Khiêm nhường một phân, tôn quý vạn phần

Đức tính khiêm nhường khiến con người dẫu là làm người hay hành sự đều được người khác thấu hiểu và quan tâm, bản thân lại càng dễ thành công hơn. 

Có mắt mà không thấy núi Thái Sơn

Có một vị thư sinh nọ bước tới chân núi Thái Sơn, nhìn lên hai chữ trên bia đá ở lưng chừng núi, bèn đọc lớn tiếng: “Tần Xuyên” (秦川). Một người nông dân đi ngang qua nghe thấy vậy, bèn vội vàng sửa lại nói: “Tiên sinh à, đây là núi Thái Sơn.”

Vị thư sinh quay đầu lại nhìn người nông dân, rồi lại ngước đầu lên nhìn trên đỉnh núi, bèn nói: “Rõ ràng viết là Tần Xuyên mà!”

Hai người không ai nhường ai, bèn cá cược với nhau tới gần đó tìm một thầy đồ phân định đúng sai.

Ông thầy đồ nhìn người nông dân, rồi lại nhìn vị thư sinh đang cao cao tại thượng kia, sau một thoáng thì nói rành rọt từng chữ: “Là Tần Xuyên!”

Vị thư sinh mừng quýnh, vênh vang đắc ý cầm tiền thắng cược rời đi. Người nông dân lặng người, hỏi ông thầy đồ: “Mặc dù tôi không học hành gì, nhưng rõ ràng chúng ta là người Thái Sơn, từ khi nào lại trở thành người Tần Xuyên vậy?”


“Ông bạn đồng hương à, không sao đâu! Chỉ là 20 đồng, để hắn ta tới núi Thái Sơn mà chẳng biết đó là núi Thái Sơn. Ông thử xem xem, có đáng xẩu hổ không?”, thầy đồ đáp.

Vị thư sinh vì đứng quá gần bia đá, nên khi ngước nhìn hai chữ “Thái Sơn” (泰山) thì những nét chữ phía dưới đã bị che khuất (秦川), từ đó mới đọc thành “Tần Xuyên”. Hoá ra một người khí thế quá thịnh, không đủ khiêm tốn, thì cũng giống như vị thư sinh kia, bị che mắt trước chân lý, cả đời cũng không biết tới núi Thái Sơn. Đây chính là “có mắt mà không thấy núi Thái Sơn” vậy.

Trong 64 quẻ của “Kinh Dịch”, mỗi quẻ đều có điềm hung, điềm cát, duy chỉ có quẻ 15, quẻ Khiêm (khiêm nhường) là không có điều hung, chỉ có điều cát, và là quẻ tốt nhất. Trong “Khiêm Quái. Kinh Dịch” nói rằng: “Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục” (Quân tử khiêm nhường, hạ mình bảo mệnh). Khiêm nhường bảo mệnh, dùng tư thái nhún nhường mà giữ mình nơi thấp, nhờ vậy đạt được đại cát vậy.

“Khiêm giả, đức chi bính dã”, khiêm nhường là cái gốc của đạo đức. Vì khiêm nhường mới có thể giữ đức, kiêu ngạo sẽ mất đức. Quẻ Khiêm dạy con người khiêm nhu, duy chỉ có sự khiêm nhu mới được sùng kính, mới làm vẻ vang đức của người ấy. Đức hạnh càng cao thì tấm lòng càng quảng đại, con người cũng ngày càng trở nên cao quý.

Nếu chỉ nhìn thấy khuyết điểm của đối phương, thì chỉ có thể tự chuốc lấy phiền não, giống như vị thư sinh kia, vĩnh viễn không biết tới núi Thái Sơn. Ngược lại nếu có thể luôn dung nhẫn, khiêm nhường, thì sẽ biết nhìn vào sở trường của người khác và nhìn vào khuyết điểm của bản thân.

Đức tính khiêm nhường khiến người ta cao quý

Phật gia giảng: “Tâm cung kính là công đức, cung kính với mọi chúng sinh, dẫu đúng sai, thân sơ, sang hèn.”

Nho gia cũng giảng về đạo khiêm nhường. Tử Cống từng hỏi Khổng Tử rằng: “Nghèo mà không nịnh nọt, giàu mà không kiêu ngạo, thì thế nào?” Khổng Tử đáp: “Rất tốt, nhưng không bằng nghèo mà vui, giàu mà hiếu lễ.”


Đức hạnh của sự khiêm nhường vô cùng rộng lớn.

Bính Cát là người nước Lỗ, từng làm quan cai ngục của nước Lỗ. Vào cuối năm Vũ Đế, Thái tử Lưu Cứ bị gian thần Giang Sung hãm hại mà chết. Lưu Tuân đang còn quấn tã đã bị liên luỵ và bắt giam tại một nhà ngục tại thành Trường An. Bính Cát được cử đến thụ lý vụ án.

Trong tâm Bính Cát biết rằng gia tộc Lưu Cứ bị oan, thương xót cho sinh mệnh nhỏ bé của Lưu Tuân, nên để Hồ Tổ, một nữ phạm nhân và Quách Chinh Khanh tận tâm chăm sóc Lưu Tuân.

Dù ở trên có lệnh rằng Lưu Tuân không được ăn đồ ngon nhưng Bính Cát lại dùng bổng lộc hàng tháng của mình cấp dưỡng cho hoàng tôn Lưu Tuân. Ông nhiều lần tiến cống đồ ăn ngon và quần áo sạch cho hoàng tôn. Đôi khi Lưu Tuân lâm bệnh, Bính Cát thường sai thuộc hạ sớm tối tới hỏi han tình hình, xem chăn đệm khô ẩm, dày mỏng thế nào, đồng thời cảnh báo Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh không được đến muộn về sớm, rời xa hoàng tôn mà đi chơi. Sau khi nữ phạm nhân mãn hạn, Bính Cát lại tự dùng tiền của mình thuê họ tiếp tục nuôi dưỡng Lưu Tuân. Sau này nhờ lệnh ân xá Lưu Tuân được xuất ngục và về lại trong cung.

Bính Cát xưa nay vốn khiêm nhường nên ông không nhắc tới chuyện này với bất kỳ ai.

Vào năm 74 trước công nguyên, Hán Chiêu Đế đột nhiên băng hà mà không có con trai kế vị. Lưu Hiền lên ngôi hoàng đế nhưng hoang dâm vô độ, không hiểu lễ pháp nên chẳng bao lâu thì bị truất ngôi. Lưu Tuân đăng cơ. Bấy giờ Lưu Tuân không hề biết rằng khi ông còn nhỏ chính Bính Cát đã cứu mạng ông và nuôi ông khôn lớn.

Khi đó một tỳ nữ tên là Tắc bảo người chồng làm dân thường của mình dâng tấu lên hoàng thượng, ca ngợi công lao dưỡng dục của mình với hoàng thượng trước kia, và nói rằng Bính Cát biết chuyện này. Thế là trong cung cho dẫn người cung nữ này tới phủ của đại phu ngự sử để Bính Cát xem xem có xác thực hay không. Bính Cát nhận ra người tỳ nữ này và nói với nàng ta rằng: “Ngươi từng bị phạt roi quất vì tội dưỡng dục hoàng tằng tôn không cẩn thận, sao có thể nói là ngươi có công lao được? Chỉ có Hồ Tổ thành Hàm Dương, và Quách Chinh Khanh ở Hoài Dương là có công lao thôi.”

Hoàng thượng ra lệnh cho Bính Cát tìm Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh, nhưng hai người đều đã chết, chỉ còn con cháu, đều được trọng thưởng. Hoàng thượng ra chiếu chỉ, lệnh ân xá cho tỳ nữ tên Tắc được làm thường dân, thưởng cho nàng ta 10 vạn quan tiền.

Tại Trường An có một binh sỹ tên là Tôn biết việc làm đại nghĩa của Bính Cát, bèn dâng tấu lên hoàng thượng vì muốn người có công được báo đáp. Nhưng tấu thư đến chỗ Bính Cát, Bính Cát vô cùng khiêm nhường, nên đã bỏ đi những lời về ông trong tấu thư, mà còn quy công hết cho Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh.

Hoàng thượng sau này biết chuyện, vô cùng cảm kích, cho rằng Bính Cát quả thực là một đại hiền nhân, phong Bính Cát là Bác Dương Hầu, phong điền ấp 1.300 hộ.

Đức tính khiêm nhường không chỉ thành tựu sự nghiệp của biết bao người, mà trên con đường công danh sự nghiệp ấy, nhân cách của họ càng vĩ đại hơn. Con người càng khiêm tốn bao nhiêu sẽ càng cao quý bấy nhiêu.

Thiên Cầm tổng hợp