6 Đạo luân hồi

Chư Phật, Bồ-tát, các vị Thánh tăng A-la-hán đã thành tựu tuệ giác Tam minh. Trong đó, thiên nhãn minh là tuệ giác rõ biết tường tận sự sinh tử của chúng sinh. Chúng ta ngày nay hầu hết là phàm phu nên chỉ hy vọng người thân sau khi chết được sinh về cõi lành, chỉ kỳ vọng mà không thể biết. Còn các bậc Thánh thì khác, biết rõ về hạnh nghiệp và các cảnh giới tái sinh tương ứng của hết thảy chúng sinh. Thời Thế Tôn còn tại thế, khi được hỏi Ngài cũng hay nói về vấn đề này.

Thực ra, dù chưa chứng đắc nhưng nếu bình tâm suy xét thì chúng ta cũng cơ cảm được phần nào về vấn đề tái sinh. Đó là dựa theo quy luật Nhân quả-Nghiệp báo. Căn cứ vào hạnh nghiệp thiện hay ác trong hiện đời của một người thì cũng thấy được phần nào nơi chốn họ sẽ sinh về. Trong lục đạo (Dục giới), nếu sống với mười nghiệp thiện (gồm ba nghiệp của thân là không trộm cắp, tà dâm, sát sinh; bốn nghiệp của khẩu là không nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi, nói lời độc ác; và ba nghiệp của ý là tham, sân và si) thì hưởng phước trời người, ngược lại là nhân của ba đường ác.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Ví như phòng nhà có hai cửa đối nhau, có người đứng ở trong, lại có người đứng ở trên nhìn người bên dưới ra vào, đi đến thảy đều thấy biết. Ta cũng như thế, dùng thiên nhãn quán chúng sinh, người sinh, người chết, cõi lành, cõi ác, sắc lành, sắc ác, hoặc tốt hoặc xấu, đi theo loài nào thảy đều biết hết.
Nếu có chúng sinh thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, chẳng phỉ báng Hiền Thánh, hành pháp Chánh kiến, tương ưng với Chánh kiến, chết sẽ sinh cõi lành, lên trời. Đó gọi là chúng sinh làm thiện.

Nếu có chúng sinh làm pháp lành này, chẳng tạo hạnh ác, chết sẽ sinh trong loài người.

Nếu lại có chúng sinh thân, miệng ý làm ác, tạo hạnh bất thiện, chết rồi sinh trong ngạ quỷ.

Hoặc có chúng sinh, thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền Thánh, tương ưng với tà kiến, chết sẽ sinh trong súc sinh.

Hoặc có chúng sinh, thân, miệng, ý làm ác, tạo hạnh bất thiện, phỉ báng Hiền Thánh, chết rồi sinh trong địa ngục…”. (*)

Điều đáng lưu ý là, hiện nay có một số kiến giải về Phật học cho rằng, ác đạo (đơn cử như địa ngục) là phương tiện để răn đe, nhằm giáo dục đạo đức cho nhân loại chứ không thật có. Thiết nghĩ, khi chưa thành tựu tuệ giác Tam minh của bậc Thánh thì chúng ta cần cẩn trọng với những phát ngôn đại loại như vậy. Bởi không thể đem tình phàm để lượng Thánh. Nhục nhãn và thức tri tuy sáng nhưng không thể sánh với tuệ giác thiên nhãn minh. Những gì người phàm không thấy không có nghĩa là chẳng có.

Thế Tôn đã thấy rõ nhân hạnh của chúng sinh trôi lăn trong tam giới, lục đạo như người đang nhìn vào nhà trống, như đứng trên cổng thành nhìn người ta bên dưới ra vào; thấy rất rõ mọi người và mọi việc đang xảy ra. Đây là tuệ giác của bậc Giác ngộ. Tuệ giác này hoàn toàn phù hợp với quy luật Nhân quả-Nghiệp báo. Tái sinh vào đâu là quả, tạo hạnh nghiệp gì là nhân. Đây là sự thật, là vận hành của Nghiệp chứ không đơn thuần và cạn cợt như là phương tiện giáo dục đạo đức. Một khi đã xác định và có niềm tin vững chắc vào giáo pháp, vào Nhân quả-Nghiệp báo rồi thì vấn đề còn lại là lo tu học để chuyển nghiệp từ xấu ác sang thiện lành và hướng đến dứt nghiệp.

(Quảng Tánh)

(*) Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 32.Thiện tụ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.200