Vì sao tham ái là nhân đau khổ?

Tâm tham ái là tâm ham thích, yêu mến hay tiếc rẻ một điều gì đó.

1. Một người đến gặp Bậc trí tuệ và hỏi: Thưa Ngài, Ngài có thể lấy một ví dụ để chứng tỏ rằng :

Tham ái là nguồn gốc sinh ra khổ đau hay không ạ ?Bậc trí tuệ đáp ngay:

Được. Nếu trong xóm ông có một bà cụ già mất thì ông có buồn không ?

Người phàm tục trả lời:

Dạ, nếu cụ già ấy là thân nhân của con thì con rất đau buồn ạ.

Còn hàng xóm không phải thân nhân thì không buồn lắm, chỉ cảm xúc sơ sơ.

Ngay sau câu trả lời ấy, Bậc trí tuệ nói:

Thì đó, chính tham ái, nó là yếu tố đưa đến khổ đau rồi.

Vì ông yêu quý thân nhân nên mới sinh tâm quyến luyến, và hình thành khổ đau khi tử biệt.
 
2. Có hai cô cậu thanh niên mới lớn ở cùng một khu phố. Lúc đầu hai người cũng biết nhau vậy thôi, chứ chưa chơi thân.Lần nọ, trong một dịp tình cờ hai người đi xe máy ngang qua nhau, cô gái bị ngã xe do vấp phải ổ gà. Chân tay bị chầy xước, chảy máu. Chàng trai thấy thế, vội dừng xe, rồi giúp cô lúc khó khăn.

Khi ấy tâm cậu cũng khởi một chút tình thương.

Khi vào học đại học, hai người lại chung trường, ở gần khu ký túc xá.

Gặp hoài, lại đồng hương, thế là họ phát sinh tình cảm và yêu nhau thắm thiết, không rời.

Vậy là từ người dưng, họ trở thành người tình của nhau.

Rồi một ngày nọ, cô gái lại bị tai nạn giao thông, cũng chảy máu sơ sơ thôi.

Nhận được điện thoại của bạn gái, chàng trai hốt hoảng, tâm bấn loạn, không yên. Vội chạy đến và la lên:

Ôi, có sao không……đau không…..

cậu thở thì thào….lòng lo lắng, đau khổ….

Các bạn thấy đó, một khi tâm tham ái có mặt, tâm chấp giữ hiện diện, lập tức phát sinh đau khổ.

Nên khi nào tâm tham ái chưa đoạn trừ, khi đó khổ đau luôn tiềm ẩn.

3. Một người đến cửa hàng điện thoại để mua một chiếc Iphone đời mới đắt tiền.Không lúc bán hàng, vì sơ ý, nhân viên đã làm rơi điện thoại xuống đất một cái bốp.

Vị khách thấy điện thoại rơi, thốt lên đồng cảm: Ôi, rơi rồi, sao thế anh…..

Cũng là cái điện thoại ấy, nhưng nếu là điện thoại mình vừa mua, các bạn thấy sao? Chắc chắn chúng ta sẽ rất tiếc nuối, rối loạn, hay thậm chí tức giận…

Rõ ràng khi chúng chưa trở thành tài sản của mình, tâm tham ái chưa có, thì không khổ đau hoặc ít khổ đau.

Nhưng một khi nó thuộc về mình, phát sinh tâm tham ái, và có chấp giữ, tiếc rẻ, … thì đau khổ đã hiện diện có mặt.

Nghệ thuật sống hạnh phúc chính là buông bỏ tham ái bám chấp

Bởi vậy, Phật dạy rằng, gốc rễ của mọi đau khổ của con người đều bắt nguồn từ tâm chấp ngã. Vì chấp vào cái thân tâm này là mình, chúng ta bắt đầu phân biệt ta – người, rồi bám chấp vào cái ‘của tôi’: gia đình tôi, tài sản của tôi, danh tiếng của tôi… Mọi tham ái của con người đều nhằm thoả mãn cái tôi hư vọng này. Bởi vậy, khi những thứ này bị đụng chạm là chúng ta lập tức đau khổ và đủ thứ cảm xúc buồn, thương hận, ghét, tiếc nuối… trỗi dậy. Cả cuộc đời chúng ta bị trầm chìm trong khổ đau của những xúc tình phiền não này.

Trái với tình yêu hạn hẹp, sự tham ái chấp trước vào cái tôi nhỏ hẹp, vị kỷ ấy, các bậc trí tuệ sống với tâm vô ngã vị tha. Tâm các Ngài vô biên rộng lớn và bao trùm hết thảy chúng sinh, vạn vật, không còn bất cứ sự dính mắc nào. Vì thế mà các ngài luôn an lạc tự tại trước mọi sóng gió cuộc đời.

Do vậy, nghệ thuật sống hạnh phúc an lạc chính là buông xả dần những tham ái, mong cầu bám chấp. Biết tri ân những gì mình đang có, xem nhẹ cái tôi phù phiếm, chuyển hoá tâm tham ái ích kỷ thành tình yêu thương hướng đến mọi người, mọi loài chính là chìa khoá mở cánh cửa hạnh phúc lâu bền.

 
(Nhuận Hòa)