Trí tuệ tính không - Cánh cửa tự do

99,99% cơ thể chúng ta là trống rỗng

Bạn có bao giờ nghĩ rằng 99,99% cơ thể mình là khoảng không, trống rỗng? Mới thoạt nghe chúng ta thấy quá vô lý. Cơ thể mình vốn chắc thật như thế, cùng lắm thì “70% cơ thể bạn là nước” thôi chứ làm gì có chuyện như vậy!? Nhưng đó lại hoàn toàn là sự thật. Cơ thể con người cũng là một dạng vật chất được cấu thành từ hàng tỷ tỷ nguyên tử. Trong khi đó, cấu trúc của một nguyên tử gồm các hạt neutron, proton ở tại nhân và hạt electron xung quanh. Vật lý hiện đại đã chỉ ra rằng nếu kích thước của một nguyên tử bằng một sân vận động thì kích thước hạt nhân của nó nhỏ hơn một hạt gạo, có nghĩa là khoảng 99.99% không gian còn lại trong nguyên tử là trống rỗng. Vậy là không chỉ 99,99% cơ thể chúng ta là 'trống rỗng' mà ngay cả một ngọn núi cũng như vậy.

Sự thật này cho thấy rằng bản chất của thực tại đôi khi không hề giống như vẻ bề ngoài của nó. Trong cuộc sống, có vô số những điều mà lâu nay chúng ta cảm nhận hoặc tin chắc là sự thật hay chân lý, nhưng thực ra chỉ là quan điểm cá nhân từ cái nhìn của tâm ta mà thôi.
 


Vũ trụ trong một bông hoa

 Tất cả các cá thể đều kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, không có một thực thể nào tách biệt và tồn tại hoàn toàn độc lập. Vạn vật đều tham gia vào sự hình thành, biến đổi, mất đi dù ở bất kì khía cạnh nào để tạo nên một quần thể vũ trụ . Bản thân từng yếu tố ấy cũng lại không ngừng biến đổi. Bạn có biết rằng ngay vào lúc này, bạn đang du hành qua dải ngân hà với tốc độ 220km/giây đồng thời có khoảng 50 triệu tế bào trong cơ thể bạn vừa chết đi và được thay mới ngay khi bạn đọc xong câu này? Cuộc sống có những chuyển động vô cùng vi tế, ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Một bông hoa chứa đựng trong đó cả nắng, mưa, đất trời, hạt mầm, bàn tay chăm sóc của người làm vườn…và cả “thiên đường Tam giới” như trong vần thơ của WILLIAM BLAKE, nhưng lại không chứa đựng tự tính của riêng nó.. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên, bông hoa sẽ không tồn tại. Bởi vậy bản thân con người cũng không có một tự tính biệt lập. Nếu bạn nghĩ thân thể này thực sự là của “ta”, bạn nên nhớ rằng có đến 90% tế bào trong cơ thể chúng ta không phải là “ta” mà là vi khuẩn (cả có lợi lẫn có hại). Tất nhiên đây chỉ là một hình ảnh ẩn dụ nhưng chính ý niệm sai lầm về một cái tôi riêng biệt, tâm phân biệt “ta - người”, “của anh”, “của tôi” là nguồn gốc của ích kỉ, tham lam, đố kỵ dẫn đến xung đột và gây nên đau khổ. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay sự ra đời của các nhóm khủng bố cực đoan cũng bắt nguồn từ một cách nhìn lệch lạc về một thế giới của những cá thể biệt lập riêng rẽ.

Xưa nay, chúng ta vẫn quen dán nhãn, đặt tên cho những gì mình tiếp xúc thông qua các giác quan và coi đó là những sự thật hiển nhiên. Tuy nhiên đôi khi đầu óc tư duy logic cũng là một rào cản ngăn chúng ta tiếp cận chân lý bởi chúng ta luôn muốn mọi thứ phải tách bạch trắng đen trong khi thực tại vốn muôn màu muôn vẻ.


 

Xóa bỏ định kiến và chuyển hóa cảm xúc

Tâm trạng con người thường bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tức giận, buồn chán, tuyệt vọng, thất vọng, ghen tỵ... Trên thực tế, đằng sau những cảm xúc ấy là  sự mặc định về một thực tại, một quan điểm nào đó mà ta cho là hoàn toàn đúng. Nhận thức được điều đó giúp chúng ta biết soi xét bản thân, nhìn lại chính mình. Khi ta nhìn sự vật ở khía cạnh: “mọi vật đều chỉ là quan điểm của bản thân ta”, ta sẽ biết cách xóa bỏ định kiến và chuyển hóa cảm xúc. Giả sử chúng ta  giận người thân vì cho rằng họ không quan tâm đến mình, nhưng khi nhận ra rằng bản thân họ cũng đang gặp phải những khó khăn cần sự chia sẻ của mình thì bạn sẽ thông cảm hơn, cơn giận sẽ tự khắc tan biến hoặc ít nhất cũng vơi đi phần nào.

Chúng ta nên nhìn cuộc sống đa chiều, không cố chấp. Cùng trải qua một biến cố như nhau, nhưng người có hiểu biết sẽ biết đặt mình vào các hoàn cảnh khác để suy xét để nhìn thấy khía cạnh tích cực của sự việc mà không bị chìm đắm trong muộn phiền.  

Mở rộng tầm nhìn cuộc sống

Chúng ta thường nhìn cuộc sống qua lăng kính hạn hẹp của bản thân để rồi trở thành những “con tin” bị giam cầm trong thành trì kiên cố của những cảm xúc  tiêu cực và định kiến của chính mình. Hãy nhìn vào muôn mặt của vạn vật và giải phóng tư duy khỏi định kiến 1 chiều.

Khi cánh cửa tâm thức rộng mở, chúng ta thấy rõ bản chất giả tạm của cuộc đời. Chúng ta không còn chạy theo những danh lợi và ngoại cảnh để thỏa mãn cái tôi hư vọng bởi chúng ta nhận thức  được bản chất “rỗng rang” của nó và tỉnh thức hơn trong sự lựa chọn của mình. Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra nhiều khía cạnh mới mẻ và thú vị của cuộc sống. Những thăng trầm và được mất của cuộc đời bỗng nhẹ tênh khi tâm ta rộng mở và không phán xét.


Vô ngã vị tha

Chúng ta đang sống trong vô vàn mối tương quan với con người và môi trường xung quanh. Vắt kiệt tài nguyên, tàn phá thiên nhiên cũng là hủy hoại cuộc sống của chính mình.

Hiểu được sự thật ấy giúp chúng ta bớt tham lam, vị kỉ, thay vào đó ta biết cảm thông, chia sẻ với mọi người và tri ân cuộc sống, qua đó sẽ trải nghiệm tình yêu thương và hạnh phúc. “Cho đi càng nhiều chúng ta càng nhận được nhiều” không còn là khẩu hiệu mà là một chân lý.

Quang Minh