CHO VÀ NHẬN

Khi trao tặng một điều gì, chúng ta thường mong muốn sự đền đáp. Sự đền đáp ấy có thể dưới hình thức vật chất hay tình cảm, sự ghi nhận hay đơn giản là một lời cảm ơn.

Bạn quý mến và tặng ai một món quà nào đó. Dù không nói ra, bạn vẫn thường mặc định trong lòng rằng người nhận phải nghi nhớ và cảm ơn mình. Ngay cả khi cho tiền một người ăn xin ngoài phố, nếu người đó không tỏ vẻ biết ơn, chúng ta cũng không vui.

Tại sao lại như vậy? Không kể đến kiểu ‘cho’ đầy toan tính, khi ‘cho’ trở thành sự đổi chác, một kiểu đầu tư sinh lời, và ‘người cho’ đã xác định rõ động cơ của mình ngay từ đầu, tâm lý chung của chúng ta là: người nhận là kẻ được hưởng lợi nhiều hơn trong mối quan hệ cho-nhận này, vì vậy, ‘tôi đứng ở vị thế của người ban ơn và anh phải có ‘nghĩa vụ’ cảm ơn tôi’. Tư duy này dường như là một chuẩn mực chung của xã hội. Tất nhiên, điều này cũng có lý. Tuy nhiên, xét dưới góc độ của người cho, cách suy nghĩ này vẫn còn thể hiện sự bó buộc và bám chấp.

Bạn được ‘hưởng lợi’ từ việc cho đi nhiều hơn bạn nghĩ

Tôi có một người bác sống rất giản dị và tự tại. Mỗi dịp đến nhà tôi chơi bác đều có quà cho tôi hay lũ trẻ.  Biết bác không dư dả gì nên tôi thường từ chối. Rồi một lần, bác nhìn vào mắt tôi và nói: ‘Cháu nhận đi cho bác vui, đừng lo nghĩ gì cả.’ Câu nói cùng nụ cười và ánh mắt chân thành của bác làm tôi như chợt tỉnh ngộ. Tôi là ai mà áp cái tư duy nhỏ hẹp của mình lên suy nghĩ của người khác như vậy? Tôi nhận ra rằng đối với những người như bác, bản thân việc trao tặng mang nhiều ý nghĩa và cả niềm vui đến với người cho hơn tôi tưởng. Tôi hiểu vì sao bác sống rất thanh thản và an lạc.

Từ đó, quan điểm của tôi về sự cho và nhận cũng thay đổi.Việc cho đi luôn có hai vế, vế thứ nhất đó là thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đến người khác, vế thứ hai mà chúng ta thường bỏ quên, đó là sự trưởng dưỡng tâm mình. Cho đi cũng là một bài kiểm tra về mức độ bám chấp của bạn, nó giúp bạn thay đổi tầm nhìn. Khi chúng ta cho đi một món quà có giá trị, chúng ta đang rèn luyện tâm buông bỏ, hoan hỷ và người được lợi hơn ai hết chính là bản thân mình. Đó là một pháp thực hành hữu hiệu. Bớt tham một chút, bớt bám chấp, tiếc nuối hơn một chút, cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thản hơn, đó là điều lợi lạc chúng ta có thể nhận lại ngay lập tức mà không cần chờ đợi. Bởi suy cho cùng, mọi khổ đau trong cuộc sống cũng đều xuất phát từ lòng tham của con người.

Hiểu được điều này, chúng ta có thể cho đi mà không mong cầu bất cứ điều gì. Trong Đạo Phật, việc cho đi hay bố thí, cúng dường còn được ‘đẩy lên’ một cấp độ cao hơn nữa. Đó là thực hành với tinh thần ‘tam luân không tịch’, nghĩa là không còn ý niệm về người cho, món quà được cho và người nhận, bởi tất cả đều được ‘hòa tan’ trong trí tuệ vô phân biệt, hoàn toàn không còn sự so đo tính toán.

Vậy nên, một bậc thầy từng nói ‘đừng bao giờ ra đầu bài, hay đặt điều kiện cho lòng hào phóng. ’Nếu bạn không có tiền, hãy sẻ chia sức lực, thời gian, sự quan tâm, hay đơn giản là một nụ cười, tinh thần lạc quan, yêu đời. Và quan trọng là đừng mong được đền đáp. Chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều hơn bạn tưởng. Và khi đó, bạn đã giải mã được phương trình đơn giản mà chuẩn xác:  “Bạn hạnh phúc, vì thế mà tôi hạnh phúc!”.

Hương Giang