Ham Muốn

Ham muốn cũng giống như uống nước muối, càng uống sẽ càng khát. Nếu mù quáng chạy theo những ham muốn, nó sẽ khiến bạn đắm đuối ngày một sâu hơn trong sự thèm khát vô độ. Ham muốn luôn mạnh lên mỗi ngày và cũng thường ít khi được thỏa mãn!

Ham muốn là một xúc tình không đơn giản. Như ta thường thấy, nó gắn chặt với niềm vui và tình yêu. Tôi vẫn khuyên bạn nên khám phá những cung bậc cảm xúc mà bạn có với ham muốn, cho dù việc này có thể khuấy lên những cảm giác dục vọng mãnh liệt. Hãy xem liệu những cung bậc cảm xúc ấy có bao gồm thèm muốn và chấp thủ không? “Tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia, tôi muốn anh” – hay nó thực sự là yêu thương, không đi kèm với ràng buộc, không kiểm soát chính bạn hay đối tượng ham muốn của bạn theo bất kỳ cách nào? Khi cảm giác mãnh liệt và đau đớn của khát khao ham muốn chuyển thành trạng thái thư thái và nhẹ nhàng hơn - bạn cùng lúc nhận ra mối quan hệ này là bền vững, tốt đẹp và nhờ đó bình tâm trở lại. Cùng với nhận thức này, bạn sẽ trải nghiệm niềm hoan hỉ và tình yêu thương chân thật!

Từ bỏ ham muốn tiêu cực không có nghĩa là bạn bỏ tất cả những thú vui hoặc những người thân yêu của bạn. Trên thực tế, đó là sự từ bỏ khát khao chiếm hữu với đối tượng mà bạn bám chấp, ước muốn này dày vò bức bối tâm can khiến bạn đau khổ. Chúng ta thậm chí có thể bám chấp vào nỗi đau, cả về thể xác và tình cảm. Các nhà khoa học đã chứng minh những người hay bị ám ảnh về đau đớn thể xác sẽ phải thực sự trải nghiệm những bám chấp đau khổ nhiều hơn. Điều này cũng đúng với đời sống tình cảm. Ham muốn thường đi cùng với đau khổ, một số người trong chúng ta bám chấp vào cảm giác này, hoặc chúng ta nghĩ đây là điều đương nhiên, và thế là ta gánh lấy khổ đau tinh thần. Khi tin rằng  ham muốn và đau khổ là một phần của cuộc sống, chúng ta không thể trực nhận bản chất sâu xa hơn của khổ đau.

Nếu biết quán sát dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, bạn sẽ thấy về bản chất những cảm xúc này không mãnh liệt như thế. Chúng cần nhiều sự kích thích để có thể bùng lên và ngược lại cũng giảm thiểu khi gặp phải chất đối kháng trong tâm. Sự kiên nhẫn và lòng khoan dung càng được trưởng dưỡng thì giận dữ và ghen tức càng giảm đi. Người ta thường lo lắng rằng khi phải kiềm chế cơn giận hay giảm thiểu các ham muốn, họ sẽ mất đi phần “sức mạnh” nào đó của bản thân. Họ đánh đồng sự nóng nảy với lòng nhiệt tình quả cảm. Nhưng hãy nghĩ mà xem, khi bị một cảm xúc nào đó thiêu đốt, liệu bạn có thực sự cảm thấy mình còn là chính mình hay như thể đang bị ai khác xâm chiếm, sai sử? Bạn có thể xả cơn thịnh nộ, trút hết phiền não bực bội ra ngoài, nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào sau đó? Bản thân bạn có cảm thấy mình thực sự ổn không?

Khi cảm xúc nóng nảy vượt tầm kiểm soát, chúng ta đánh mất sự thấu hiểu cả về bản thân lẫn đối tượng bên ngoài. Thay vào đó, thân tâm ta bị vô minh và những xúc tình tiêu cực xâm chiếm, y như  màn đen dày đặc và nặng chịch che mờ hết nhận thức. Nó có thể xảy ra trong một khoảnh khắc, chẳng hạn như khi ta cảm thấy bực bội trước hành vi cử chỉ thô lỗ hoặc có tính khiêu khích, nhục mạ đến từ người khác. Hoặc có thể đó là những xúc tình được dồn nén tích tụ qua tháng ngày. Ví dụ như ta thấy ức chế ở cơ quan  hay với mối quan hệ xã hội nào đó trong quãng thời gian dài. Đây đều là những biểu hiện bám chấp vào xúc tình phiền não. 

Như thế, một mặt, chúng ta thấy ai đó đã làm sai và không thể “bỏ qua” điều này. Ta sẽ lập tức thể hiện quan điểm, thực thi đòi lại công lý bằng cách thức thô lỗ và ồn ào nhất là nổi giận, để mặc sân hận hiển lộ bộc phát không kiềm chế gì. Mặt khác, ta lại thể hiện niềm khát khao ham muốn vô hạn độ với đối tượng mình yêu thích, cho rằng đấy là cách thức đúng đắn để bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc. Nhưng liệu các cảm xúc cháy bỏng theo kiểu như thế có thực sự đem lại bình an và sự thỏa mãn hay chỉ mang đến  những căng thẳng bực bội? Cơ thể chúng ta thậm chí cũng sẽ phản ứng lại những cảm xúc tiêu cực này qua những cơn đau buốt đầu, đau dạ dày hoặc cảm giác lo âu khiến hơi thở trở nên gấp gáp và nhịp tim đập nhanh đáng lo ngại. Lẽ dĩ nhiên, những cảm xúc này là một phần của chúng ta. Nhưng tôi hy vọng có thể trao những công cụ cần thiết để bạn đối phó khi chúng vừa khởi hiện. Mấu chốt ở đây không phải bạn loại bỏ cảm xúc của mình mà hãy biết lắng nghe, quán sát và hiểu được bản chất của chúng!

Hãy tạo khoảng không gian cho tình thương yêu và sự hiểu biết
 
Nếu biết giác tỉnh trong mọi việc làm, chúng ta sẽ dần hiểu được các cảm xúc của mình, nhận thức được chúng đến từ đâu và có mang lại điều gì lợi lạc cho mình. Việc phải trực diện và chế ngự các xúc tình như sân giận, sợ hãi, đố kỵ, tham muốn thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng nếu ta dành một chút thời gian mỗi ngày để khám phá tìm hiểu thế giới nội tâm, nhận diện những xúc tình của mình thì dần dần chúng sẽ ít chi phối ta hơn. Nếu có thể nhận ra “các nọc độc”, bạn sẽ tiến một bước dài trên con đường kiếm tìm chân hạnh phúc. Và rồi bạn sẽ dần dần bắt đầu chuyển hóa cơn giận của mình thành sự nhẫn nại, kiềm chế không nói những lời nghiệt ngã, đem niềm vui đến với người khác thay vì để ghen tức, đố kỵ sai sử chi phối. Suy nghĩ của bạn sẽ khoáng đạt theo độ cởi mở của tâm bạn. Bạn sẽ hướng các hoạt động của mình vào mục đích ý nghĩa mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. 


(Trích ‘Giác ngộ mỗi ngày – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)