Sống trên đời đâu chỉ cần hạnh phúc

Ý nghĩa cuộc sống không đơn thuần chỉ là mưu cầu hạnh phúc.

‘Vật cản của hạnh phúc chính là việc quá mong cầu hạnh phúc.’

Tháng 9 năm 1942, Viktor Frankl, một bác sĩ thần kinh và tâm thần nổi tiếng người Do Thái sống ở Vienna, bị bắt và đưa đến một trại tập trung của Đức Quốc xã cùng với vợ và cha mẹ ông. Ba năm sau, khi trại được giải phóng, hầu hết gia đình ông, bao gồm cả người vợ đang mang thai, đã chết – nhưng ông, tù nhân số 119104, vẫn sống. Trong cuốn sách nổi tiếng thuộc hàng bán chạy nhất xuất bản năm 1946 - Đi Tìm Lẽ Sống (Man’s Search for meaning) mà ông đã viết trong chín ngày về những trải nghiệm của mình ở trại tập trung, Frankl đã kết luận rằng sự khác nhau giữa người sống sót và người xấu số bỏ mạng chỉ quy về một điểm: Lẽ sống - điều mà ông đã thấu hiểu từ khi còn rất trẻ. Hồi ông còn ở trường trung học, một thầy giáo khoa học đã tuyên bố trước lớp rằng, ‘Sự sống chẳng là gì khác ngoài tiến trình đốt cháy, một tiến trình oxy hóa’. Frankl đã bật ra khỏi chỗ ngồi và đáp lại, ‘Thưa thầy, nếu đúng vậy, thì ý nghĩa của cuộc sống là gì?’

Theo những gì ông quan sát được ở trại tập trung, những người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, khủng khiếp nhất có sức chịu đựng dẻo dai và kiên cường hơn những người khác rất nhiều. “Một người có thể bị tước đoạt hết mọi thứ chỉ trừ một điều duy nhất,” Frankl viết trong tác phẩm ‘Đi tìm lẽ sống’, “sự tự do lựa chọn cho mình một thái độ trước mọi hoàn cảnh, chọn cho mình một lối đi.”

Frankl đã hành động như một nhà trị liệu trong trại tập trung, và trong quyển sách của mình, ông dẫn chứng hai trường hợp tù nhân tự tử mà ông chứng kiến. Giống như nhiều tù nhân khác trong trại, họ đã tuyệt vọng và cho rằng không còn điều gì để mong đợi trong cuộc sống, không có gì đáng để sống. “Trong cả hai trường hợp,” Frankl viết, “cần phải làm cho họ hiểu rằng cuộc sống vẫn mong chờ nhiều điều từ họ, những trách nhiệm tương lai vẫn mong chờ họ.” Với một người, ít nhất đó là đứa con nhỏ đang sống ở nước ngoài. Với người kia, một nhà khoa học, là những trang sách còn dang dở. Frankl viết:

‘Mỗi cá nhân tồn tại trên cõi đời này đều có một sứ mệnh riêng, độc nhất vô nhị, để cống hiến sáng tạo hay ban trải tình yêu thương. Khi đã nhận ra giá trị lớn lao của kiếp người, chúng ta sẽ thấy rõ trách nhiệm sinh tồn lớn lao của bản thân. Một người nhận thức rõ trách nhiệm của mình với những người thân yêu, hay với công việc còn dang dở, sẽ không bao giờ vứt bỏ mạng sống của mình. Khi hiểu được ‘Tại Sao’ mình có mặt trong cuộc đời, ta có thể chịu được hầu như bất kể mọi sự dù “thế nào”.

Năm 1991, ‘Đi tìm lẽ sống’ được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vinh danh tác phẩm là một trong mười cuốn sách có tầm ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Hơn mười triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới. Ngày nay, hơn hai mươi năm sau, thông điệp cốt lõi của quyển sách – đề cao ý nghĩa và giá trị của khổ đau, tinh thần trách nhiệm hướng tới những điều lớn lao vượt lên trên cái tôi nhỏ bé – có vẻ như đi ngược lại văn hóa thời đại khi mà ai cũng chỉ lo theo đuối hạnh phúc cá nhân hơn là cố gắng tìm ra ý nghĩa cuộc sống.

Nhưng hạnh phúc không thể theo đuổi, nó phải là một kết quả tất yếu, một cách tự nhiên. Chúng ta cần phải tìm thấy một lý do ‘để hạnh phúc’.

Và điều trớ trêu là càng theo đuổi hạnh phúc, dường như con người càng bất hạnh. Trong một nghiên cứu mới được công bố bởi tờ Journal of Positive Psychology, các nhà tâm lý học đã đặt câu hỏi với gần 400 người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 78 rằng họ có nghĩ rằng mình đang sống một cuộc đời có ý nghĩa và / hay hạnh phúc hay không. Phân tích thái độ của những người được khảo sát đối với các vấn đề như ý nghĩa cuộc sống, hạnh phúc, và nhiều yếu tố khác như mức độ căng thẳng, thói quen chi tiêu, nuôi dạy con cái…, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một đời sống có ý nghĩa và một đời sống hạnh phúc có những điểm chung nhất định nhưng xét tổng thể lại rất khác nhau. Theo các chuyên gia tâm lý học, một cuộc sống ‘hạnh phúc đơn thuần’thường đi đôi với “kẻ nhận” trong khi một cuộc đời ý nghĩa lại song hành với “người cho”.

“Hạnh phúc mà thiếu ý nghĩa thể hiện một đời sống hời hợt, vị kỷ mặc dù mọi thứ có thể rất suôn sẻ, các nhu cầu và ham muốn được thỏa mãn dễ dàng, và khó khăn hay vướng mắc thì bị tránh né,” tác giả viết. Thứ hạnh phúc ấy vô vị và tẻ nhạt.

Gần một phần tư người Mỹ không có nhận thức rõ ràng điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ.

Theo quan điểm xã hội học, điều quan trọng nhất là việc theo đuổi hạnh phúc thường gắn liền với thái độ ích kỷ, như đã nói ở trên, của “kẻ nhận” hơn là “người cho”. Các chuyên gia tâm lý đưa ra một cách lý giải mới mẻ cho vấn đề này: Hạnh phúc là sự thỏa mãn ham muốn. Nếu bạn có một nhu cầu hay ham muốn – như khi đói chẳng hạn – bạn thỏa mãn nó, và bạn thấy vui. Nói cách khác, người ta hạnh phúc khi đạt được điều mình mong muốn. Vả lại, con người không phải là sinh vật duy nhất có thể cảm nhận hạnh phúc ấy. Các loài động vật khác cũng có các nhu cầu và đòi hỏi, và khi những đòi hỏi được đáp ứng, chúng cũng cảm thấy hạnh phúc.

“Người hạnh phúc thông thường tìm thấy niềm vui qua việc nhận lấy trong khi người sống cuộc đời ý nghĩa lại cảm nhận niềm hỷ lạc sâu sắc từ việc cho đi” - Kathleen Vohs, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, phát biểu tại Đại học Pennsylvania. Nói cách khác, hạnh phúc thế gian thường là sự thỏa mãn mong muốn của cái tôi, trong khi ý nghĩa cuộc sống vượt lên trên cái tôi nhỏ hẹp, chia sẻ tình yêu thương và sự giúp đỡ đến mọi người.

Tìm cầu hạnh phúc không phải đặc ân riêng của loài người. Mọi loài động vật trong thế giới tự nhiên đều theo đuổi hạnh phúc. Nhưng điều khiến con người khác biệt chính là sự khao khát một cuộc sống ý nghĩa - Roy Baumeister, một nhà tâm lý học xã hội hàng đầu thuộc Đại học bang Florida chia sẻ.

“Một phần sứ mệnh của việc làm người là sẻ chia, cống hiến, chăm sóc người khác. Điều đó mang lại ý nghĩa cho đời sống nhưng không nhất thiết sẽ khiến chúng ta vui sướng.” Ông nói.

Lẽ sống không chỉ mang ý nghĩa siêu vượt bản ngã mà còn siêu vượt cả thời khắc hiện tại – có lẽ đây là khám phá quan trọng nhất của nghiên cứu. Hạnh phúc là một cảm xúc nhất thời, giống như mọi cảm xúc khác; nó rồi sẽ nhạt phai. Cảm nhận tích cực hoặc cảm giác thỏa mãn chỉ là thoáng phù du. Thời lượng của cảm giác tốt hay xấu chỉ liên quan tới phạm trù hạnh phúc chứ không liên quan đến phạm trù ý nghĩa.

Ý nghĩa cuộc sống, mặt khác, lại bền lâu. Nó kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Những người chỉ nghĩ về hiện tại mà chẳng quan tâm đến quá khứ hay tương lai có thể sẽ hạnh phúc hay vui vẻ hơn, nhưng chính việc suy ngẫm về tương lai cũng như những thử thách và khổ đau trong quá khứ khiến chúng ta cảm thấy đời sống có ý nghĩa hơn.

Nghịch cảnh, bất như ý xảy đến với bạn, có thể làm vơi đi hạnh phúc nhưng lại khiến cuộc sống của bạn ý nghĩa hơn. Một nghiên cứu khác vào năm 2011 cũng xác nhận điều này. Theo đó, những người tin vào lẽ sống, có mục đích sống rõ ràng, cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống, ngay cả khi họ gặp chướng ngại, so với những người sống thiếu mục đích.

“Nếu cuộc đời này có ý nghĩa, chắc hẳn đó phải là ý nghĩa của khổ đau.”Viktor Frankl

Nhàn Chi
(https://www.theatlantic.com)