Chiếc đồng hồ đắt tiền và bí quyết sống hạnh phúc

Nhà tâm lý học người Mỹ Festinger đã có một đúc kết rất nổi tiếng được gọi là “Định luật Festinger”. Theo ông, 10% sự việc xảy ra trong đời là không cách nào kiểm soát được, nhưng 90% còn lại của cuộc sống được quyết định bởi thái độ, phản ứng của chính bản thân mình.
Câu chuyện về chiếc đồng hồ là một minh chứng rõ nét cho đúc kết nổi tiếng của Festinger.


Một buổi sáng, sau khi thức dậy, Festinger đi rửa mặt và tiện tay tháo chiếc đồng hồ đắt tiền của mình để cạnh bồn rửa mặt. Vợ anh, sợ đồng hồ bị nước làm ướt, nên đem đặt nó lên bàn ăn. Con trai anh khi tỉnh dậy, lúc tới bàn ăn lấy bánh mì, không cẩn thận đã làm rớt chiếc đồng hồ xuống đất và khiến nó bị hư hỏng.

Do vô cùng yêu thích chiếc đồng hồ, nên Festinger đã đánh con trai một trận thật đau. Không những thế, Festinger còn trút cơn thịnh nộ lên vợ anh. Cảm thấy vô lý, người vợ phân trần rằng, vì sợ nước làm ướt đồng hồ nên mới làm như vậy, nhưng Festinger gắt gỏng nói đó là chiếc đồng hồ không ngấm nước.



Hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt. Vì quá tức giận, Festinger đã không ăn bữa sáng và ngay lập tức lái xe tới công ty. Tuy nhiên, gần tới công ty, anh nhớ ra mình quên mang cặp và quay xe trở về nhà.

Khi về tới nhà, anh không thể mở cửa, vì chìa khóa lại để trong cặp. Trong khi đó, vợ anh đã đi làm và con trai anh cũng đã tới trường. Không còn cách nào khác, Festinger đành gọi điện thoại cho vợ để lấy chìa khóa.

Trên đường về nhà mở cửa cho chồng, do vội vã, chị vợ đã va quệt vào một sạp hoa quả và phải bồi thường cho chủ sạp một khoản tiền rồi mới được đi.
Sau khi lấy được cặp, Festinger đã đến công ty muộn 15 phút. Anh bị sếp phê bình và tâm trạng anh rất tồi tệ. Không những thế, trước khi tan sở, vì một việc rất nhỏ, anh lại cãi nhau với đồng nghiệp.

Vì phải về nhà đưa chìa khóa cho chồng, người vợ đã vuột mất giải thưởng chuyên cần cả tháng. Còn con trai anh, ngày hôm đó có giải thi đấu bóng chày, mà trước đó, cậu  bé hy vọng sẽ đoạt ngôi quán quân. Nhưng vì bị cha mắng, nên tâm trạng không tốt, cậu bé đã không phát huy được khả năng và bị loại ngay từ vòng một.

Trong câu chuyện trên, chiếc đồng hồ bị vỡ là 10% sự việc chúng ta không thể kiểm soát được trong cuộc sống và một loạt việc xảy ra sau đó chính 90% còn lại. Do mọi người trong câu chuyện đều không kiểm soát được 90% này, nên ngày hôm đó đã trở thành “ngày hạn” cho cả gia đình.

Giả sử, sau khi 10% sự việc không thể kiểm soát xảy ra, Festinger không làm những gì như đã làm, mà thay vào đó là một thái độ khác. Chẳng hạn, anh an ủi con trai: “Đừng quá lo lắng về chiếc đồng hồ. Cha sẽ mang đi sửa”. Với thái độ này, con trai anh sẽ vui vẻ, vợ anh cũng thoải mái, bản thân Festinger cũng không bị phiền muộn và những rắc rối sau đó sẽ không xảy ra.

Câu chuyện về chiếc đồng hồ cho thấy, bạn không thể khống chế được 10% trước đó, nhưng lại hoàn toàn có thể dùng thái độ và hành vi của mình để quyết định 90% sự việc phía sau.



Bài học rút ra là, thái độ sống quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Điều quan trọng không phải bạn gặp chuyện gì, mà là cách bạn phản ứng trong hoàn cảnh ấy.

Vy (Tổng hợp)