“Người hạnh phúc nhất thế giới” chia sẻ bí mật của hạnh phúc với bài thực hành 15 phút mỗi ngày.

 
Ai là người hạnh phúc nhất thế giới?
Nếu bạn tra trên google câu hỏi này, bạn sẽ thấy tên “Matthiew Ricard” xuất hiện.


 Matthiew Ricard, 70 tuổi,  là một thiền sư người Pháp. Ông được gọi là ‘người hạnh phúc nhất thế giới.’

Đây là kết quả được đưa ra khi Matthiew Ricard tham gia vào một công trình nghiên cứu não bộ thông qua thiền định và lòng từ bi kéo dài 12 năm được tiến hành bởi nhà thần kinh học Richard Davidson đến từ đại học Wisconsin, Hoa Kỳ. Nhà khoa học đã nối 256 cảm biến vào đầu của nhà sư Ricard để theo dõi và phát hiện ra rằng khi nhà sư thiền định về lòng từ bi, não bộ của ông tỏa sáng khác thường. 
 
Nhà khoa học cho biết: các tấm ảnh chụp điện não cho thấy khi thiền định về lòng từ bi, não của nhà sư Ricard tạo ra sóng Gamma – dải tần số liên quan đến sự tỉnh táo, khả năng tập trung, nghiên cứu và ghi nhớ - điều này là ‘chưa từng được báo cáo trong các tài liệu về khoa học thần kinh trước đó’. Ngoài ra, vỏ não trước trán bên trái của thiền sư hoạt động mạnh hơn nhiều so với bên phải cũng cho phép ông có năng lực cảm nhận hạnh phúc mạnh mẽ hơn và giảm bớt thiên hướng suy nghĩ tiêu cực.

Nhà sư chia sẻ rằng ông thỉnh thoảng vẫn ngồi thiền cả ngày mà không thấy chán. Ông cũng thừa nhận mình là một người hạnh phúc (mặc dù ông cảm thấy danh hiệu “người hạnh phúc nhất thế giới” có phần cường điệu.)  Tại diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, ông đã chia sẻ với tờ Business Insider những lời khuyên để sống hạnh phúc như sau:

Đừng nghĩ về bản thân quá nhiều
Với nhà sư Ricard, bí mật nằm ở tâm vô ngã vị tha. Luôn suy nghĩ về bản thân mình, lúc nào cũng lo lắng làm mọi việc tốt nhất cho mình chỉ khiến ta kiệt sức, căng thẳng và cuối cùng chắc chắn sẽ dẫn đến bất hạnh.
Ông nói “Đây không phải là câu chuyện đạo đức. Đơn giản là nếu suốt ngày chỉ ‘tôi, tôi, tôi hay của tôi’ thì thật là chán ngắt. Và thật khốn khổ khi bạn coi cả thế giới này là mối đe dọa, hay thậm chí là mối bận tâm đối với bản thân bạn.”

Mọi thứ bạn cần biết về hạnh phúc
Nếu muốn hạnh phúc, theo vị tăng này, bạn hãy cố gắng sống “nhân ái và rộng lượng”. Điều này không chỉ khiến bản thân chúng ta cảm thấy tốt hơn, mà còn làm cho người khác yêu mến chúng ta hơn.
‘Nhân ái không có nghĩa là bạn để người khác lợi dụng, nhưng hãy luôn cố gắng sống tử tế.’ Ông nói thêm.
“Nếu tâm bạn luôn tràn đầy lòng từ bi, tình yêu thương, nó luôn có sức lan tỏa. Không chỉ tâm trí bạn cảm thấy an lạc hơn, mà cơ thể cũng khỏe mạnh hơn. Và mọi người xung quanh bạn cũng cảm nhận được điều đó.”
Lý thuyết nghe thì rất hay nhưng làm thế nào để chúng ta có thể thực sự trở nên vị tha và nhân ái và không để những suy nghĩ vị kỷ hẹp hòi sai khiến?

Hãy bắt đầu rèn luyện tâm trí của bạn giống như bạn luyện chạy Marathon vậy.
Tất cả chúng ta đều có khả năng giải tỏa tâm trí và trải nghiệm hạnh phúc chân thật, bởi tự tính của tất cả mọi người đều là thanh tịnh và tốt đẹp.
Nhưng giống như một vận động viên Marathon cần phải rèn luyện để có thể chạy được 42km, con người muốn hạnh phúc hơn cũng cần phải rèn luyện tâm trí. Bạn có thể không trở thành một nhà vô địch Olympic, nhưng sẽ có một sự khác biệt rất lớn giữa luyện tập và không luyện tập.
 

Ricard cho rằng thiền định là một trong những phương pháp rèn luyện tâm tốt nhất.
‘Lòng từ bi, sự chú tâm, khả năng cân bằng cảm xúc và sức mạnh nội tâm đều là những kĩ năng được rèn luyện. Vì thế, suy cho cùng, hạnh phúc cũng là một kĩ năng có thể được rèn luyện.’

Vậy rèn luyện tâm trí như thế nào để hạnh phúc hơn?
Hãy dành 15 phút liên tục mỗi ngày để nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
 Hãy bắt đầu bằng việc dành ra 5-10 phút mỗi ngày để suy niệm về những điều tốt đẹp, những trải nghiệm hạnh phúc trong cuộc sống của bạn. Thông thường, những trải nghiệm của chúng ta về hạnh phúc và tình yêu thương trôi qua rất nhanh, và chúng ta lại nghĩ ngợi những điều khác. Ricard khuyên chúng ta tập trung để tâm trí không bị xao nhãng, vọng tưởng, chỉ tập trung vào những cảm xúc tích cực trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu luyện tập hàng ngày, thì chỉ 2 tuần sau, ta có thể cảm nhận được những thay đổi tích cực trong tâm. Nếu ta luyện tập nhiều năm như thiền sư Richard thì chắc chắn ta sẽ trở thành chuyên gia về hạnh phúc.
Các nhà khoa học cũng hoàn toàn ủng hộ phương pháp này. Từ nghiên cứu của mình, nhà thần kinh học Davidson cũng chỉ ra rằng thậm chí chỉ với 20 phút thiền định hàng ngày cũng có thể giúp con người hạnh phúc hơn nhiều.



Tường Vy
(Theo www.independent.co.uk)