Vì sao thực hành thiền định nhiều năm vẫn không thấy tiến bộ?
Một số người từng thực hành Phật pháp trong vài năm và có thể cảm thấy họ chưa đạt được mấy thành tựu. Họ có thể tự cho rằng: "Thậm chí sau tất cả những năm tôi đã thực hành thiền định, tôi vẫn không thấy tiến bộ nhiều lắm. Tâm tôi vẫn bất an, vọng động". Suy nghĩ này cho chúng ta thấy rằng thật sự rất cần học cách làm thế nào để định tâm hay sự chú tâm để những năng lực đó trở thành công cụ hỗ trợ thực hành thiền định.
Khi thực hành Phật pháp, điều tối quan trọng là chúng ta phải an định được tâm. Là con người, chúng ta may mắn có được thân người quý giá và trí thông minh tuyệt vời. Với trí thông minh của loài người, chúng ta có thể quán sát được những suy nghĩ, kiểm xét và phân tích tiến trình tư duy để nhận biết đâu là suy nghĩ tích cực và tiêu cực. Nếu soi chiếu kỹ tâm, chúng ta có thể nhận thấy mình có nhiều suy nghĩ tiêu cực hơn tích cực. Đôi khi chúng ta hạnh phúc, đôi khi sầu buồn phiền não, đôi khi lại lo toan suy nghĩ. Nhưng những khoảnh khắc hạnh phúc thường ngắn ngủi, hiếm hoi hơn những khoảnh khắc đau khổ và lo lắng.
Để đạt đến trạng thái cân bằng mà những suy nghĩ sẽ trở nên tích cực, hạnh phúc hơn, chúng ta cần phải thực hành. Và pháp thực hành thiền định hay an định tâm là phương pháp hữu dụng. Bởi thiền định giúp chúng ta học cách thư giãn, tâm trở nên tĩnh lặng, rõ ràng và tập trung. Khi tâm thư thái, yên bình, chúng ta sẽ hạnh phúc và hỷ lạc hơn.
Thuật ngữ thiền định theo tiếng Phạn là “samadhi”, có nghĩa là "sự hấp thụ một cách sâu sắc". Nếu chúng ta có thể học cách làm thế nào để đạt được tâm an định thì thậm chí nếu có thể ứng dụng thiền định trong mọi hoạt động thế gian, chắc chắn chúng ta sẽ lợi lạc. Nhờ pháp thực hành thiền định, công việc sẽ thuận buồm xuôi gió, chúng ta sẽ thấy nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn ngay trong mọi hoạt động của cuộc sống thế gian. Tất nhiên, nếu thiền định trong thực hành Phật pháp, cuộc sống của bạn sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp hơn.
Một số người từng thực hành Phật pháp trong vài năm và có thể cảm thấy họ chưa đạt được mấy thành tựu. Họ có thể tự cho rằng: "Thậm chí sau tất cả những năm tôi đã thực hành thiền định, tôi vẫn không thấy tiến bộ nhiều lắm. Tâm tôi vẫn bất an, vọng động". Suy nghĩ này cho chúng ta thấy rằng thật sự rất cần học cách làm thế nào để định tâm hay sự chú tâm để những năng lực đó trở thành công cụ hỗ trợ thực hành thiền định.
Bất kể bạn dành bao nhiêu thời gian để thiền định, thì quãng thời gian đó phải được sử dụng hiệu quả. Thông thường, nếu chúng ta dành 1 giờ để hành thiền, điều đó không có nghĩa là trọn vẹn trong một giờ đồng hồ đó chúng ta đã hoàn toàn định tâm. Ngược lại, có thể xảy ra tình trạng bạn phải mất đến nửa giờ đồng hồ đối mặt với rất nhiều suy nghĩ, vọng niệm, trong nửa giờ còn lại, bạn có thể nói rằng mình đang ngồi đúng tư thế thiền và chỉ 15 phút trong đó chúng ta mới thực sự đạt được sự định tâm. Bởi vậy, rất cần thiết phải học cách thiền định đúng đắn, thì những thời khóa thiền mới thực sự đem lại kết quả.
Làm thế nào để đạt được Định?
Đây là lúc mà Chính niệm phát huy vai trò quan trọng. Thông qua Chính niệm, chúng ta mới có thể đạt được trạng thái tâm an định. Khi có được Chính niệm, chúng ta sẽ nhận biết rõ những gì đang diễn ra khi đang thiền định. Ngay cả giữa các thời khóa thiền, chúng ta cũng không nên buông lơi mạch thiền định, bởi vậy với tâm chính niệm, chúng ta sẽ mang năng lực của thiền định vào mọi khía cạnh hoạt động của đời sống thường nhật. Sự chính niệm cần được duy trì ổn định, sáng rõ. Tâm chính niệm mạnh mẽ nhất sẽ giúp chúng ta đạt được trạng thái thiền định cao nhất.
Trong cuốn "Ánh nguyệt quang của Đại thủ ấn", bậc Thượng sư vĩ đại Takpo Tashi Namgyal viết: "Khi một người thiền định, người đó cần giữ tâm chính niệm sáng rõ và mạnh mẽ. Thiền định đòi hỏi phẩm chất về sự sáng rõ đồng thời với sự an định". Chính niệm có thể chỉ là sự sáng rõ, nhưng nếu không đủ sức mạnh để giữ được chính niệm thì sự thực hành không hiệu quả. Để đạt được những thay đổi tích cực trong các hành vi hậu thiền, chúng ta cần phải chính niệm và tỉnh thức. Thiếu đi tính sáng rõ của sự tỉnh thức và sức mạnh của chính niệm, chúng ta sẽ không thể nhận ra những ý niệm vi tế ngăn cản chúng ta trưởng dưỡng tâm an định. Với những ý niệm vi tế này, chúng ta trở nên quen thuộc với một dạng thiền định mang tính bề nổi, ngăn cản sự tiến bộ trong thực hành. Tâm chính niệm sáng rõ và mạnh mẽ cho phép chúng ta nhận ra được chướng ngại do những suy nghĩ vi tế đem lại. Bởi vậy, chính niệm là phẩm chất vô cùng quan trọng.
(Nguồn: Hiệp hội giáo dục Phật pháp - Buddha Dharma Education Association Inc.)
- 312 lượt