Lương y và lương tâm
Lịch sử y học cổ truyền cũng như hiện đại từng có nhiều thành công và thất bại. Sự phát triển của y khoa vốn là trách nhiệm và niềm tự hào lớn lao của con người. Người ta không ngừng nghiên cứu phát triển vô số loại thuốc mới để điều trị bệnh nan y hay cách căn bệnh lạ mới xuất hiện. Bởi trong khi y học tiến bộ dần, vi khuẩn và bệnh dịch cũng không ngừng biến chuyển theo xu hướng ngày càng đa dạng và phức tạp.
Tôi rất thán phục các bác sỹ đông y cũng như tây y, bởi tinh thần quyết tâm cứu giúp những người mắc bệnh hiểm nghèo. Chẳng ai muốn mình bị bệnh, bởi ốm có nghĩa là bạn bước lại gần cái chết. Cho dù bạn rất giàu có, nhiều tiền của và đầy khả năng, bạn cũng chẳng thể làm được gì nếu không có sức khỏe. Chính vì vậy nên xã hội nào cũng coi trọng nghề y. Chúng ta đặt niềm tin vào bác sỹ, bởi mạng sống của chúng ta phụ thuộc vào họ.
Gần đây, tôi cùng một số đạo hữu và đệ tử đã có vài trải nghiệm khiến chúng tôi phải đặt câu hỏi về động cơ của một số bác sỹ và bệnh viện. Một vài đạo hữu và đệ tử của tôi được khuyên nên phẫu thuật, chẳng phải vì điều đó có lợi cho bệnh tình của họ, mà chỉ vì các bác sỹ và bệnh viện coi đó là “công việc kinh doanh”. Tôi cảm thấy hiện nay hầu hết người ta chỉ định các cuộc phẫu thuật hay kê những loại thuốc đắt tiền nhằm tăng thêm lợi nhuận để từ đó có thể trang trải cho bản thân một lối sống khiến nhiều người ngưỡng mộ. Hầu hết các trường hợp bị u hay hạch đều được yêu cầu phẫu thuật và đa số các trường hợp ung thư đều được chỉ định điều trị bằng hóa trị hay xạ trị. Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị được coi là giải pháp thích đáng để chấm dứt căn bệnh. Thế nhưng trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân vẫn phải chịu những tác dụng phụ từ các phương thức điều trị này. Nhiều khi, sinh mạng của người bệnh bị hủy hoại bởi chính những phương pháp điều trị hoặc chỉ định thuốc sai lầm.
Tôi không nói rằng những phương pháp điều trị hiện đại này không có tác dụng hay không thể chữa bệnh. Tôi chỉ nghi ngờ động cơ của các bác sỹ, phòng khám và bệnh viện. Liệu những phương thức điều trị của họ được đưa ra trên cơ sở có lợi cho bệnh nhân, hay để phục vụ cho chính nhu cầu vật chất và hoạt động tư lợi của họ? Vì vậy, bác sỹ và bất cứ ai theo học nghề y đều nên giữ vững tâm niệm đặt mục tiêu chữa bệnh cũng như lợi ích của người bệnh lên hàng đầu, tất cả những mục tiêu khác đều phải coi là thứ yếu.
Như tôi vẫn nói, chúng ta cần luôn kiểm chứng động cơ trong mỗi hành động của mình. Một việc tưởng chừng lợi ích có thể gây tổn hại chỉ vì động cơ vị kỷ của chúng ta. Tôi luôn sợ mình đi chệch khỏi con đường chính pháp, bởi khi nắm giữ trọng trách bậc thầy tâm linh, chúng tôi có bổn phận phải theo dõi và đảm bảo sự lành mạnh về tâm linh của phật tử và vì chúng sinh vốn đặt trọn niềm tin vào chúng tôi. Nếu chỉ tìm kiếm những lợi ích vật chất và thành công trong đời này, nếu không tin vào quy luật nhân quả và vào các đời sau, lẽ đương nhiên chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì lợi ích bản thân và chẳng thèm để tâm gì tới lợi ích hay thậm chí sự sống còn của những người khác. Song tin buồn là dù bạn có tin hay không, quy luật của vũ trụ cũng chẳng hề thay đổi. Quy luật vũ trụ vận hành dựa trên nhân quả, nhân duyên và nghiệp báo. Những mối liên hệ này thường phức tạp đến mức có những việc nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Chúng ta chẳng làm được gì để thay đổi những nghiệp mình đã tạo ra trong quá khứ. Đôi khi, chúng ta quá bận rộn để tháo gỡ và trả quả nghiệp của những đời quá khứ mà bản thân chúng ta chẳng thể nào nhớ được mình đã tạo ra những gì.
Chúng ta cần kiểm soát để mọi hành động của mình đều xuất phát từ động cơ mang lại lợi ích cho mọi người, đồng thời luôn tạo tấm gương tốt cho những người khác noi theo. Bất cứ lúc nào nghĩ về điều này, tôi đều cảm thấy buồn. Kiểm soát những tham muốn của mình hay giữ vững những ý niệm tích cực quả thực là một công việc chiếm trọn quỹ thời gian. Tâm của chúng ta vốn hoang dã bất kham. Tôi thấy cách người đời dùng hai từ “mất trí” thật rất đúng, bởi quả thực tâm trí luôn tuột khỏi tầm kiểm soát mỗi khi những tham muốn bùng lên xâm chiếm chúng ta.
Bất cứ khi nào bạn làm gì, hãy suy nghĩ và kiểm chứng thật kỹ. Liệu việc chúng ta làm sẽ chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, chúng ta có nghĩ gì tới những người khác hay không? Liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả? Cuộc sống thật vô cùng nhiều thử thách. Hoàn cảnh bên ngoài có thể rất khó khăn, song việc kiểm soát tâm chúng ta còn khó hơn vô vàn lần. Nếu có thể giữ tâm mình đi đúng hướng, thì chỉ riêng việc đó đã khiến chúng ta có được một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa và tràn đầy lợi ích.
- 100 lượt