Xả bỏ những nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời
Những nỗi lo âu sợ hãi của chúng ta thường bắt nguồn từ ba nguyên nhân: người khác, cái chết và chính tâm ta.
Chúng ta lo sợ những gì người khác có thể gây ra cho mình: những hành động, lời nói của họ sẽ tác động tới cảm xúc của ta như thế nào, họ sẽ khen hay chê, sợ sẽ bị bỏ rơi hoặc cô đơn, sợ không được yêu quý, chúng ta sợ cả những điều người khác có thể nghĩ hay nói sau lưng mình.
Cái chết là một nỗi sợ cố hữu mà ngày nay hầu hết mọi người đều không muốn đề cập tới, dù đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc đời mỗi người. Tâm chấp ngã của chúng ta luôn tìm kiếm cảm giác an toàn, được che chở, vì lẽ đó nên đương nhiên cái chết trở thành nỗi sợ hãi lớn hơn mọi thứ trên đời. Thế nhưng chúng ta lại chuẩn bị quá ít để có thể đối diện với nỗi sợ đó. Triết lý đạo Phật rất chú trọng việc hướng dẫn con người sống tốt để có được một cái chết tốt đẹp. Để được như vậy, chúng ta phải biết chấp nhận cái chết, dùng sự thật về điều chắc chắn đó như một động lực để chúng ta luôn cố gắng nỗ lực trong suốt cuộc đời này.
Hãy trực diện tâm với thái độ vô úy và đừng để những gì khám phá được khiến bạn hoảng hốt bởi đó chỉ là tiếng nói của bản ngã. Ngay cả khi tìm thấy sự đau khổ trong tâm, bạn cần tỉnh thức rằng khổ đau luôn tồn tại. Điều này giúp bạn có cơ hội hoàn thiện bản thân, bước thêm một bước mới trên hành trình của mình. Hãy biết kiên nhẫn với tâm phân tán vọng động cả trong khi thiền định và kiên nhẫn với những sợ hãi của chính mình. Đừng bối rối hay hổ thẹn vì chúng, ngược lại, hãy trải nghiệm và dần dần nhìn nhận đúng bản chất của những xúc tình này.
Rất nhiều người tiếc nuối vì lẽ ra họ đã làm được bao điều tốt đẹp nếu có thể quẳng gánh âu lo và sợ hãi. Nhưng thay vì tìm cách phớt lờ sợ hãi, bạn cần nhìn thẳng vào bản chất của sợ hãi, biết chấp nhận và vượt qua chúng.
Nếu có thể nhìn nhận sợ hãi, lo âu từ một góc độ khác, bạn sẽ thấy nó ẩn chứa điều gì đó hết sức hứng khởi, là điều chúng ta thực sự muốn làm trong cuộc đời. Bởi lẽ nỗi sợ hãi thường gắn liền với hy vọng, chúng ta sợ hãi kết quả tiêu cực, cũng giống như chúng ta hy vọng vào kết quả tích cực.
Người sợ phải kết hôn cũng là người hiểu rõ những điều tốt đẹp hứa hẹn của cuộc hôn nhân hạnh phúc với tình yêu và sự cam kết song cũng từng gặp nhiều chướng ngại từ những mối quan hệ quá khứ không thành. Như thế, trong nỗi sợ luôn tiềm ẩn niềm hạnh phúc hy vọng, nơi chúng ta e ngại thất bại, đổ vỡ cũng chính là nơi tiềm ẩn khả năng thành công. Và chúng ta sợ đánh mất những điều tốt đẹp đang có được đến mức chúng ta thường quên mất việc hân hưởng những điều tốt đẹp ấy.
Khi quyết định chạy trốn âu lo sợ hãi, bạn không nên luyến tiếc hay xấu hổ. Nhưng tại sao bạn không trực diện đối mặt với chúng và biến chúng thành nguồn cảm hứng và động lực cho chính mình? Các xúc tình này nắm giữ toàn bộ tiềm năng phát triển, và trong hầu hết mọi trường hợp, chúng không hề đáng sợ như ta tưởng. Điều đó giải thích tại sao bạn cần luôn nhắc nhở mình về bản chất vô thường của cuộc sống.
(Mai An biên tập)
- 327 lượt