Sống hòa hợp với cảm xúc

Sống hòa hợp với cảm xúc
 
Cảm xúc chính là người thầy và thường đưa ra những tín hiệu giúp ta nhận biết khi nào nên cởi mở thay vì cố kìm nén, ghen tức hoặc lo sợ trước những gì có thể xảy ra. Vì thế, khi bạn cảm thấy khó chịu với ai đó, đừng tìm cách chạy trốn và cũng đừng để những cảm xúc như sân giận hay thất vọng cuốn ta đi. Hãy dừng lại một giây, tạo ra khoảng trống giữa bản thân mình và cơn giận. Hãy nhận biết rằng cơn giận dữ đang sôi sục trong lòng thật ra cũng chỉ là một cảm giác lướt qua, tựa như đám mây che khuất ánh mặt trời trong chốc lát. Hãy để nó trôi qua đừng bám víu và hiểu rằng bạn không phải là cơn giận mà chỉ đang trải nghiệm cơn giận mà thôi. Làm được như vậy bạn đã nhận được một bài pháp vĩ đại nhất của cuộc sống.
 

 
Đối với nhiều người, dường như không có bất cứ khoảng trống nào giữa bản thân mình và cảm xúc. Cơn giận dữ, nóng vội có thể bùng phát tức thì và vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải chú tâm và nỗ lực rất nhiều, nhưng nếu có thể tạo ra dù chỉ là một khe hở nhỏ bé giữa hai ý niệm cảm xúc, bạn đã bắt đầu khơi thông để dòng tâm có thể vượt qua đá ghềnh một cách êm ái. Bạn đang trở thành vị thuyền trưởng tài ba, có tuệ giác nhận thức được những gì diễn ra xung quanh mà không để sóng gió của các xúc tình cuốn trôi và vùi dập.

Bạn sẽ thấy rằng mình bắt đầu sẵn sàng đón nhận và thân thiện hơn với cảm xúc của bản thân cũng như có nhiều thời gian hơn để đối diện và nhẹ nhàng vượt qua khó khăn trở ngại. Khi ấy, bạn biết cách tận hưởng hành trình đầy thú vị của mình, có thời gian quan sát xung quanh để nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống. Bạn có cơ hội để lắng nghe, từ tiếng chim hót cho tới giọng nói của những người thân yêu thay vì nhấn chìm hết thảy thanh âm trong dòng thác lũ của xúc tình loạn tưởng.

Lẽ dĩ nhiên, bạn sẽ vẫn còn tất cả những cảm xúc này, nhưng bằng cách an trú trong khoảng trống giữa các xúc tình, bạn có thể nhận biết chúng một cách rõ ràng và hiểu được chúng từ đâu tới. Thời điểm tốt nhất để thực hành điều này là khi một xúc tình như tức giận hoặc bực bội bắt đầu hiện khởi: bạn không cần coi chúng như kẻ thù, điều đó chỉ khiến bạn càng thêm bức xúc bởi cảm giác mình là người cáu kỉnh, giận dữ. Trái lại, hãy biết coi cảm xúc này như một người bạn và tìm cách chuyển hóa thay vì chối bỏ chúng. Điều này giống như khi phải đối đầu với ai đó mạnh hơn mình rất nhiều thì cách tốt nhất là ta hãy nói chuyện, đàm phán với họ. Đối với cảm xúc cũng thế, bạn hãy tìm hiểu, tự hỏi mục đích của chúng là gì và ghi nhớ rằng chúng ta có thể buông xả và không cần phải bám chấp vào phản ứng của mình.
 

 
Khi đã gạt bỏ tất cả những phiền nhiễu bên ngoài và tập trung vào tâm, bạn có thể thực hành đức tính nhẫn nhịn, lòng từ bi, tình yêu thương bằng cách quán chiếu những gì đang diễn ra trong mình, và khi đó, những cảm xúc như sân giận, đố kỵ sẽ tan biến vào hư không.
 
Bạn sẽ cần nhiều năm thực hành rèn luyện để tự hoàn thiện mình, nhưng cũng cần nhớ rằng chỉ một chút hiểu biết cũng có thể góp phần cải thiện cuộc sống và giúp bạn thêm hạnh phúc.
 
  • Đừng cố dồn nén, chối bỏ những xúc tình tiêu cực. Để có thể giải tỏa được cảm xúc, bạn cần nhận biết sự có mặt của chúng.
  • Hãy nhớ rằng mọi cảm xúc đều quan trọng, nhưng bạn không phải là cảm xúc - bạn không phải là cơn giận, cũng không phải là sự đố kỵ.
  • Nếu cứ ôm mãi sân giận, bạn sẽ là người bị thiêu cháy.
 
(Trích ‘Hạnh phúc tại tâm’ – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)