6 thói quen nấu ăn dễ gây ung thư

Bên cạnh việc lo lắng mua phải thực phẩm “bẩn”, thói quen nấu nướng sai cách cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình... Nếu bạn vẫn giữ những thói quen nấu nướng dưới đây thì hãy từ bỏ ngay từ hôm nay, vì chúng có khả năng làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư…

Một số người có thói quen chiên, rán thực phẩm trong chảo dầu bốc khói, với suy nghĩ dầu nóng sẽ làm món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, khi dầu ăn bị bốc khói tức là nhiệt độ lúc đó của dầu đã trên 200 độ C… Nhiệt độ cao không những phá hủy tác dụng chống oxy hóa của dầu và các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide tác nhân gây ung thư.

Nhiều người thấy tiếc không đổ dầu đã qua chế biến đi mà tiếp tục dùng để chiên, xào các thực phẩm khác. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng bởi dầu khi chế biến ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra axit béo chuyển hóa và sản phẩm oxy hóa lipid, nếu tiếp tục chịu nhiệt độ cao lần nữa sẽ sinh ra chất gây ung thư… Tốt nhất nên bỏ dầu đã qua chế biến để đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình.

Nhiều người vì tiết kiệm thời gian, hoặc thấy nồi còn sạch nên sau khi nấu xong món ăn trước đã không rửa sạch nồi mà tiếp tục nấu món khác. Nhìn bằng cảm quan nồi có vẻ sạch, nhưng thực tế trên bề mặt còn bám mỡ và thức ăn sót lại. Mỡ và thức ăn thừa này nếu qua chế biến ở nhiệt độ cao một lần nữa có thể sinh ra benzopyrene - là chất gây nên bệnh ung thư.

Bất kỳ món ăn nào, nếu nấu quá lâu trên bếp, hoặc đun đi đun lại nhiều lần trước khi ăn sẽ làm thực phẩm bị biến chất - sản sinh ra chất carbohydrates kết hợp với chất béo có thể sản xuất ra chất gây ung thư… Đặc biệt việc nấu các món rau, củ kéo dài, những món ninh nhiều tiếng đồng hồ không chỉ phá vỡ nhiều loại vitamin trong thực phẩm mà còn làm tăng hàm lượng các chất độc hại lên mức cao hơn.

Việc dùng chung một chiếc thớt để chế biến thực phẩm sống, chín và rau củ là sai lầm phổ biến mà nhiều bà nội trợ mắc phải. Trên thực tế, thói quen này hết sức tai hại, bởi thực phẩm sống luôn chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng; cho dù rửa thớt bằng nước rửa bát rồi để khô cũng không làm sạch hoàn toàn. Chính vì thế, khi dùng thớt chung sẽ làm đồ ăn chín bị nhiễm khuẩn, ăn vào dễ sinh bệnh.

Nhiều người có thói quen tắt ngay máy hút mùi sau khi nấu ăn xong mà không biết rằng, trong nhà bếp vẫn còn lưu lại một lượng khí thải chưa bị hút hết do máy cần thời gian nhất định để đạt hiệu quả tối đa. Chính lượng khí thải luẩn quẩn trong nhà góp phần tạo nên bệnh ung thư… Tốt nhất là sau khi nấu ăn xong 3 - 5 phút hãy tắt máy hút mùi để đảm bảo khí thải được hút hết ra ngoài.
 
Lâm Tùng - Ngọc Anh
(Theo baonghean.vn)