Làm sao trị thói quen trì hoãn công việc?

Tại sao đôi khi chúng ta thường mất tập trung đối với những công việc cần làm? Chúng ta có thể mất cả một ngày suy nghĩ về việc gọi một cuộc điện thoại mà rốt cục vẫn không thực hiện. Chúng ta tự nhủ rằng mọi người thường không muốn nhận điện thoại vào đầu buổi sáng, vì vậy hãy làm việc khác trong lúc chờ đợi, dù vẫn suy nghĩ về cuộc điện thoại cần gọi. Sau đó, vài tiếng đồng hồ trôi qua và chúng ta nghĩ rằng chẳng ai muốn bị gọi điện vào giờ ăn trưa, vậy hãy đợi và kiếm một việc khác để làm, nhưng ta lại không thực sự chú tâm làm cho đúng. Cuối cùng, chúng ta để buổi chiều trôi đi và nghĩ chắc lúc đó gọi điện thì quá muộn, thế rồi, ta lại quyết định sẽ gọi điện ngay vào sáng hôm sau.

Thời hạn chót cho một công việc dường như đem đến cho ta điều tệ hại và cả điều tốt đẹp nhất. Chúng ta có một tháng để hoàn thành báo cáo, dành ra ba tuần để suy nghĩ về việc cần thực sự bắt tay vào làm, và ba ngày cuối cùng của tháng đó ta làm việc như điên để có thể hoàn thành báo cáo đúng thời hạn. Chúng ta băn khoăn tại sao mình lại để muộn đến thế, lãng phí thời gian cho những vọng tưởng suy nghĩ mà không thực sự làm gì. Nhẽ ra mình đã hoàn thành bao điều ý nghĩa nếu biết bắt tay vào công việc ngay từ đầu!

Thiền quán về Tri ân (xem thêm bài tại đây) là một phương pháp hữu hiệu giúp chúng ta bắt đầu một ngày mới đầy năng động và tích cực. Tri ân mọi thứ ta có trong cuộc sống đem lại nguồn khích lệ lớn lao. Chúng ta không nhất thiết phải nhắc lại mỗi sáng câuTôi thật may mắn vì có công việc này”, nhưng thực sự cần duy trì thái độ trân trọng, tri ân đối với những mặt tích cực của công việc. Bạn cũng có thể áp dụng bài thiền này khi bắt đầu một ngày làm việc.

Khi chúng ta trì hoãn, những hạt giống tiêu cực, dù là nhỏ bé, dần nảy nở trong tâm ta, và tiếp đó, trí tưởng tượng của chúng ta xen vào, làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta liên tục trì hoãn gọi điện hay viết báo cáo vì tưởng tượng cuộc nói chuyện qua điện thoại sẽ không được suôn sẻ hay lo rằng báo cáo của mình sẽ không đạt yêu cầu. Nhưng chúng ta cũng có thể thay đổi những suy nghĩ tiêu cực này. Ta có thể nhắc mình mỉm cười khi nghĩ tới người ở đầu dây bên kia, tỏ ra nhẹ nhàng và cuộc hội thoại có thể bắt đầu từ đó. Hay ta có thể tự động viên mình tập trung vào báo cáo, với hy vọng từ nỗ lực đó ta sẽ tìm thấy nhiều điều tuyệt vời để cùng sẻ chia với mọi người.

Thay đổi cách làm có thể giúp bạn thoát khỏi thói quen chần chừ, và cũng có tác dụng với bất kỳ thói quen nào khác. Hãy thử ngồi yên tĩnh ở một nơi không có những thứ làm mất tập trung như khay đựng tài liệu cần giải quyết hay điện thoại. Hãy chọn việc để làm và hãy bắt tay vào làm việc đó một cách tự nhiên, không tự tạo áp lực một cách không cần thiết.

Hãy tập trung làm tốt một việc, thay vì cùng lúc nghĩ về năm việc khác nhau mà không bắt tay vào bất cứ việc nào. Tâm ta thường cố gắng giải quyết mọi việc cùng lúc, trong khi thực tế mỗi lúc ta chỉ có thể làm tốt một việc mà thôi. Điều này đúng với mọi trường hợp, kể cả những ai hay khoe mình đa tài. Thành thật mà nói, khi cùng lúc làm nhiều thứ, chúng ta gần như chỉ là chạy qua chạy lại, tiêu phí thời gian và năng lượng tư duy để có thể liên tục chuyển từ việc này qua việc khác và rồi quay ngược lại công việc trước đó mà thôi

Cho dù danh sách những việc cần làm hôm nay của bạn dài thế nào, hãy bắt đầu bằng cách chọn một việc và tập trung hoàn thành việc đó. Hãy tạm gác mọi việc khác qua một bên, dành toàn bộ sự chú tâm cho công việc bạn đang làm. Dù đó là một cuộc điện thoại đặc biệt quan trọng mà bạn đã liên tục trì hoãn và có thể chỉ mất vài phút để gọi điện, hãy làm ngay hôm nay và tâm bất an của bạn sẽ được thảnh thơi trở lại. Hãy buông bỏ ý nghĩ mình phải làm xong mọi việc ngay trong hôm nay. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình có thể thực sự làm được nhiều việc khi tâm trí đã thoải mái, rõ ràng trở lại.

(Theo Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)