BẠN CÓ SẴN SÀNG THAY ĐỔI ?

KHI CHO PHÉP MÌNH THÍCH ỨNG VỚI ĐỔI THAY, BẠN SẼ KHÁM PHÁ ĐƯỢC CON NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH.
 
Mở lòng đón nhận thay đổi vô cùng cần thiết đối với quá trình phát triển tâm lý con người, song có thể bạn, cũng như rất nhiều người khác – không muốn phải thay đổi. Tuy nhiên, bạn có thể trở nên linh hoạt hơn trước đổi thay bằng cách thực hành chính niệm. Tỉnh thức lắng nghe tiếng gọi thay đổi từ nội tâm giúp chúng ta giữ được những giá trị cốt lõi tốt đẹp của mình dù thời cuộc có thay đổi và tương lai bất định.
 
Khi tiếp cận thay đổi bằng chính niệm, bạn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là giải phóng bản thân khỏi những phiền não đang che khuất tự tính tâm bạn. Trên thực tế, chính niệm, tỉnh thức có thể giúp bạn nhận ra và không chạy theo những mục tiêu hoặc mong muốn tạm bợ chỉ đơn thuần để ‘lấp chỗ trống’, thay một vấn đề cũ bằng một vấn đề mới. 
Bạn chưa sẵn sàng thay đổi ?

Dưới đây là một số lý do tại sao chúng ta thường cưỡng lại sự thay đổi:
  • Thay đổi ban đầu không mang tính tích cực, có thể là bệnh tật, kết thúc một mối quan hệ hay bị mất việc…
  • Cảm giác sợ hãi bất an trước những điều chưa biết. Chúng ta e sợ rất nhiều thứ, dù có công nhận hay không. Điều đó dễ hiểu thôi. Bạn không phải xấu hổ vì cảm giác sợ hãi đó, nhưng cũng không nhất thiết phải tin nó.
  • Thói quen cũ khó từ bỏ. Thói quen là những thứ đã ăn sâu trong não bộ, đôi khi từ thời thơ bé. Chúng ta thường bám chấp vào bản ngã của mình, vì thế sự thay đổi theo hoàn cảnh tạo cảm giác ‘bản sắc’ của chúng ta bị đe dọa.
  • Bạn thực sự không tin rằng một sự thay đổi cốt lõi là hoàn toàn khả thi. Bạn chẳng hề mảy may suy nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có thể thay đổi ‘tận gốc’.
  • Bạn không biết làm thế nào để chuẩn bị đón nhận sự thay đổi.
Thay đổi như thế nào ?
  • Bước đầu tiên chỉ đơn giản là hãy sẵn lòng đón nhận sự thay đổi. Hãy tỉnh táo và luôn ghi nhớ điều đó. Nhiều khi chỉ cần có ý định thay đổi là đủ.
  • Không cần xét nét bản thân, nhưng hãy nhận diện và quán chiếu những định kiến của mình, những thói quen xấu, cách nhìn nhận vấn đề và thái độ ứng xử vốn là các yếu tố cản trở sự thay đổi.
  • Hãy thử hình dung sự thay đổi sẽ diễn ra như thế nào trong cuộc đời của bạn? Bạn sẽ cảm nhận điều đó ra sao? Bạn có thể trả lời câu hỏi này bằng việc nhớ lại những khi bạn thực sự cảm nhận được sự chuyển hóa trong tâm mình hoặc khi bạn chứng kiến sự thay đổi của một đứa trẻ, người bạn đời, cha mẹ, anh chị em hay một người bạn.
  • Hãy biết hài hước. Học cách ‘đánh lừa’ bộ não, phá vỡ ‘vùng an toàn’ trong tâm thức, hiểu được tại sao chúng ta có xu hướng cưỡng lại sự thay đổi – Hãy coi nó giống như một trò chơi mang lại nhiều niềm vui. Khi bạn ứng phó với các tình huống trong cuộc sống của mình một cách hài hước, nỗi lo sợ sẽ bị vô hiệu hóa và không còn sức mạnh sai sử chúng ta.
Khi thực sự thay đổi, bạn sẽ cảm thấy được là chính mình.  Ban đầu có thể bạn sẽ thấy hơi lo lắng về việc phải trải nghiệm những tình huống không mấy dễ chịu, nhưng cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy được trở về với con người thật của mình.
 
Suy ngẫm
  1. Hãy nhớ lại những bước ngoặt, những thay đổi lớn trong đời mình. Bạn có cảm thấy thoải mái với những thay đổi đó hay không? Khi thấy cần phải thay đổi, bạn sẽ phản ứng như thế nào, nhanh hay chậm? Điều gì khiến bạn lo sợ nhất khi phải thay đổi?
  2. Những thay đổi nào trong cuộc sống (chẳng hạn như trong công việc, gia đình, bạn bè, đối tác, người thân…) bạn cảm thấy tự tin hoặc kém tự tin? Hãy chọn một vấn đề bạn ngại thay đổi nhất và và thử “thực hành” tập trung suy ngẫm về nó với sự tỉnh thức. Thực hành thường xuyên giúp bạn tự tin hơn trong các quyết định của mình.
  3. Hãy học cách quan sát cuộc sống hàng ngày để nhận ra lẽ vô thường (nghĩa là mọi sự vật hiện tượng trên thế gian đều biến đổi không ngừng và chẳng có điều gì là bất biến). Bản thân mỗi người đều phải chèo lái con thuyền của mình trong dòng chảy bất tận của cuộc sống. Nếu kiên nhẫn và học cách sống thuận theo dòng chảy tự nhiên, dần dần bạn sẽ biết cách đón nhận đổi thay một cách nhẹ nhàng.
  4. Hãy nhớ lại lúc bạn chưa biết cách đối diện thay đổi. Khi đó, bạn đã thực sự bao dung với chính mình? Hay quá khắc nghiệt với bản thân? Sự khắc nghiệt ấy có giúp ích gì cho bạn? Điều quan trọng là bạn cần nhận thức rõ rằng mình có đang thích ứng một cách khéo léo trước thay đổi hay không. Tỉnh táo nhìn nhận vấn đề khác với phán xét khắt khe. Bạn có cảm nhận được sự khác biệt đó không?
(Theo dharmawisdom.org)