Chúng ta cư xử tệ hơn nhiều chúng ta nghĩ


Trong một cuộc khảo sát năm 1997 của U.S.NEWS & World Report, 1000 người Mỹ được đặt câu hỏi: “Bạn nghĩ ai người sẽ được lên thiên đàng?” Kết quả là cựu Tổng thống Bill Clinton có 52% cơ hội; ngôi sao bóng rổ Michael Jordan có 65% cơ hội và Mẹ Teresa có 79% cơ hội.
Bạn thử đoán xem ai là người có cơ hội cao hơn cả Mẹ Teresa? Có tới 87% những người tham gia cuộc khảo sát cho rằng bản thân họ có nhiều cơ hội nhất.

Kết quả của cuộc khảo sát đã nói lên phần nào thực tế rằng hầu hết chúng ta đều có khát vọng nhìn nhận bản thân theo hướng tích cực.
Nghiên cứu tâm lý đạo đức chỉ ra rằng con người thường tự tin một cách thái quá về các chuẩn mực đạo đức của bản thân. Chúng ta tin rằng mình sống đạo đức hơn, cư xử tốt hơn người khác và lỗi lầm của người khác bao giờ cũng tệ hơn của mình.

Vậy niềm tin đạo đức ấy ảnh hưởng thế nào đến những hành động hàng ngày của chúng ta? Chúng ta sẽ thử tìm hiểu vấn đề này.

‘Chứng suy giảm trí nhớ’ về hành vi xấu (*)



Một kết quả nghiên cứu quan trọng của Trường Đại học Havard cho thấy người ta thường lặp đi lặp lại một hành vi sai trái bởi ký ức của họ về những hành vi đó bị xáo trộn và nhạt nhòa theo thời gian. Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng con người dễ quên những việc ‘bất thiện’ mình đã từng làm so với những hành động thông thường khác, kể cả tích cực lẫn tiêu cực của bản thân, và so với những hành vi xấu của người khác.

Chính mong muốn cư xử đúng mực và tự xem mình là người tử tế tạo động lực mạnh khiến bộ não quên đi những điều xấu ta đã làm. Giáo sư Francesca Gino - Trường Kinh tế Harvard gọi đó là ‘chứng suy giảm trí nhớ về hành vi xấu’. Nó có thể giúp chúng ta đối phó với những căng thẳng tâm lý và cảm giác bất an chúng ta phải trải qua sau khi thực hiện một hành vi xấu.

Các nhà khoa học tại Đại học Havard và Northwestern đã tìm thấy những bằng chứng về ‘Chứng suy giảm trí nhớ về hành vi xấu’ trong 9 cuộc nghiên cứu mà họ đã thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 3 năm 2016, với hơn 2100 người tham gia, bao gồm cả sinh viên và những người trưởng thành đã đi làm.

Đối tượng khảo sát được lựa chọn đa dạng đã củng cố thêm cho giả thuyết cho thấy chứng suy giảm trí nhớ này không chỉ tác động tới sinh viên mà cả những người đang đi làm.

 ‘Trong các nghiên cứu, chúng tôi tìm hiểu xem một người có thể nhớ lại những việc làm ‘bất thiện’ của mình với mức độ chi tiết và rõ nét ra sao, và so sánh với các hành vi thông thường khác.

Ví dụ, trong cuộc khảo sát năm 2013, chúng tôi đề nghị 400 người nhớ lại và viết về những trải nghiệm trong quá khứ của mình: một số viết về những hành vi không tốt trong quá khứ, một số viết về việc làm tử tế, số khác lại viết về những câu chuyện không liên quan đến tới khía cạnh đạo đức.

Chúng tôi khám phá ra rằng, nhìn chung những người tham gia cuộc khảo sát nhớ rất ít chi tiết cũng như có ký ức mờ nhạt về những hành động ‘bất thiện’ của mình  so với các ký ức về các hành vi khác không liên quan đến đạo đức khác, cho dù là tích cực hay tiêu cực.

Các cuộc nghiên cứu tiếp tục được tiến hành tại một trường đại học ở Northeast (Mỹ) và khảo sát trực tuyến vào năm 2014 và 2015.

Ví dụ, trong một cuộc khảo sát, chúng tôi cho 70 người tham gia trò chơi xúc xắc. Họ được tạo cơ hội để có thể gian lận bằng cách tự báo cáo sai về kết quả chơi, vì có thể kiếm được tiền. Sau đó, những người chơi được biết sự thật về việc camera đã theo dõi toàn bộ cuộc thử nghiệm.

Khoảng 2 tuần sau, những người tham gia khảo sát được đề nghị nhớ lại trải nghiệm đó, kết quả là những người gian lận nhớ mập mờ, không rõ ràng và chi tiết như bằng những người không gian lận. Trong khi đó, họ lại có thể nhớ rất rõ về bữa ăn họ đã dùng trong buổi thử nghiệm hôm đó.” Giáo sư Francesca Gino chia sẻ.

‘Những người không nhớ nổi quá khứ rồi sẽ lặp lại sai lầm cũ’ – George Santayana
 
Liệu điều đó quan trọng?

Việc chúng ta không nhớ rõ về những việc làm xấu của mình có phải là vấn đề lớn? Câu trả lời là ‘có’.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ‘chứng suy giảm trí nhớ về hành vi xấu’ hay con người ta dễ quên những việc xấu mình từng làm khiến chúng ta có xu hướng lặp lại những hành vi ‘bất thiện’ đó mà ít cảm thấy xấu hổ.

Con người thường cảm thấy tội lỗi và ân hận về những việc làm xấu ác, nhưng liệu cảm xúc ấy có thể ngăn chúng ta không tái phạm những hành vi sai trái.
Nhưng thực tế không như vậy. Chúng ta thấy cái xấu, cái ác vẫn đang diễn ra hàng ngày, khắp nơi, tràn ngập các phương tiện truyền thông. Giả dối, lừa đảo đã trở thành căn bệnh của thời đại.

Tại sao vậy? Đơn giản bởi, như các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, nhìn chung, con người thường dễ quên những hành động sai trái, bất thiện của mình hoặc nhớ chúng một cách mờ nhạt so với những ký ức khác.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta chủ động dành thời gian để quán chiếu, nhìn lại những hành vi của mình mỗi ngày? Nghiên cứu cho thấy ‘chứng suy giảm trí nhớ hành vi xấu’ dễ xảy ra bởi vì chúng ta không muốn phục hồi những kí ức không hay ho về những hành vi sai trái của mình. Do vậy, những kí ức ấy càng trở nên mờ nhạt.
  
Tạo lập thói quen hồi quang phản chiếu, thiền quán và tự nhìn lại mình giúp con người có ý thức về mọi hành vi của mình, để không quên những sai lầm của quá khứ và rút ra được bài học cho hiện tại và tương lai.

Ngân Nguyễn
(Theo www.huffingtonpost.com và www.forbes.com)
 (*) Unethical amnesia