào đó là chuyện dễ dàng. Và, những người tin vào lời khuyên này thường dễ bỏ cuộc khi phải đối mặt với khó khăn hay thử thách.

Chúng ta từng nghe rằng: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Có rất nhiều người đinh ninh cho rằng điều này là hoàn toàn đúng. Nhưng xét trên nhiều khía cạnh thì câu nói này chỉ đúng một phần mà thôi.

Nếu bạn chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ để thành công mà còn phải có nhiều yếu tố khác nữa để tạo ra nền tảng vững chắc, ví dụ như: kiến thức, sự bền bỉ, trải nghiệm, kinh nghiệm, v.v.

Walton nói: "Nhiều tiến bộ trong khoa học và kinh doanh được tạo ra khi người ta biết kết hợp các lĩnh vực khác nhau lại, khi người ta thấy được những liên kết mới giữa các lĩnh vực mà vốn dĩ chưa từng xuất hiện trước đó".

Còn O'Keefe nói thêm rằng thế giới đang ngày càng được kết nối với nhau một cách chặt chẽ. Điều này cho phép con người tạo ra những liên kết có giá trị hơn bao giờ hết trong các lĩnh vực như nghệ thuật, công nghệ và khoa học xã hội.

Tỷ phú tự thân Mark Cuban - ông chủ sở hữu của đội bóng rổ Dallas Mavericks kiêm nhà đầu tư trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank - cũng đồng ý với quan điểm trên và còn nâng nó lên một mức nữa. Trong series Amazon Insights for Entrepreneurs, Cuban chia sẻ: "Một trong những lời nói dối trắng trợn trên đời này là hãy theo đuổi đam mê của bạn. Mọi người ai ai cũng khuyên bạn như thế."

Ông cho rằng mọi người nên tập trung vào thế mạnh của bản thân hơn là đam mê, vì đâu phải lúc nào chúng ta cũng giỏi thứ mà chúng ta thích. Ngoài ra, việc hoàn thiện một thế mạnh của bản thân cũng có thể trở thành đam mê. Vị tỷ phú nói đùa: "Tôi từng rất muốn trở thành một cầu thủ bóng chày. Tuy nhiên, tôi nhận ra mình chỉ có thể ném bóng chạm mốc 70 dặm/giờ, trong khi các cầu thủ chuyên nghiệp lại đạt tốc độ trong khoảng hơn 90 dặm/giờ".

"Những thứ được bạn dành thời gian, công sức cho thường là những thứ mà bạn giỏi. Và, nếu bạn dành đủ thời gian cho nó, bạn có thể trở nên rất giỏi. Bí mật là thế này: Chẳng có ai lại từ bỏ thứ mà mình giỏi cả. Bởi vì, việc giỏi một thứ gì đó rất vui và trở thành một trong những người giỏi nhất còn vui hơn nữa", Cuban nói.

Cuộc sống muôn màu, đôi khi ta không thể cứ khăng khăng làm điều ta muốn trước, mà hãy làm điều ta có thể nuôi sống điều ta muốn trước, như Tiến sĩ Lê Thẩm Dương từng nói: “Hãy để thành công sinh ra đam mê”.
 
“Tôi luôn nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống, nhưng tôi cũng đủ thực tế để biết rằng cuộc sống phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều." - Walt Disney (nhà sản xuất, sáng lập hãng Walt Disney).
 
MAI AN (tổng hợp)