Dấu hiệu khi đánh răng cảnh báo bệnh tim

Nếu thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng, bạn cần đề phòng nguy cơ mắc bệnh liên quan tới tim.
 
Các chuyên gia tại Trường Y Harvard (Mỹ) đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh tim của bạn có thể bộc lộ khi đánh răng. Lần tới khi nhổ kem đánh răng ra, bạn hãy nhìn vào bồn rửa.

Nếu bạn thấy những đốm máu, đó là dấu hiệu của bệnh nướu răng. Các chuyên gia cho hay: “Những người bị bệnh nướu răng (hay còn gọi là bệnh nha chu) có nguy cơ bị bệnh tim cao gấp 2-3 lần người khác”.

Bác sĩ nha Hatice Hasturk giải thích: "Bệnh nha chu làm tăng gánh nặng viêm nhiễm của cơ thể".

Tình trạng viêm nhiễm kéo dài được cho là yếu tố góp phần quan trọng gây ra chứng xơ vữa động mạch - các động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng xơ vữa gồm chất béo, cholesterol - tiền đề cho bệnh tim.

Cách ngăn ngừa bệnh nướu răng

Tiến sĩ Hasturk khuyên bạn nên hỏi nha sĩ cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa chuẩn. Dùng chỉ nha khoa hằng ngày rất quan trọng vì loại bỏ lớp màng dính giữa các kẽ răng dẫn đến sự tích tụ mảng bám.

Bạn nên đi làm sạch răng chuyên nghiệp ở phòng khám nha khoa hai lần một năm.

Các dấu hiệu của bệnh nướu răng:

- Nướu bị sưng, đỏ, mềm

- Nướu dễ chảy máu

- Có mủ giữa răng và nướu

- Hôi miệng

- Tích tụ cặn cứng màu nâu dọc theo đường viền nướu

- Răng lung lay hoặc răng mọc lệch.

Cách chữa bệnh nướu răng

Các chuyên gia nha khoa khẳng định: “Viêm nướu là giai đoạn sớm nhất của bệnh nha chu và là giai đoạn duy nhất có thể hồi phục”.

Các triệu chứng bao gồm chảy máu trong khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa, hơi thở có mùi hôi thường xuyên, nướu bị đỏ và sưng.

Bác sĩ nói thêm: “Việc phát hiện bệnh nướu răng ở giai đoạn đầu này có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn khó chữa sau này”.

Điều trị bằng cách vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp, cũng như kỹ thuật đánh răng và dùng chỉ nha khoa tốt hai lần mỗi ngày.

Nếu giữa các răng có phần bị sâu, bệnh nhân không thể phục hồi lại như cũ. Ở giai đoạn này, nha sĩ chỉ có thể quản lý và kiểm soát nhiễm trùng.

Bệnh tim

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% số ca tử vong.

Các dấu hiệu cơ bản của bệnh tim bao gồm đau ngực và khó thở.

Để giảm thiểu nguy cơ, bạn phải thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh hút thuốc và uống quá nhiều rượu.

Thay đổi lối sống như vậy có thể làm giảm huyết áp, cholesterol và xơ vữa động mạch. Khi đó, bạn sẽ có một cuộc sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

(Theo vietnamnet.vn)