4 câu chuyện năm 2019 làm lay động lòng người

Kết thúc năm 2019, cô vợ còi không còn phải tăng ca để có tiền chăm chồng liệt, ông bố có cuốn sổ tạ ơn cũng có tiền để phẫu thuật tái tạo mặt cho con...

Vợ trẻ 10 năm nuôi chồng liệt toàn thân

"Nhiều người nói, chuyện vợ chồng tôi giống như chuyện cổ tích về tình yêu. Nhưng với tôi, sự quan tâm của mọi người mới là phép lạ", chị Nguyễn Thu Trang, 39 tuổi, quê Phú Thọ nói với VnExpress chiều 25/12.

Chị Trang và anh Trung cưới nhau năm 2009. Ba tháng sau đám cưới, một lần đi đón vợ, anh bị ôtô đâm gây chấn thương sọ não và liệt toàn thân, thậm chí cũng không thể nói được. Gia đình hai bên không giúp được gì, từ đó, chị Trang ở Hà Nội thuê trọ, bán nước, bán ngô nướng, làm công nhân nuôi chồng. Cuộc sống chật vật, một mình người vợ gầy tong chăm sóc người chồng liệt suốt 10 năm, có những khi khó khăn quá chị Trang từng có ý định buông xuôi, "ra đi cùng anh", nhưng tình yêu đã níu chị lại.

Một thân gầy chăm chồng liệt, chị Trang từng có ý định buông xuôi, ra đi cùng anh, nhưng tình yêu vẫn níu chị lại. Ngoài vợ và thỉnh thoảng là mẹ, anh Trung cũng không còn được người thân nào quan tâm. Ảnh: Nhật Minh.
Vợ chồng chị Nguyễn Thu Trang. Ảnh: Nhật Minh.


Năm tháng trước, khi câu chuyện tình yêu của cô vợ "còi" dành cho người chồng bại liệt Nguyễn Văn Trung được chia sẻ đã gây xúc động mạnh với người đọc.

Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, thay vì phải tăng ca liên tục cả tháng và làm thêm đủ thứ việc để có tiền nuôi chồng, hiện cuộc sống của chị Trang đã đỡ vất vả hơn, chỉ phải làm 4-5 tiếng một ngày.

Được hỗ trợ về y tế và vật chất, anh Trung cũng tươi vui, hoạt bát hơn. "Dạo này ông ấy béo đỏ hẳn lên, chỉ khổ công tôi vác nặng", cô vợ 35 kg nhìn chồng cười.

Cậu bé đạp xe không phanh 100 km xuống Hà Nội thăm em

Ngày 25/3, cậu bé Vì Văn Chiến (13 tuổi ở Vân Hồ, Sơn La) nghe được tin cậu  em trai 2 tháng tuổi đang điều trị ở Hà Nội nhưng bệnh tình chuyển biến xấu, gia đình đang chuẩn bị lo hậu sự. "Sợ không còn được thấy em", dù không biết Hà Nội ở đâu, Chiến quyết tâm đi gặp, với 10 nghìn đồng ông nội cho.

Chiến đã ngất xỉu sau khi đạp chiếc xe không phanh 100 km tới Hòa Bình, và được một tài xế chở tiếp xuống Hà Nội. Cậu đến viện với một bắp đùi bị sưng và đôi dép nhựa cũ mèm, mòn hết đế.
Chiến gặp em Lực tại Bệnh viện Nhi trung ương hôm 25/3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Chiến gặp em Lực tại Bệnh viện Nhi trung ương hôm 25/3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.


Tình cảm cậu bé dành cho em khiến nhiều người xúc động. Chiếc xe đạp không phanh của Chiến được một mạnh thường quân mua lại, đấu giá công khai trên mạng xã hội. Tổng số tiền anh Vì Văn Nam (bố em Chiến) nhận được từ bán đấu giá xe và ủng hộ của những người hảo tâm khoảng 173 triệu đồng. Anh Nam cho biết, số tiền này đã được dùng để chữa bệnh cho con trai và trả hết nợ nần mà gia đình vay trước đó.

"Hiện tại, gia đình tôi đã ổn định tâm lý sau cú sốc mất con, nhưng Chiến, nhiều lúc mở các clip có hình ảnh về em ra xem vẫn khóc", anh Nam kể.

Ông bố viết sổ tạ ơn người xa lạ

Hai tháng trước, câu chuyện về "cuốn sổ tạ ơn" của anh Trần Văn Thắng, 40 tuổi, người dân tộc Tày, ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh đã "gây bão" trên nhiều trang mạng xã hội và báo chí.

Vợ anh Thắng mới mất vì ung thư nên một mình anh nuôi bốn con thơ, trong đó con út bệnh nặng. Gia cảnh khó khăn, anh chán nản cùng cực. Tuy nhiên, bố con anh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người xa lạ.
Anh Thắng (trái) gặp bác sĩ Dung (phải) vào 10/10, bác sĩ nhận định con trai anh là ca bệnh khó nhưng câu chuyện của hai bố con tiếp thêm nhiều động lực cho chị. Ảnh: Dung Phạm.

Anh Thắng (trái) gặp bác sĩ Dung (phải) vào 10/10, bác sĩ nhận định con trai anh là ca bệnh khó nhưng câu chuyện của hai bố con tiếp thêm nhiều động lực cho chị. Ảnh: Dung Phạm.
 

Một sáng tháng 10, anh Thắng đưa con đến Bệnh viện Y Hà Nội khám, vô tình đánh rơi một cuốn sổ. Trong đó, ghi đầy đủ ngày, tháng, năm, ai cho gì. Cả từ những người anh biết tên tuổi, địa chỉ, đến những người chỉ với cái tên mơ hồ "Xe Biếp số 27", "bà trên ô tô" hay "xe khách Hà Nội không lấy tiền"... 

Bác sĩ thắc mắc, anh bẽn lẽn bảo "Cuốn sổ này để sau con lớn lên biết ơn". Câu chuyện của anh Thắng được một bác sĩ chia sẻ lên mạng xã hội. Nhiều người đọc được, tìm đến giúp đỡ, động viên hai bố con. 

Ngày 25/12, con trai anh Thắng đã trải qua ca phẫu thuật tái tạo khuôn mặt lần hai. "Bác sĩ nói, qua 4 đợt điều trị, khuôn mặt của cháu sẽ được cải thiện đáng kể. Nhờ được mọi người biết và hỗ trợ, gánh nặng chi phí chữa trị cho con đã nhẹ đi rất nhiều", anh Thắng chia sẻ.

Vận động viên rao bán huy chương vàng để cứu hàng xóm

Vận động viên khuyết tật Lê Văn Công, 35 tuổi ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn là hàng xóm của Đoàn Bích Hương, 16 tuổi. Hương đang học lớp 11, phát hiện bị ung thư gan từ tháng 7.

Cả nhà em chỉ trông cậy vào công việc đóng gói sản phẩm tại nhà của bố mẹ, mỗi ngày thu nhập gần 100 nghìn đồng.

Thương hoàn cảnh của bé hàng xóm, anh Công bàn với vợ tìm cách hỗ trợ. Anh quyết định đấu giá chiếc huy chương lớn nhất của mình - huy chương vàng giải cử tạ người khuyết tật thế giới tại Paralympics Rio de Janeiro 2016 - sau khi hỏi ý vợ, thầy và đồng nghiệp.
Lê Văn Công  bên gia đình, sau ngày nhận huy chương vàng giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới năm 2016. Ảnh: Đức Đồng.

Lê Văn Công bên gia đình, sau ngày nhận huy chương vàng giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới năm 2016. Ảnh: Đức Đồng.
 

Rao bán tấm HCV danh giá trong 10 ngày, cho đến hết ngày 31/10, Lê Văn Công nhận được rất nhiều lời đấu giá, khởi đầu từ mức 20 triệu và sau cùng, tấm huy chương được một doanh nghiệp ở TP HCM mua với giá 125 triệu đồng.

"Tiền đấu giá huy chương của anh Công và tiền mọi người giúp đỡ, bằng cả hai năm tiền thuốc của con tôi. Nhờ vậy, bé Hương cũng tỉnh táo, khỏe khoắn hơn, gánh nặng của gia đình cũng được san sẻ", ông Đoàn Nguyên Trí, 68 tuổi, bố Hương nói với VnExpress chiều cuối năm.


Nhật Minh
Theo https://vnexpress.net