9 việc làm hao tổn phước đức của bản thân

Cổ nhân cho rằng đức là ngọn nguồn của hết thảy phúc báo, vì vậy thủ giữ đức và tích đức là việc vô cùng quan trọng mà ai ai cũng cần ghi nhớ. Dưới đây là 9 sự tình không nên làm để tránh tổn hại âm đức của bản thân.

1. Bất hiếu với cha mẹ

Cổ ngữ nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm cái thiện thì hiếu kính cha mẹ là đứng đầu. Hành thiện tích đức, trước hết là hiếu kính cha mẹ. Cha mẹ được ví là phúc điền lớn nhất trên thế gian. Hiếu kính với cha mẹ là đạo lý hiển nhiên của người con. Đó không chỉ là bổn phận mà còn là cách bồi đắp phúc báo của chính bản thân mình.

Một người ngỗ ngược với cha mẹ thì đó chính là bất hiếu, chắc chắn sẽ tổn hao phúc đức của bản thân.

2. Phỉ báng bậc thánh nhân

Thời cổ đại, từ bậc Thiên tử, đại thần đến dân thường ai ai cũng đều kính tín Phật, Đạo, Thần. Ngay cả những người có đạo đức cao, người tu hành chân chính cũng rất được mọi người tôn kính, đặc biệt là những vị cao tăng đức hạnh.

Cổ nhân có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Các bậc thánh nhân, thánh hiền, hay các chư Phật, Bồ Tát xuất sinh trong các thời đại lịch sử đều là đến để giáo hóa dân chúng, vì lợi ích dân chúng mà để lại những lời răn dạy. Nói xấu xuyên tạc bậc thánh hiền, người đại đức là cách làm tổn hại phúc báo của chính bản thân mình.

3. Bất kính với thầy cô

Cha mẹ cho chúng ta sinh mệnh còn thầy cô cho chúng ta trí tuệ và tri thức, cùng mối quan hệ thầy trò. Thời xưa, mối quan hệ giữa thầy trò cũng được ví như mối quan hệ cha con, kính thầy như kính cha.

Nếu một người có địa vị, có tiền tài liền xem thường thầy cô giáo, đối với thầy cô không còn giữ lễ phép, cung kính thì đó khẳng định là người vô ơn, có đạo đức không tốt. Người như vậy sẽ bị tổn hại nghiêm trọng đến âm đức của bản thân.

4. Lấy oán trả ơn
Người mà khi gặp nguy nan khốn khó được người khác giúp đỡ, nhưng xong rồi liền “cao chạy xa bay”, không một chút lưu luyến, thì bị cổ nhân xếp vào loại vô ơn bạc nghĩa, không có lương tâm.

Cổ ngữ nói: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, ý muốn khuyên răn người đời, nhận được ơn huệ của người khác dù chỉ nhỏ bé bằng giọt nước nhưng phải ghi nhớ mà báo đáp ơn ấy lớn bằng một dòng suối mạnh mẽ. Một người không biết cảm ơn thì sẽ chỉ một mực đòi nhận được mà không muốn hồi báo. Người chẳng những không biết ơn mà trái lại còn vong ơn phụ nghĩa, lấy oán trả ơn thì ắt sẽ khiến cả người và Thần cùng phẫn nộ, sao có thể có phúc báo sau này?

5. Sát hại sinh mệnh

Trong Phật giáo có năm giới cơ bản, đó là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Trong đó, sát sinh là giới cấm đứng đầu. Sinh mệnh nào cũng đều mong muốn được sống và sợ cái chết. Nếu một người bởi vì tư dục mà tạo nghiệp sát sinh, giết hại chúng sinh thì không chỉ khiến cho bản thân mất dần tâm từ bi, lòng nhân ái mà còn làm hao tổn âm đức của bản thân mình.

Cổ nhân giảng: “Nhân thân nan đắc”, nghĩa là trong lục đạo luân hồi thì thân người rất khó được. Cho nên, sát hại sinh mạng con người là tội nghiệp vô cùng to lớn.

6. Bức hại kẻ yếu thế

Những người yếu nhược trong xã hội cần được mọi người xung quanh quan tâm và giúp đỡ. Người mà đã không giúp đỡ người yếu trái lại còn ỷ thế ức hiếp họ, gây khó khăn cho họ, làm nhục họ thì đó là một trong những hành vi thiếu đạo đức nhất. Đó cũng là kiểu người có nhân phẩm ti tiện nhất, phúc báo sẽ rời xa họ.

7. Nói lời xằng bậy gạt người

Cổ ngữ nói: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Nói dối, nói lời xằng bậy là hành vi dễ dàng tạo nghiệp nhất cũng là hành vi thường tạo nghiệp nhiều nhất trong cuộc sống.

Con người thông thường đều vì chút lợi của bản thân mà nói dối, nói lời lừa gạt người khác. Họ tưởng rằng đó là cách khôn khéo, nhưng kỳ thực cuối cùng họ lại bị chính cái khôn khéo ấy hại, chúng bạn xa lánh, không được mọi người tin cậy, ai cũng không nguyện ý hợp tác, kết giao.

8. Nói lời ác hại người

Cổ nhân cho rằng, nói những điều xấu về người khác là làm tổn thương đến hòa khí giữa trời, đất và người, chiêu mời tai họa giáng xuống. Một câu nói thiện ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng. Những lời nói châm chọc, nói móc, chế nhạo, phỉ báng, vũ nhục người khác tựa như một nhát dao sắc đâm vào tâm can người nghe, mang đến thương tổn không gì vãn hồi được, đồng thời cũng làm tổn hại âm đức của bản thân.

9. Chiếm lợi của người khác

Người ham chiếm lợi của người khác thường thường cuối cùng sẽ bị thiệt thòi lớn. Bởi vì trên đời không có mất thì không có được. Đời người phải hiểu được rằng muốn có hồi báo thì phải có trả giá. Những người già thường hay khuyên nhủ con cháu “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ hết thảy “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà “chịu thiệt” lại có thể tích âm đức. Cổ nhân hiểu rằng, đời người trong họa có phúc, trong phúc có họa, không mất thì không được, được thì phải mất.

Người luôn chiếm lợi của người khác thì không thể giao tài vật cho người đó, không nên kết giao với người như vậy. Người luôn chiếm lợi về mình sẽ khiến người khác đề phòng, từ đó mất đi nhiều cơ hội và nhân duyên. Cuối cùng cái được chẳng bù nổi cho cái mất.

An Hòa
(Theo Trithucvn.net)