Covid-19 dưới góc nhìn Lý duyên khởi
“Thật là oan cho thiên nhiên khi chúng ta dùng từ “thiên” tai để mô tả những thảm họa bắt nguồn từ chính hành vi tàn bạo của con người đối với thiên nhiên và muôn loài” - Đức Pháp Vương Gyawang Drukpa
Dịch bệnh đang hoành hành khiến mọi người thấy vô cùng hoang mang, lo lắng. Tâm lý bất an khiến người dân ở nhiều nơi lo tích trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm… để đề phòng dịch bệnh. Đương nhiên chúng ta cần làm tất cả mọi việc trong khả năng để duy trì sự tồn tại của mình, nhưng nếu suy ngẫm kỹ thì điều đó cũng không hoàn toàn đảm bảo. Trên thực tế, chúng ta mới chỉ quan tâm đến các biện pháp phòng chống bên ngoài, dù rất cần thiết, mà chưa quan tâm đúng mức đến các biện pháp phòng chống từ bên trong tâm mình.
Khi phải đối diện với biến cố là lúc chúng ta cần sự bình tĩnh, tỉnh táo hơn bao giờ hết. Vì vậy, chúng ta cần có sự tĩnh tâm để suy ngẫm, thấy rõ thực tại. Dưới ánh sáng Phật pháp, đại dịch hiện tại có thể là khoảnh khắc giúp chúng ta thấm nhuần lời Đức Phật dạy về nghiệp và lý duyên khởi: Mọi sự vật và hiện tượng đều không tự nhiên sinh ra hay mất đi, vạn pháp sinh diệt đều do các nhân duyên. Tất cả những gì xảy ra trên đời này đều có nhân duyên sâu xa của nó, chẳng có gì là tình cờ hay ngẫu nhiên.
Vạn pháp trong vũ trụ trùng trùng duyên khởi, không có một thực thể nào tách biệt và tồn tại hoàn toàn độc lập. Quả thật, chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối và tất cả mọi người, mọi loài đều có mối liên hệ tương hỗ mật thiết, từng hành động nhỏ của mỗi người đều có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng xã hội, dù bạn có nhận ra hay không. Đừng nghĩ rằng cuộc sống của mình độc lập và chẳng hề liên quan đến những người xa lạ. Một cái hắt hơi vô ý từ một đất nước xa xôi nào đó đôi khi là nguyên nhân khiến ai đó ở một nơi khác mất đi người thân. Và khi khủng hoảng nổ ra, tất cả đều phải gánh chịu hậu quả. Chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của lối sống ích kỷ, bàng quan của chính mình.
Con người đang lạm dụng, tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường, giết hại vô số động vật yếu thế để thỏa mãn ham muốn cá nhân, và khi biến cố xảy ra, chúng ta thường phản ứng như những kẻ vô can. Đại dịch bùng phát có thể là một cái giá mà mỗi chúng ta đều có một phần trách nhiệm trong đó.
Đức Pháp Vương Gyawang Drukpa từng nói “Thật là oan cho thiên nhiên khi chúng ta dùng từ “thiên” tai để mô tả những thảm họa bắt nguồn từ chính hành vi tàn bạo của con người đối với thiên nhiên và muôn loài”.
Không ai khác, chính chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Thấu hiểu quy luật nghiệp và nhân quả, chúng ta nhận ra rằng chúng ta có thể đảo ngược được tình thế nếu biết dừng các ác nghiệp, trưởng dưỡng thiện nghiệp, biết sống vô ngã vị tha, tôn trọng thiên nhiên và sự sống của muôn loài.
Những biện pháp kỹ thuật dù tối tân đến mấy cũng chưa thể ngăn chặn triệt để sự lây lan Covid-19. Chỉ có tình đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi người mới giúp chúng ta đẩy lùi dịch bệnh.
Vạn pháp có mặt trong nhau, trong bản thân ta cũng luôn có một phần của cha mẹ, thầy cô, anh em, bạn bè… Đạo Phật cho rằng mỗi chúng sinh đều đã từng là cha mẹ ta từ vô số kiếp. Hạnh phúc của mình luôn gắn liền với hạnh phúc của người khác. Ngược lại, hại người chính là hại bản thân mình.
Tương lai nằm trong tay chúng ta. Đối với quy luật nhân quả, không bao giờ là quá muộn.
(Quang Minh)
- 912 lượt