Cuốn sách đem lại những chỉ dẫn súc tích nhất rút tỉa từ tinh túy Phật giáo để độc giả có thể ứng dụng ngay vào đời sống hàng ngày. Bởi đạo và đời vốn không tách biệt.
Nếu bạn cho rằng với tư cách tôn giáo, đạo Phật không liên quan nhiều đến đời sống thế tục thì cuốn sách nhỏ Nghệ thuật sống an lạc (NXB Tôn Giáo - 2011) có thể khiến bạn đổi ý. Sách viết: “Trọng tâm giáo lý nhà Phật là tôn trọng mọi thứ song cũng buông xả, không bám chấp vào mọi thứ”. Làm được như thế, tức là bạn đang đi trên con đường trung dung (Trung đạo) mà Đức Phật chỉ ra. Cũng như việc Newton khám phá ra sức hút Trái Đất chứ không chế tạo ra nó, triết lý về Trung đạo được trải nghiệm và chia sẻ bởi đức Phật. Do đó, ai cũng có thể tiếp thu và thực hành những phương pháp Đức Phật chỉ ra, áp dụng chúng vào cuộc sống của mình - “mà không cần phải gắn cho mình một nhãn mác của đạo Phật hay tôn giáo nào khác,” cuốn sách nhấn mạnh.
Tác giả của Nghệ thuật sống an lạc - Jigme Pema Nyinjadh - bậc Thượng sư Kim Cương thừa sinh năm 1981. Ngài được xác nhận là hóa thân đời thứ chín của Đức Khamtrul Rinpoche đồng thời là hóa thân của Đại sư Ấn Độ Liên Hoa Sinh - người truyền đạo Phật sang Tây Tạng vào thế kỷ VIII. Ngài chính là Đức Nhiếp Chính Vương của dòng truyền thừa Drukpa trụ xứ tại Bhutan, từng đến Việt Nam giảng pháp cuối năm ngoái. Có thể vì còn khá trẻ, nên ngài có lối diễn đạt gãy gọn, hiện đại, đi thẳng vào vấn đề. Điều này thể hiện phần nào trong Nghệ thuật sống an lạc - tập sách tuyển chọn những bài giảng và trả lời phỏng vấn của ngài tại nhiều nước trên thế giới.
Cuốn sách mở ra từ khái niệm cơ bản: tôn giáo. Theo tác giả, tôn giáo đơn giản là phương pháp giúp ta nhận ra và phát triển tâm linh. Khi nào có niềm tin thì tất cả chúng ta đều đang ở trong dạng thức của tôn giáo. Theo tác giả, để sống trong an lạc, chúng ta phải cố gắng loại bỏ mọi bám chấp, kể cả vào Niết bàn. Vì chẳng qua, luân hồi và Niết bàn là hai mặt của đồng xu. Khi thấu hiểu bản chất tự nhiên của luân hồi, đồng nghĩa bạn đạt được Niết bàn, mà vẫn không rời khỏi đời sống này.
Như vậy, bạn chỉ việc khởi hành ngay từ đời sống của mình, ngay từ chính mình. Giữ được sự cân bằng giữa đời sống tâm linh và vật chất, đừng bám chấp vào bất cứ điều gì trong cuộc sống, nhưng đồng thời hãy trân trọng chúng - chính là nghệ thuật sống để đạt tới hạnh phúc một cách bền vững.
“Đôi khi tôi không thể chịu được khi chứng kiến có quá nhiều đau khổ mà con người đang phải chịu đựng”, Nhiếp Chính Vương nói. “Nếu đó là bệnh tật hay đói nghèo, điều này còn có thể hiểu được, nhưng khổ đau hầu hết đến từ tâm lý quá bám chấp vào tài sản, tiếng tăm hay mối quan hệ và không thể sống thiếu chúng. Và sau khi những thứ hay những người này không còn hiện hữu, những con người khốn khổ ấy phải trải qua rất nhiều khó khăn mà tôi nghĩ rằng không đáng phải trải qua… Chúng ta nên sống tự tại với tất cả những tiện nghi vật chất bên ngoài”. Ngài nói điều này vào năm 2010, sau khi cùng 750 thành viên từ khắp nơi trên thế giới tham gia chuyến bộ hành 42 ngày triều bái thánh địa và thăm các ngôi làng hẻo lánh ở độ cao 3000-5000 m trên dãy Himalaya. Nhiều người trong đoàn đã cảm thấy hạnh phúc của việc đầm mình trong nước băng giá sau 30 ngày không tắm.