Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời đản sinh năm 1963 trong gia đình hành giả Kim Cương thừa có dòng dõi tôn quý. Phụ thân Ngài là Đức Kyabje Bairo Rinpoche, hóa thân đời thứ 36 của Đại dịch giả Vairochana - một đệ tử trứ danh của Thượng sư Liên Hoa Sinh. Thân mẫu là Bà Mayum-la Konchok Pema thuộc dòng dõi Thượng sư vĩ đại Nyadak Nyang của Truyền thừa Nyingmapa.
Năm lên ba tuổi, Ngài được chính thức ấn chứng là chân hóa thân của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XI và được đón về giáo dưỡng tại Đại tự viện của Truyền thừa Drukpa ở Darjeeling, Ấn Độ. Sau quá trình tu học nghiêm cẩn dành cho bậc hóa thân chuyển thế đứng đầu một truyền thống Phật giáo lớn, Ngài chính thức trở lại dẫn dắt Truyền thừa Phật giáo với sứ mệnh phụng sự nhân loại và vũ trụ bước vào Thiên niên kỷ mới.
Trong hiện đời, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đạt được thành tựu lớn lao trong công hạnh hoằng dương Phật pháp vì lợi ích vô lượng hữu tình. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ngài, Truyền thừa Drukpa vẫn thịnh vượng trong thời mạt pháp này với hệ thống khoảng một ngàn tự viện tại các vùng miền trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bắc Bengal, Lahaul, Kinnaur, Nepal, Bhutan, Sikkim... và còn được hoằng truyền rộng khắp với sự hiện diện của các Trung tâm Drukpa tại Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Việt Nam), Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Monaco, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ba Lan), Châu Mỹ La tinh (Argentina, Peru, Mexico) và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.
Bậc Hóa thân Quan Âm cũng luôn tâm nguyện dấn thân hành động góp phần giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Năm 2007, Ngài sáng lập phong trào từ thiện quốc tế “Live to Love”, đến nay đã hoạt động trên phạm vi 20 quốc gia, tập trung vào những dự án thiết thực như phát triển giáo dục, cứu trợ y tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và bình đẳng giới. Các đệ tử của Ngài tích cực tham gia các hoạt động thiện hạnh như xây dựng, vận hành các trường học, trạm xá, tổ chức khám chữa bệnh từ thiện, cứu trợ nhân đạo cho những vùng gặp thiên tai, tham gia trồng cây, bộ hành nhặt rác giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân vùng Himalaya. Các nỗ lực và đóng góp trên phương diện thiện hạnh xã hội của Ngài được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng tôn quý như cúp “Anh hùng Xanh”, giải “Thành tựu trọn đời” của Chính phủ Ấn Độ, danh hiệu “Bậc Bảo Hộ vùng Himalaya” từ Liên minh quốc tế Bảo vệ Nguồn nước. Ngài cũng được thỉnh mời tham gia Ủy Ban Giám Khảo của Giải thưởng Trái Đất. Tháng 9 năm 2010, Đức Pháp Vương được Liên Hiệp Quốc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, tôn vinh những tổ chức và cá nhân đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp Phát triển Thiên niên kỷ trên phạm vi toàn cầu.
Với lòng từ bi vô hạn và tâm nguyện đóng góp vào sự phát triển Phật Pháp vì lợi ích người dân hữu tình Việt Nam, những năm qua, Đức Pháp Vương đã nhiều lần từ bi quang lâm để cử hành Đại Pháp hội quán đỉnh cộng đồng cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, đóng góp trí tuệ và hướng đạo trong việc xây dựng nền tảng văn hóa Kim Cương thừa lợi ích người dân và đất nước Việt Nam. Nhiều kinh sách, tác phẩm của Ngài như “Mật pháp Nghi quỹ thực hành thường nhật”, “Hành trình tâm linh siêu việt”, “Bardo - Bí mật Nghệ thuật Sinh tử”, “Giác ngộ mỗi ngày”, “Hạnh phúc tại Tâm” được biên dịch phát hành đã sách tấn và truyền cảm hứng đến đông đảo đại chúng.
- 358 lượt