Làm sao dứt bỏ phiền não?

Có cô gái ngồi bên cửa sổ nhìn một người đang chôn con chó nhỏ yêu mến của cô, tuôn trào nước mắt. Ông lão thấy tình cảnh ấy, dẫn cô gái đến một cửa sổ khác để cô thưởng thức vườn hoa hồng.

Quả nhiên tâm tình cô gái liền trở nên nhẹ nhõm. Ông lão nói với cô gái: “Con à, con đã mở không đúng cửa sổ.”

Thơ cổ viết: “Trời cao đất dài có lúc hết, hận này không lúc dừng.” Phiền não cũng như vậy, từ nhỏ đến lớn, phiền não của con người có thể nói là vô hồi vô lượng, không bao giờ chấm dứt. Rốt cuộc, phiền não từ đâu đến? Có thể nói tất cả đều từ “vô minh”. Vô minh là vì trí tuệ không có, nên không thể hiểu rõ chân lý, không thể giải quyết vấn đề; vô minh là vì tâm niệm không đúng, nên không thể thỏa mãn, thậm chí tự mình tìm đến phiền não, bởi vì “thiên hạ vốn vô sự, do mình tự khuấy lên.”

Rốt cuộc, làm thế nào dứt bỏ phiền não?

1. 
Cần có khả năng tự phản tỉnh. Có khả năng tự phản tỉnh, tức là sẽ giảm bớt phiền não, từ trong phản tỉnh, chúng ta không ngừng làm trong sạch tâm hồn, không ngừng chuyển hóa. Lưu Bị biết tự phản tỉnh chứ không như Tào Tháo mưu trí cao sâu, nên ông đã dùng lễ mời mưu sĩ Từ Thứ, Gia Cát Lượng, để sau này thực hiện thành công sách lược chia ba thiên hạ; cư sĩ Viên Liễu Phàm cố gắng vượt bực để tự phản tỉnh, đã làm thay đổi số phận của mình. Có khả năng phản tỉnh là có thể dứt bỏ phiền não, cải thiện chính mình, thành tựu sự nghiệp.
2. Cần có khả năng tự học tập nghiên cứu. Người xưa nói: “Vàng ròng cũng phải vào lò luyện, ngọc quý cũng cần tay khéo mài.” Chịu đựng được rèn luyện, thử thách thì phiền não sẽ không làm gì được chúng ta. Rèn luyện chính mình có thể bắt đầu từ việc nghiên cứu học tập. Xuất thân từ dân nghèo như Chu Nguyên Chương, đi đánh giặc cũng không quên học tập nho sĩ quanh mình, luôn được giảng dạy, ông đã trở thành một ông vua mở nước. Cuối đời Thanh, “Trung hưng danh thần” Tăng Quốc Phiên, tay không rời sách, tự học tập, nghiên cứu, nên thành tựu công danh sự nghiệp. Ngày nay đề xướng cuộc vận động mọi nơi học tập, chúng ta càng cần học tập suốt đời, phá trừ phiền não mới có thể tiến bước trên đường đời của mình.

3. Cần có khả năng tự nhẫn nại. Làm thế nào để không có phiền não? Tự mình nhẫn nại. “Nhịn một lời, gió êm sóng lặng, nhường một bước, biển rộng trời trong”. Trong thiên hạ có rất nhiều phiền não, bạn chỉ cần chịu nhịn: Nhịn đói nhịn khát, nhịn lạnh nhịn nóng, nhịn phải nhịn trái, nhịn một lời nói, được như vậy thì bạn sẽ có khả năng nhận biết, giải quyết, tiêu diệt phiền não. Chu Du vì không biết nhịn Gia Cát Lượng, nên cuối cùng phải tức mà chết; Andersen xuất thân từ dân nghèo, nhưng biết chịu đựng sự chèn ép và bắt nạt của người khác, duy trì sự lạc quan và nghị lực của mình mà trở thành một nhà văn nổi tiếng. Chữ “nhẫn” có một sức mạnh vô cùng to lớn, có khả năng phá trừ phiền não.

4. Cần có khả năng tự phê bình. Làm thể nào phá bỏ phiền não? Phê bình chính mình. Bill Gates nói: “Người tự giác là người biết tự phê bình một cách khách quan.” Con người cần phải biết tự phê bình một cách tích cực mới có thể nhận rõ phiền não, biết hóa giải phiền não mới có thể tiến bộ. Nếu chúng ta chỉ biết chê trách, chỉ trích người khác, thì đó là việc vô ích, chỉ rước thêm phiền não mà thôi.
 
Bậc thánh nhân ngày xưa nghe người khác chỉ ra lỗi của mình thì vui vẻ, cố trừ ác theo thiện. Người thông minh cần quản lý mình thật tốt, tự phản tỉnh từ bên trong để phát huy trí tuệ, hoàn thiện chính mình thì sẽ không còn phiền não.


 

(Theo Thái căn đàm’)