Phàm phu chuyển cảnh, Phật chuyển tâm

Chúng ta sống ở cõi này vui ít, buồn nhiều, cho nên Đức Phật gọi là cõi Ta Bà, tức là kham nhẫn, chịu đựng. Bởi vì, chúng sinh ở cõi này làm mười điều ác, chịu nhiều phiền não mà không chịu lìa bỏ, nên gọi là Nhẫn. Cho đến chư Phật, Bồ tát thị hiện ở cõi này để hóa độ chúng sinh nên cũng gọi là Nhẫn. Thế nhưng tâm chúng sinh và chư Phật, Bồ tát có khác nhau, bởi phàm phu thì muốn chuyển cảnh, còn chư Phật, Bồ tát thì chuyển tâm.

Câu chuyện về Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn là một minh chứng về tâm phàm - Thánh khác nhau:

Một hôm Tô Đông Pha đến viếng chùa Kim Sơn, cùng ngồi thiền với Thiền sư Phật Ấn, xả thiền xong, Tô Đông Pha rất vui vẻ hỏi thiền sư:

- Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế nào?

- Trông ngài giống như Đức Phật...

Tô Đông Pha nghe thế vui lắm. Thiền sư hỏi lại:

- Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?

Lâu nay, khi đối đáp với Thiền sư Phật Ấn ông luôn thua, hôm nay được dịp Ngài Phật Ấn hỏi nên ông nói:

- Trông ngài ngồi thiền giống 1 đống phân bò...

Thiền sư nghe thế im lặng mỉm cười.

Tô Đông Pha nghĩ rằng Thiền sư Phật Ấn thua nên không nói nữa. Ông cười suốt dọc đường. Về đến nhà liền thuật lại câu chuyện cho em gái Tô tiểu muội, cô gái này cũng là người học thiền và có sự khai mở về trí tuệ. Nghe xong câu chuyện cô trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

- Anh thua Ngài Phật Ấn rồi!

Tô Đông Pha hỏi:

- Thua chỗ nào?

Cô nói:

- Tâm của Thiền sư giống như Phật nên nhìn anh như Phật, còn tâm anh như đống phân bò nên nhìn Ngài Phật Ấn như đống phân bò!

Bạn thân mến!

Đọc trong lịch sử Phật giáo, chúng ta thấy từ Đức Phật Thích Ca cho đến các vị Bồ tát, Tổ sư vào đời giáo hóa chúng sinh rất nhiều chướng nạn, tai ương nhưng tâm các Ngài vẫn luôn bình thản trước những nghịch cảnh đó. Như Đức Phật có biết bao kẻ hãm hại sỉ nhục (trường hợp Đề Bà Đạt Đa luôn tìm cách hãm hại Ngài vì muốn thống lĩnh giáo đoàn Phật giáo, bên ngoài thì có vô số ngoại đạo tìm cách hại Ngài vì tâm ganh tị). Đến các vị Tổ sư hành đạo cũng gặp biết bao chướng duyên nghịch cảnh thăng trầm nhưng tâm các Ngài vẫn tự tại, thật đúng như kinh Pháp cú nói:

Như đá tảng kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy, giữa khen chê

Người trí không dao động

Các Ngài chuyển được tâm vì chứng ngộ thật tính của vạn pháp, thấy rõ vạn pháp giả huyễn thì chẳng có gì mà dao động. Chính vì Đức Quan Thế Âm đã nhận được tính nghe của Ngài mà Ngài có thể cứu khổ được 10 phương chúng sinh và Ngài được mệnh danh là Quán Thế Âm có nghĩa là quán tất cả âm thanh của thế gian để cứu khổ. Trong luân hồi sắc ấm đã cường thịnh nhưng âm thanh còn mạnh hơn rất nhiều bởi nó kích hoạt tưởng ấm cho nên chúng sinh khổ. Ngài có hồng danh là Quán Thế Âm bởi Ngài phân tâm, phan duyên vào âm thanh thế gian mà Ngài chỉ an trụ trong tự tính nghe của Ngài.

Còn chúng sinh phàm phu thì thích chuyển cảnh, chấp cái ta, cái tôi vào đó, để rồi tôi vui, tôi khổ, tôi đau, tôi phiền tôi hận. Một khi đã gắn cái tôi vào đó không buông xả được. Một lời nói của người khác làm mình trăn trở hết ngày này qua ngày khác, có khi sống để bụng, chết mang theo. Ví như trong đời sống gia đình, ai cũng muốn người bạn đời nghe theo mình, làm theo ý mình, nên xảy ra cảnh lục đục, cơm không lành canh chẳng ngọt, cuối cùng họ dắt nhau ra tòa, gia đình chia rẽ, con cái phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh.

Bởi vậy, sự khác biệt nằm ở chỗ chư Phật, Bồ Tát dùng tâm chuyển cảnh giới, phàm phu thì hoàn toàn ngược lại, tâm bị cảnh chuyển. Thiền sư Bạch Vân Đoan mới có bài tụng rằng:

Ai người chuyển vật tức Như Lai

Xuân đến khắp đồi hoa rộ nở

Buồn nỗi tay thô không mềm mại

Làm sao diễn đạt điệu Tam Thai.

(Nhóm ĐBT biên soạn)