Ý NGHĨA MANDALA TRONG PHẬT GIÁO KIM CƯƠNG THỪA

Mandala - nghệ thuật độc đáo của kim cương thừa
 
Mandala là "luân viên cụ túc", nghĩa là hàng loạt những vòng tròn đồng tâm, nêu biểu cho tự tính Phật viên mãn, cho cảnh giới Giác ngộ của hải hội chư Phật, chư Bồ tát, Bản tôn, và tượng trưng cho những phẩm chất Giác ngộ của chư Phật.
 
Đức Phật đã dạy rằng: người nhìn thấy Pháp là thấy Phật, người nhìn thấy Phật là thấy Pháp giác ngộ, người nhìn thấy Pháp là thấy Mandala, Thân Khẩu Ý Giác ngộ của Phật. Chính vì thế, kiến trúc Mandala Phật giáo là sự thể hiện hợp nhất của vũ trụ bên ngoài với thân Giác ngộ của đức Phật, đồng thời cũng là cảnh giới Tịnh độ, nơi vân tập của hải hội chư Phật.
 
Mỗi Mandala đều có một Bản tôn riêng an trụ trong kiến trúc hình vuông được đặt đồng tâm bên trong những vòng tròn này. Hình vuông hoàn hảo của Mandala nêu biểu cho không gian tuyệt đối của trí tuệ và từ bi hợp nhất.
 
Cấu trúc hình vuông này có bốn cổng được vẽ rất tỉ mỷ biểu trưng cho Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Mỗi chiếc cổng được trang hoàng bằng những chiếc chuông, tràng hoa và các họa tiết trang trí nêu biểu cho những phẩm chất Giác ngộ. Hình vuông này xác lập nên kiến trúc của Mandala giống như một cung điện hoặc một ngôi chùa có bốn mặt. Gọi là cung điện bởi vị trí trung tâm Mandala cũng là nơi an trụ của vị Phật Bản Tôn chính, xung quanh là Daka, Dakini, Hộ pháp, Tôn thiên, Bồ tát Thánh chúng. Song đây cũng chính là một ngôi chùa bởi nơi này chứa đựng tinh túy Phật Pháp Tăng.

Mandala - sự hợp nhất của Từ bi và Trí tuệ
 
Mandala là thuật ngữ của Phật giáo Kim Cương thừa, nghĩa là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Theo nghĩa đen, Mandala chính là vũ trụ, bao gồm  vòng bên ngoài và phần trung tâm tinh túy. Mandala như thể là toàn bộ vũ trụ tràn ngập tình thương yêu với tâm điểm là trí tuệ.

Nếu giải nghĩa của từ Mandala trong tiếng Phạn thì chữ «Man» biểu trưng cho tâm và chữ “dou” (hay “dala”) biểu trưng cho các hoạt động công hạnh. Vậy nên, tâm từ bi cần phải được hiện thực hóa qua các hoạt động của tình yêu thương đích thực.
 
Mandala là cách thức đặc trưng của Kim Cương thừa, vì nguyên lý của Kim Cương thừa là hợp nhất tất thảy Tiểu vũ trụ (vũ trụ bên trong) và Đại vũ trụ (vũ trụ bên ngoài) vào sự thực hành. Ví dụ, nếu muốn thực hành pháp tu về Phật Quan Âm, bạn cần tập trung vào tâm từ bi và cần hợp nhất hết thảy Pháp giới vào phương pháp trưởng dưỡng tâm từ bi. Bởi vậy, trong Kim Cương thừa, thực hành Mandala rất quan trọng.
 
Theo đó, khi thực hành các pháp tu Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Quan Âm, Trí tuệ Văn Thù hay Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh, chúng ta tu tập với phương pháp hợp nhất toàn bộ vũ trụ vào sự hiểu biết, nhất tâm vào sự giác ngộ. Kim Cương thừa sử dụng Mandala để hợp nhất toàn bộ vũ trụ trong sự thực hành với mục đích chính để khai triển tâm từ bi và trí tuệ. Khi Từ bi - Trí tuệ viên mãn đủ đầy và được hợp nhất trong tâm thì lúc đó hành giả sẽ chứng đạt giác ngộ.

Mandala được làm bằng các chất liệu khác nhau. Ngày nay, mọi người thường  nói về Mandala cát vì dường như chất liệu này có tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, Mandala  còn được vẽ thành tranh, trên giấy. Bạn cũng có thể xây dựng các kiến trúc như nhà ở, Bảo tháp, tự viện theo đồ hình Mandala. Tất cả những hình thức Mandala bên ngoài nói trên có ý nghĩa biểu tượng, còn Mandala thực sự chính là vũ trụ. Toàn bộ sự vật, hiện tượng được hợp nhất trong Mandala.

Một Mandala thực sự chính là tự tính tâm giác ngộ của mỗi chúng ta. Nhiều người không hiểu biết chút gì về giác ngộ. Họ cho rằng giác ngộ là thứ gì như sự tĩnh tại bất động hay một vầng hào quang rực rỡ hiện trên đỉnh đầu ai đó. Đó là hiểu biết sai lầm. Giác ngộ không là gì khác ngoài sự hợp nhất của toàn thể vũ trụ vào trong thiền định. Thời điểm bạn chứng đạt sự hợp nhất của Từ bi và Trí tuệ mới là sự giác ngộ chân chính. Qua các biểu tượng và đồ hình siêu việt, phẩm chất và tự tính giác ngộ được hiển lộ trong Mandala, việc thực hành thiền định Mandala sẽ giúp chúng ta dần chứng đạt mốc thành tựu tâm linh cao nhất này.

Tại trung tâm của Mandala, bạn sẽ thấy hình của Đức Phật Bản tôn hoặc chủng tử tự của Bản tôn mà bạn thực hành. Tùy từng Bản tôn thiền định, chữ chủng tử có thể là “OM”, “HUNG” hay là “SHRI” như Mandala Đức Quan Âm tại đây hoặc bất kì chữ chủng tử giác ngộ nào khác. Các Bản tôn an tọa tại trung tâm Mandala và kết các Mật ấn khác nhau, có khi là ấn Thí Vô Úy, Hộ trì, Kim cương, đôi khi Ngài cầm các pháp khí Tam Muội Da như liên hoa, bảo bình hay tràng hạt, v.v... Những biểu tượng ở trung tâm Mandala đều biểu trưng cho trí tuệ hiểu biết.
 
(Theo Drukpavietnam.org)