Bức ảnh về nghề bị cho là bẩn thỉu nhất thế giới lấy đi bao nước mắt người xem
22/07/2021 - 07:49
Lượt xem: 922 lượt
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng GMB Akash đã mô tả sống động nỗi vất vả và những tủi nhục của các công nhân nghèo làm nghề dọn cống tại Bangladesh.
Nghề dọn cống được coi là công việc vất vả và bẩn thỉu nhất thế giới. (Ảnh qua News4/Kknews)
Bức ảnh được nhiếp ảnh gia GMB Akash đăng tải trên trang Facebook đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng với hơn 600.000 like và hàng nghìn lượt chia sẻ.
Trong bức ảnh đó nổi bật lên hình ảnh một người đàn ông với nước da đen sạm bóng loáng, mái tóc đen nhánh và bộ râu lâm râm bạc.
Nghề dọn cống – công việc vất vả và bẩn thỉu nhất thế giới
Tâm điểm của bức ảnh chính là đôi mắt đục ngầu, lòng trắng đổi qua màu đỏ vàng, toát ra vẻ u buồn, khắc khổ. Chỉ cần nhìn thoáng qua, không khó để có thể đoán ra người này đã phải trải qua nhiều đắng cay, vất vả.
Người đàn ông trong bức ảnh là ông Idris, sống tại Bangladesh.
Ông làm nghề dọn cống để nuôi 4 đứa con ăn học. Tại quốc gia này, nghề của ông Idris được coi là công việc vất vả và bẩn thỉu nhất thế giới. Những người công nhân phải làm việc bất kể thời gian, thường xuyên ngụp lặn trong môi trường nước thải đen ngòm dưới cống nước bốc mùi khủng khiếp, dễ mắc bệnh truyền nhiễm mà lại không có đồ bảo hộ và mức lương thì ba cọc ba đồng.
Tuy vậy nhưng ông Idris không còn sự lựa chọn nào khác. Ông bố nghèo đã giấu nhẹm công việc của mình vì sợ các con sẽ cảm thấy xấu hổ trước bạn bè.
Mỗi ngày sau ca làm, ông đều đến nhà tắm công cộng tắm rửa sạch sẽ rồi mới về nhà. Khi con hỏi ông làm nghề gì, ông thường ngập ngừng rồi nói rằng mình là một người lao động.
Đã nhiều năm trôi qua, ông không còn nhớ cảm giác mua đồ mới cho mình là gì nữa, có bao nhiêu, ông để dành hết để lo cho các con hết.
Những tâm hồn thiện lương, sống đầy nghĩa tình
Một ngày trước ngày con gái út vào đại học, do không thể xoay xở đủ tiền phí nhập học cho con nên ông Idris rơi vào lo lắng, ông đến nơi làm việc và phải bật khóc ở đó.
Dọn cống là một nghệ vô cùng độc hại và nguy hiểm nhưng những người làm nghê này lại không có đồ bảo hộ cũng như bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. (Ảnh qua Kknews)
Những người công nhân làm cùng đều nhìn thấy nhưng không ai nói lời nào, bởi có lẽ khi đã làm ở đây thì ai cũng trong hoàn cảnh khốn cùng vì đồng tiền.
Tuy nhiên, sau giờ làm việc, những người đồng nghiệp đã đến và hỏi ông có coi họ như những người anh em không rồi dúi vào tay ông số tiền công một ngày vừa được nhận của họ.
Dù đã từ chối nhưng ông được mọi người động viên: ‘Hôm nay không ăn thì chúng tôi cũng chẳng chết đói được, nhưng con gái anh phải được đi học đại học’. Lúc đó cổ họng ông như có gì nghẹn ứ lại.
Hôm đó ông không tắm mà trở về nhà luôn trong bộ dạng nhem nhuốc, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối. Ông đã quyết định sẽ thẳng thắn nói hết sự thật về công việc của mình cũng như câu chuyện về những người đồng nghiệp tốt bụng.
Sau khi biết bố đã phải hy sinh nhiều vì mình, 3 con gái lớn của ông (đã tốt nghiệp đại học và đi làm) quyết kiếm tiền lo học phí cho em để đỡ đần bố.
Ông Idris sau đó vẫn tiếp tục công việc của mình, con gái út cũng thường đưa ông đi làm và không quên mang đồ ăn cho tất cả đồng nghiệp của bố để cảm ơn những gì họ đã hy sinh giúp đỡ gia đình cô.
Công nhân dọn cống ở Bangladesh, những người hy sinh bản thân để bảo vệ gia đình nhỏ
Dù công việc vất vả, nguy hiểm, luôn phải đối mặt với bệnh tật và mức lương thì bèo bọt nhưng vẫn có rất nhiều người chọn ngành nghề này. (Ảnh qua Kknews)
Tờ Daily Mail cũng từng đăng tải hình ảnh một nam nhân viên của công ty thoát nước tại thành phố Dhaka (Bangladesh), đang thông tắc các đường cống thoát nước của thành phố, nước cống đen hơn nước tro, người đàn ông ngụp xuống mà không có bất kỳ thiết bị an toàn nào khiến nhiều người không khỏi rùng mình, sợ hãi xen lẫn xót xa, thương cảm.
Chỉ với một que dài, họ lặn xuống những khu vực cống bị tắc để thông dòng, đôi mắt, làn da, toàn bộ cơ thể phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải, nước cống và vô vàn chất độc hại.
Dù đã có nhiều cảnh báo về các ca tử vong liên quan tới công việc vất vả, độc hại này, nhưng những người công nhân nghèo vẫn chấp nhận để có thể kiếm sống cho mình và cho cả gia đình.
Hãy trân trọng cuộc sống và những gì mình đang có.
(Theo songdep.tv)
- 922 lượt