Tại sao chia buồn với người thất bại lại dễ hơn chia vui với kẻ thành công?

Có khi nào bạn để ý rằng: Trong cuộc sống của mình, chúng ta có thể vui vẻ giúp đỡ một người nghèo khó xa lạ. Tuy nhiên, thực sự cảm thấy hoan hỷ và trân trọng trước một người thành công, may mắn hơn mình là điều không hề dễ dàng, trừ khi người đó là người rất thân với chúng ta, người chúng ta xem là của mình, ‘con tôi’, ‘anh chị em tôi’, ‘bạn của tôi’. Thậm chí để chân thành chia vui và khen ngợi với một người bạn thành đạt cũng không hề đơn giản. Tại sao lại trớ trêu vậy? Đơn giản bởi vì khi giúp người khác bớt khổ, cái tôi hay bản ngã được thổi phồng lên khiến chúng ta thích thú, còn chia sẻ thành công với ai đó buộc cái tôi của chúng ta thu nhỏ lại, và điều đó khiến ta khó chịu.

Vì chấp trước vào cái tôi - bản ngã nên con người luôn có xu hướng so sánh hơn thua, từ đó phát sinh tâm đố kị. Tâm đố kị khiến chúng ta khó công nhận thành công của người khác. Ẩn sâu phía dưới lời chúc mừng một người bạn thành công là một chút bất an hay chạnh lòng. Chừng nào ai đó đạt được thành công vừa phải, hoặc chưa bằng mình thì chúng ta có thể dễ dàng chúc mừng họ, bởi ở một mức độ vi tế nào đó, sự chia sẻ của chúng ta giống như sự ban phát của kẻ ‘trên cơ’. Nhưng đối với người giàu có hơn mình, thành đạt hơn mình, hạnh phúc hơn mình, câu chúc thật lòng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Tệ hơn nữa, nhiều người sẵn sàng chờ dịp để dè bỉu, hạ thấp thành công của người khác. Họ không thể chấp nhận ai đó hơn mình. Chúng ta thấy rất rõ điều này trong cuộc sống hàng ngày. Khi bắt gặp tin tức về thất bại của một nhân vật tên tuổi nào đó trên mạng xã hội, hay một vị đại gia nào đó bị phá sản, nhiều người rất hả hê, thả ‘mặt cười’ kèm những lời bình luận tiêu cực. Đó là cách họ ve vuốt bản ngã của mình. Tuy nhiên, cái tôi tưởng chừng rất cao ngạo đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài che đậy sự thiếu tự tin và tâm lý bất an bên trong.

Tâm đố kị gieo vào trong tâm ta hạt giống thất bại, ý niệm chúng ta thua kém người khác, do vậy nó ngăn cản thành công, cơ hội lớn hơn đến với chính mình. Ai đó từng nói rằng ‘Bạn không thể vừa ganh tỵ vừa hạnh phúc’. Người thực sự tự tin và thành công thì không ghen tỵ với người khác.

Đức Phật dạy rằng chúng ta không thể thành công, không thể có được hạnh phúc bền lâu nếu không biết vun trồng hạnh phúc cho người khác, không biết vui với hạnh phúc của người khác. Để đối trị thói đố kỵ, chúng ta cần học hạnh tuỳ hỷ, có nghĩa là vui theo hạnh phúc, thành công của người khác. Theo quan kiến Đạo Phật, nếu có hai người, một người giàu có bố thí cúng dường của cải và một người nghèo không bố thí mà chỉ tuỳ hỉ công đức của người kia thì phước đức của họ là như nhau. Tại sao vậy? Bởi người bố thí xả bỏ tâm tham, còn người tùy hỷ xả tâm tật đố, nên phước đức không khác. 

Người biết tuỳ hỷ thì luôn sống vui vẻ, hoan hỷ bởi hạnh phúc của người cũng trở thành hạnh phúc của mình. Đó là cách sống của người khôn ngoan. Tâm người tuỳ hỷ luôn rộng mở, khoáng đạt. Thay vì so sánh với người khác, họ không ngừng nỗ lực để vượt lên chính mình. Khi dẹp bỏ cái tôi nhỏ mọn, chúng ta sẽ vô tư chấp nhận người khác dù là người yếu thế hay thành công hơn mình.

Tâm ganh tỵ rất tinh vi và ăn sâu trong tiềm thức mỗi người. Bởi vậy, mỗi phút giây trong đời sống, chúng ta cần tỉnh táo quán xét tâm mình, không để lòng đố kị âm thầm chi phối và bào mòn hạnh phúc của mình.


(Pháp Nhiên)