Khi lương thiện là một sự lựa chọn

Đạo Phật không ép buộc và không hứa hẹn với những người học Phật, sẽ ban thưởng người làm thiện và trừng phạt người gây tội lỗi. Điều nên cần hiểu rõ là: mỗi người phải chịu đau khổ vì những hành động sai lầm của chính mình và thọ hưởng những lợi ích do hành động chân chánh của mình đem lại.

Thế giới này giống như một bức tranh sinh động, biến chuyển không ngừng. Vạn vật xuất hiện như đang tô vẽ thêm màu sắc cho bức tranh ấy, có đậm, có nhạt, có hoa, cỏ cây lá và có cả hình ảnh con người. Cái khéo là chúng ta tô vẽ làm sao cho hài hòa mà người xem cảm thấy yêu thích nó. Cũng như trong cách sống, làm sao để có được một đời sống an lành, hạnh phúc và luôn vui tươi yêu đời. Nó phụ thuộc vào tâm mỗi người khi chúng ta lựa chọn cho mình một suy nghĩ tâm tư tốt đẹp hay xấu xa, ác độc hay lương thiện...
Mọi khổ đau trong cuộc đời này đều bắt nguồn từ sự ích kỷ, tham lam, ganh tỵ mà ra. Cho nên, chỉ có tâm từ bi được hình thành trên tình yêu thương bình đẳng, không toan tính vụ lợi mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn.
 
Vậy tâm thiện là gì? Tâm thiện là tâm tư suy nghĩ luôn luôn mong muốn những điều tốt đẹp, hạnh phúc sẽ đến với bản thân và cho người khác trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Với tâm ác độc xấu xa thì ngược lại, là tạo ra những điều khó khăn, đau khổ, trở ngại cho kẻ khác, chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích của kẻ khác, là tâm hồn chứa đựng những ích kỷ, hẹp hòi.

Không ai sinh ra trên đời lại hy vọng mình bất hạnh, khổ đau. Ai ai cũng mong rằng bản thân sẽ luôn gặp may mắn, thuận buồn xuôi gió. Nhưng cuộc sống này vốn dĩ là đã không trọn vẹn, muốn có được hạnh phúc thì bắt buộc phải tạo ra nó. Giống như chúng ta trồng cam thì cho trái ngọt, trồng ớt thì cay… và hạnh phúc chỉ được ươm mầm từ những con người lương thiện và tâm hồn thiện mà thôi.

Nguồn giáo lý nhiệm mầu trong đạo Phật dành cho hàng Phật tử như là thước đo chuẩn mực đạo đức và xây dựng nhân cách con người. Trong Bát chánh đạo có Chánh tư duy cùng với Chánh kiến, giúp người học Phật thường xét nghĩ đạo lý, suy tìm thể tánh nhiệm mầu của từ, bi, hỷ, xả, biết xét những hành vi lầm lỗi để sám hối, biết suy xét vô minh và nguyên nhân đau khổ là nguồn gốc của tội ác và tìm phương pháp đúng đắn để tu hành, hầu giải thoát cho mình và cho những người chung quanh.
Nếu mọi người đều hiểu được quy luật này, thì có lẽ sẽ không còn cái tham của người giàu và lòng ganh tị của người nghèo. Kết quả sẽ là một sự chia sẻ tình thương có lợi cho nhân loại qua sự bình đẳng.

Mọi khổ đau trong cuộc đời này đều bắt nguồn từ sự ích kỷ, tham lam, ganh tỵ mà ra. Cho nên, chỉ có tâm từ bi được hình thành trên tình yêu thương bình đẳng, không toan tính vụ lợi mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn. Không ai có thể ép buộc hay bức chế chúng ta làm điều gì cả mà chỉ có bản thân ta muốn hay không muốn làm nó mà thôi. Và đó là khi mỗi người biết đặt lợi ích của kẻ khác lên trên lợi ích cá nhân, khi biết đặt mình vào vị trí của họ để suy xét cảm nhận vấn đề. Và khi mọi người đều hành động như vậy với nhau là khi chúng ta lựa chọn cho mình lối sống lương thiện, và cùng dành tặng cho nhau hạnh phúc trọn vẹn dựa trên nền tảng giáo lý Phật đà.

Đạo Phật không ép buộc và không hứa hẹn với những người học Phật, sẽ ban thưởng người làm thiện và trừng phạt người gây tội lỗi. Điều nên cần hiểu rõ là: mỗi người phải chịu đau khổ vì những hành động sai lầm của chính mình và thọ hưởng những lợi ích do hành động chân chánh của mình đem lại.

(Tâm Thế)