Tứ trọng ân – Nền tảng hạnh phúc
Học theo lời Phật dạy, biết sống tri ân chính là nền tảng của hạnh phúc chân thật.
Theo kinh điển nhà Phật, sống ở trên cõi đời này, người nào cũng thọ nhận bốn thứ ơn lớn, lúc nào cũng phải nên biết lo đền đáp, bằng sự cung kính, cúng dường và phụng sự . Bốn thứ ơn lớn, cũng gọi là tứ trọng ân, đó là: 1. Ơn cha mẹ - 2. Ơn chúng sanh - 3. Ơn quốc gia - 4. Ơn tam bảo.
1. Cha mẹ sanh thành dưỡng dục rất khổ công, cực nhọc, trong nhiều năm tháng dài, chúng ta mới có được như ngày nay. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn cha mẹ, bằng sự cung kính, phụng dưỡng vật chất cũng như tinh thần, nhưng quan trọng hơn cả, chính là giúp đỡ cha mẹ hiểu biết Chánh Pháp, sớm ngộ Chánh Đạo, vĩnh viễn thoát ly phiền não khổ đau, sống đời an lạc hạnh phúc. Chỉ vì bênh vực vợ con, bênh vực chồng con, hoặc chỉ vì một lời khiển trách, một sự bất như ý, chẳng hạn như cha mẹ chia của cải không đồng đều như ý muốn, nhiều người trên thế gian này phủi sạch tất cả những ân nghĩa của cha mẹ từ xưa đến nay, từ cha bỏ mẹ, không nuôi không dưỡng, không thèm săn sóc, không hề thăm viếng, không muốn nhìn nhận, đôi khi còn trở mặt oán thù, thậm chí sát hại, tranh giành tài sản! Đó là trọng tội hàng đầu trong ngũ nghịch tội.
2. Chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại mà tất cả mọi người đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bên cạnh gia đình, có biết bao người đang sống chung quanh, giúp đỡ chúng ta đủ mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần. Nhờ người nông dân chúng ta có cơm ăn, nhờ người công nhân chúng ta có áo mặc, có xe đi, có đồ dùng, có nhà ở. Nhờ người thầy thuốc, y tá, sức khỏe chúng ta được chăm sóc, nhờ người thầy giáo, kiến thức chúng ta được mở mang, trí tuệ sáng suốt. Chúng ta biết ơn tổ tiên, những người đi trước, những người đã phải hy sinh sương máu để chúng ta có được cuộc sống hôm nay. Chúng ta mang ơn cả những loài động vật, như trâu bò cày ruộng, con ngựa kéo xe, con chó giữ nhà… Đó là chưa kể những loài động vật yếu thế tội nghiệp mà con người giết thịt để nuôi cái thân mình. Chúng ta nợ chúng sinh rất nhiều.
Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn xã hội, bằng sự cống hiến, chia sẻ, giúp người giúp đời, làm tất cả mọi sự mọi việc ích lợi cho mọi người, không phung phí thực phẩm, sản phẩm, của cải, vật dụng, dù do chính mình bỏ tiền ra mua. Tại sao vậy? Bởi vì, đó là công sức, là tài nguyên của xã hội, và nhiều người khác đang thiếu thốn, nhiều chúng sanh khác đang cần những thứ đó.
3. Chúng ta sống trong một đất nước hòa bình, thiên nhiên tươi đẹp, có những phúc lợi nhất định, những người đọc được bài này hẳn cũng đang có một cuộc sống tương đối sung túc tiện nghi, cơm no áo ấm. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn quốc gia, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, làm tròn bổn phận của một công dân lương thiện, làm người có lương tâm chức nghiệp, góp phần xây dựng đất nước, không gây đau khổ cho những người khác sống chung quanh, không làm những chuyện lợi mình hại người.
4. Sau hết trên hết, những người trải đời, dù già hay trẻ, thấy được vô thường, hiểu biết nhân quả, tội nghiệp phước báu, có được chánh kiến, do ơn Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng. Đạo Phật không chỉ dạy con người điều gì khác ngoài lòng từ bi và trí tuệ. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn Tam Bảo, bằng sự tinh tấn tu tập, cung kính cúng dường, bằng cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp, chấm dứt tạo tội tạo nghiệp, bằng cách giúp đỡ người khác tu tâm dưỡng tánh, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Những bài học về ân nghĩa này nhiều người cho rằng giống như những bài học đạo đức dành cho trẻ con, nhưng thực ra người lớn cũng rất cần suy ngẫm để cuộc sống, xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Chính Trực
(Theo buddhismtoday.com)
- 952 lượt