Bắt được “cá tinh”, hôm sau núi lở hiện hình cá: Sự trùng hợp hay là dấu hiệu quả báo?

Do ảnh hưởng mưa bão, người dân bắt được con cá chép bạc khổng lồ được họ gọi là “cá thành tinh”, điều bất ngờ là ngay ngày hôm sau, sườn núi trong khu vực bị sạt lở tạo thành hình thù giống hệt con cá bị xiên cây tre. Tuy nhiên, đây thực sự chỉ là sự trùng hợp thôi sao? Hay đó là một “dấu hiệu của quả báo”?
 
Hình ảnh sạt lở đất trên sườn núi giống hệt cảnh con cá khổng lồ được 2 thanh niên khiêng lên. (Ảnh: Weibo)
 
Lưu Vũ Tích, nhà thơ thời Đường, đã viết hai câu thơ trong bài Lậu thất minh rằng: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh“, tạm dịch là “Núi dẫu không cao, có tiên nên danh; sông dẫu không sâu, có rồng nên linh“. Trong núi thật sự có Thần Tiên sao? Đáy nước phải chăng có Long Vương?
 
Trên Trái Đất rộng lớn của chúng ta, phần lớn danh lam thắng cảnh đều vô cùng hùng vĩ, tráng lệ, thật khiến người ta cảm khái không thôi, thâm sâu trong đó dường như đều có Thần Tiên coi giữ. Nếu nơi đó xảy ra biến động mạnh, rất có thể đó là một lời cảnh báo. Lúc này, nếu mọi người không tự suy nghĩ lại những chuyện đã qua, có lẽ tai họa sẽ lại càng lớn hơn.

Người dân ở Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc bắt được cá “khủng”
 
Ngày 5/10/2013, đập chứa nước ở quận Hoàng Nham, thị trấn Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, xả lũ với quy mô lớn. Hàng ngàn con cá trong đập theo dòng lũ chảy ra ngoài, thu hút đông đảo người dân quanh vùng tìm tới bắt cá.
Người dân bắt được con cá “khủng”, dài gần bằng chiều cao của một người trưởng thành. (Ảnh: Weibo)

Khi đó, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc chịu ảnh hưởng của bão Fitow, xuất hiện các trận mưa lớn làm đầy đập chứa nước ở Hoàng Nham, nên đập này phải xả lũ từ ngày 5/10/2013. Đây là đợt xả lũ quy mô lớn đầu tiên của đập này kể từ năm 2007. Dòng nước lũ chảy ra khỏi đập cuốn theo nhiều loại cá như cá mè hoa, cá chép bạc…

Theo những người có mặt tại hiện trường, lúc đó có rất nhiều người dân quanh vùng chạy đến, không chỉ 2 bên cầu đông nghịt người bắt cá, hiện trường khoảng 200-300 người, còn có người chạy xuống 2 bên bờ sông vớt cá.
Người dân như đàn ong ùa tới bắt cá tại 2 bên bờ sông. (Ảnh: Weibo)

Chỉ với các dụng cụ đơn giản như xô, chậu, gậy, gộc, và các loại dụng cụ khác nhau để vớt cá, người dân có thể bắt được những con cá tươi ngon với trọng lượng lớn. Trong đó có một con cá chép bạc “khổng lồ”, cân nặng ước tính khoảng 80kg, người dân phải dùng cây tre xiên qua miệng và mang mới khiêng được nó về nhà.

Hai thanh niên phải dùng tới gậy tre dài mới khiêng được con cá “khổng lồ” về nhà. (Ảnh: Weibo)

Đến hơn 19h, trời dần tối, mọi người mới lần lượt ra về. Đó là một ngày nhộn nhịp khi hàng trăm người dân nô nức “thu hoạch” cá về nhà.

Điều trùng hợp là không lâu sau đó, một vụ sạt lở xảy ra trên sườn núi tại khu vực hồ chứa đã tạo thành hình thù kỳ lạ giống hệt một con cá, vừa vặn, con đường cắt ngang núi lại giống như chiếc cọc tre xiên qua mang cá.
Vụ lở núi tạo thành hình thù kỳ lạ giống hệt con cá “thành tinh” bị xiên cọc tre qua mang. (Ảnh: Weibo)
 
Hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng, không chỉ thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc, mà còn đặc biệt được độc giả Nhật Bản quan tâm.

Có người dùng mạng bình luân: “Con cá đáng thương! Không thoát được tai nạn này lại còn bị người bắt ăn thịt“. Trong khi một số ý kiến cho rằng “vạn vật hữu linh”, nhiều người khác cũng bình luận rằng đây không chỉ là “trùng hợp ngẫu nhiên”, mà rất có thể là một “dấu hiệu của quả báo”…

Bất luận đây là sự trùng hợp hay chân thật thì sau cảnh tượng kỳ lạ này, con người đều nên có lòng kính sợ với thiên nhiên, chứ không phải chỉ một mực quan tâm đến lợi ích của bản thân.

Tú Văn biên dịch