Điều gì là bi ai lớn nhất của đời người?

Nhà cậu xây to đẹp thế nhưng hơi trống trải nhỉ.’ ‘Con cái cậu đi học nước ngoài thế thì ở nhà buồn lắm nhỉ?’. ‘Nó được thăng tiến nhanh thế chắc lại con ông cháu cha ấy mà.’

Điều mà chúng ta không nhận ra là đằng sau những câu bình phẩm tưởng như bình thường kia đôi khi ẩn chứa một chút ganh kỵ, bất mãn. Khen đấy, nhưng phải có một chút chê bai, 'góp ý' kèm theo thì ta mới vừa lòng.  Phàm là con người, hầu như ai cũng muốn mình hơn người, hoặc ít ra là ‘bằng bạn bằng bè’, ghen tỵ là một dạng cảm xúc rất bản năng, ăn sâu vào tâm trí mỗi người. Ngay từ khi còn chập chững tập đi, trẻ nhỏ đã bắt đầu biết ‘ghen’ khi thấy mẹ ôm ấp người khác.

Không dữ dội, bộc phát như sân giận, tâm tật đố, ganh tỵ ngấm ngầm, ranh mãnh và khó nhận diện. Nó thường được che đậy bởi những lời nói hoa mỹ, có vẻ cảm thông hay hiểu biết, nhưng lại âm thầm gặm nhấm niềm vui của chúng ta. Bởi vậy, Đức Phật dạy rằng bi ai lớn nhất của đời người là ganh tỵ.

Ghen tỵ thường bắt nguồn từ lòng tham và sự thiếu tự tinVì tham nên chúng ta không bao giờ biết đủ và trân trọng những gì mình đang có. Vì thiếu tự tin, không biết giá trị của bản thân nên chúng ta thích so sánh mình với người khác, dùng ai đó làm hệ quy chiếu để cảm thấy yên tâm. Đằng sau lời thăm hỏi bạn bè lâu năm không gặp, có thể là mong muốn ngầm so sánh xem anh ấy có làm ăn tốt hơn mình không, hôn nhân có hạnh phúc hơn mình không v.v. Và nếu họ thành công vượt trội thì thay vì hoan hỷ, chúng ta cảm thấy ‘bất an’ ngay, rồi lại tự vỗ về cái tôi của mình bằng cách nhủ rằng mình không giàu nhưng đạo đức, lương thiện hơn, ‘bọn nó giàu thế chắc là làm ăn bất chính.’ hay ‘may hơn khôn’. Chúng ta dường như khó chấp nhận thành công của người khác một cách tự nhiên, không thêm bớt.

Cũng vì tư duy so sánh hơn thua mà con người có một thứ ‘khoái cảm’ rất rất lạ lùng là thích thấy người khác thất bại hoặc ít nhất là thua kém mình. Chê bai người khác giống như một liều an thần khiến ta cảm thấy dễ chịu trong chốc lát. Dìm người khác xuống cho ta ảo tưởng rằng mình cao hơn.

Vì ganh đua, đố kỵ nên cả cuộc đời chúng ta ra sức chạy ra bên ngoài, tìm kiếm, so sánh, uổng phí tất nhiều năng lượng vô ích mà không biết tri ân những gì mình đang có, không khơi được nguồn hạnh phúc vốn sẵn có nơi mình. Đó quả là điều đáng buồn.

Nếu để sự ganh đua, đố kỵ trở thành động lực mạnh nhất thúc đẩy chúng ta sống và làm việc, chứ không phải tinh thần trách nhiệm, đam mê hay tình yêu thương, sự sẻ chia, thì cuộc sống thật mệt mỏi và vô nghĩa. Chúng ta tự biến cuộc đời này thành một cuộc đua mà không hề nghĩ rằng rốt cuộc, cái đích phía trước chính là cái chết, vậy thì cố chạy thật nhanh về phía cuối con đường ấy liệu có phải là sự lựa chọn khôn ngoan? Muốn thực sự hạnh phúc, hãy cảnh giác với tâm đố kỵ và dừng mọi so sánh.

Hoan hỷ, vui theo thành công, niềm vui của người khác, bớt so sánh hơn thua chính là một trong những nghệ thuật sống hạnh phúc. Khi sống với lòng biết ơn, tâm yêu thương rộng mở, niềm vui sẽ được nhân lên và chúng ta sẽ tận hưởng được từng khoảnh khắc của cuộc sống quý giá này một cách trọn vẹn. Đó chính là ý nghĩa đích thực của cuộc sống.


(Pháp Nhiên)