NỖI ĐAU MẤT MẸ VÀ 10 BÀI HỌC VỀ HẠNH PHÚC
Mất đi người mình yêu thương nhất khiến bạn nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn được thấy ánh sáng mặt trời. Điều này thực tình không đúng. Nỗi đau mất mẹ có thể nguôi ngoai và mở lối cho tôi đến với một cuộc sống rộng lớn và mãn nguyện hơn nhiều so với những gì tôi có thể nghĩ tới trước đây.
“Chúng ta chẳng thể lường nổi nỗi đau khi nó ập đến” – Joan Didion.
40 ngày đằng đẵng sau khi mẹ biến mất không một dấu vết, vừa tuyệt vọng lo lắng, vừa cố trấn tĩnh bản thân với hy vọng mẹ sẽ quay về, vừa không thể không nghĩ đến những tình huống xấu nhất như mẹ bị bắt cóc, sát hại… đến một ngày tôi phải chính thức đối diện với sự thật. Một người thợ lặn đã phát hiện ra chiếc ô tô mẹ tôi lái chìm dưới đáy biển lạnh giá New England. Không muốn nhắc đến hai từ “tự tử” nhưng chúng tôi đều nghĩ rằng mẹ đã làm vậy, mà thực sự không hiểu vì sao.
Chẳng có phương thức nào giúp hàn gắn lại trái tim vỡ tan vì đau khổ của bạn. Nhưng tôi đã nhận ra rằng khổ đau khiến cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú đến không ngờ. Dưới đây là 10 bài học chân lý của cuộc sống mà nỗi mất mát lớn nhất trong đời đã dạy cho tôi:
1. Cái chết thực sự giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống.
Mọi người thường an ủi tôi bằng câu nói cũ rích tẻ nhạt “Thời gian rồi sẽ hàn gắn mọi vết thương”. Nhưng, qua trải nghiệm đầy khổ đau của mình, tôi nhận ra rằng không phải thời gian mà chính là việc thay đổi cách nghĩ, cách sống mới là phương thuốc chữa trị hiệu quả.
Trong những năm tháng đầu chìm đắm trong nỗi đau, tôi đã tránh xa gia đình và bạn bè, lo sợ rằng nếu mình quá gắn bó với họ thì một ngày nào đó họ cũng sẽ bỏ tôi đi như mẹ tôi. Nhưng dần dần tôi nhận ra mình phải củng cố lại các mối quan hệ và học cách tin tưởng trở lại. Bạn cần hết sức tỉnh táo vì Nỗi đau chỉ muốn bạn sống một mình với nó, để nó có thể gặm nhấm tâm hồn bạn trong cô độc. Nhưng thực tế là, chúng ta cần những người xung quanh để giúp soi sáng con đường hầm tối tăm bị nỗi đau phủ kín ấy.
2. Sẽ chẳng có ai lấp đầy được khoảng trống do nỗi đau mang lại
Trái tim tôi có một khoảng trống lớn mang tên “Mẹ”. Nhưng tôi dần hiểu được rằng, dù chẳng ai có thể lấp đầy được khoảng trống ấy nhưng tôi vẫn có thể sống tốt. Một khoảng thời gian dài tôi dằn vặt nghĩ rằng khi người mẹ thân yêu nhất đời đã rời xa mãi mãi, tôi sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được cuộc sống một cách trọn vẹn nữa. Liệu còn có ai hiểu rõ về tôi như mẹ?
Hiện tại tôi đã có những mẫu hình phụ nữ quan trọng có ảnh hưởng tới đời mình nhưng tôi không hề ảo tưởng rằng ai đó trong số họ có thể thay thế được vị trí của mẹ. Nhờ thế mà tôi gạt bỏ được ý nghĩ rằng tôi sẽ có lỗi nếu để một người nào đó thế chỗ của mẹ trong trái tim. Hàn gắn nỗi đau không phải là thay thế, mà là mở rộng tâm hồn, bất chấp những khoảng trống mà đau thương đã tạo ra ở đó.
3. Hãy rộng lượng với bản thân.
Những tháng đầu tiên sau cái chết của mẹ, tôi sống vô cùng luộm thuộm, lơ đãng và sầu thảm. Tôi thậm chí không nhớ nổi tên các môn học ở trường đại học. Nỗi đau ấy dai dẳng và thực sự làm tôi không còn kiểm soát được cuộc sống. Đầu óc tôi mụ mị và thất bại hoàn toàn trước nỗi đau.
Nhưng rồi một ngày, tôi bừng tỉnh, sáng suốt trở lại, cảm giác như bộ não vừa tìm lại được mật mã của cơ chế hoạt động mà nó đã bỏ quên.
Tôi luôn cảm thấy tội lỗi khi đối xử tốt với bản thân, và nỗi đau lại càng khiến cho tôi mặc cảm tội lỗi hơn nữa. Ngồi thiền, tập yoga và viết lách đã thức tỉnh tôi. Thực ra, cố gắng để sống tốt hơn, đối xử tốt hơn với bản thân sau nỗi đau mới chính là điều cần làm hơn là việc nghe theo những mặc cảm tội lỗi ngớ ngẩn trong ta.
4. Hãy thử bất cứ cách nào bạn thấy hữu ích.
Tôi không phải là Phật tử, nhưng tôi rất tâm đắc lời dạy của Đức Phật về buông bỏ, xả ly - khuyên chúng ta không níu giữ cái gì quá chặt thì mới có thể thực sự mạnh mẽ, vô úy.
Dù không hay đọc những cuốn sách về cách tự cứu giúp bản thân, nhưng tôi đã tìm thấy niềm an ủi trong cuốn tự thuật “Năm của Tư duy Kì diệu” của Joan Didion.
Tôi không theo tôn giáo nhưng đã tìm được tiếng nói chung trong nhóm hỗ trợ của một mục sư.
Hồi nhỏ, tôi không chơi bóng đá, nhưng lớn lên tôi đã tham gia một hội thể thao và nhận ra rằng giây phút được chạy theo trái bóng tròn trên sân là giây phút mà tôi được là chính mình – vô tư và tự do nhất.
Chẳng có một phương pháp chữa lành nỗi đau phù hợp cho tất cả mọi người. Bạn sẽ mất nhiều thời gian để có thể nghiệm ra được phương pháp phù hợp với mình. Cái chết đến không ai biết trước; và cách để chữa lành nỗi đau cũng không cố định.
5. Lòng biết ơn sẽ chiến thắng nỗi đau.
Khi mất đi người mình yêu thương, ta sẽ luôn cảm thấy thời gian bên người ấy là quá ngắn ngủi. 20 năm sống bên mẹ là khoảng thời gian tuyệt vời đối với tôi. Tất nhiên, tôi ước có thể bên mẹ lâu hơn, nhưng tủi thân và lòng biết ơn là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Chọn lòng biết ơn sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, trái lại than thân tủi phận sẽ chẳng giúp ích gì cho chúng ta.
6. Hãy lựa chọn sống hạnh phúc
Nỗi đau thường chơi khăm chúng ta: nó khiến ta nghĩ mình không xứng đáng được hạnh phúc.
Khi đau khổ, việc tự hủy hoại bản thân dễ dàng hơn nhiều so với việc tập chăm sóc cho chính mình. Ban đầu, tôi đã tìm đến rượu chè và những thứ tàn phá cơ thể khác; nhưng rồi tôi nhận ra rằng làm như thế chỉ khiến nỗi đau càng chồng chất mà thôi. Tôi đã phải can đảm đối diện với nỗi đau, và tìm cách thoát khỏi nó. Và tôi đã chọn viết sách.
Ai cũng đều có cách riêng để đối mặt với nỗi đau, dù khó khăn và mất nhiều thời gian đến đâu, chỉ cần có hiệu quả thì cũng đáng để ta cố gắng đến cùng. Mẹ tôi có lẽ đã không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống của bà; nhưng tôi biết chắc rằng mẹ luôn muốn tôi được hạnh phúc. Con người không giống cái cây - chờ được tưới nước để lớn lên; chúng ta phải chủ động lựa chọn để sống hạnh phúc và phát triển.
7. Thời gian sẽ hàn gắn được nỗi đau, nhưng theo lộ trình riêng của nó.
Giá mà trước đó tôi hiểu được rằng thời gian trải nghiệm nỗi đau khác hoàn toàn những thời gian thông thường khác. Năm đầu khi mới mất mẹ, đời sống của tôi chìm đắm hoàn toàn trong quá khứ. Nỗi đau mất mẹ cứ xui khiến tôi lục lại tất cả những chi tiết dù là nhỏ nhất có thể là nguyên nhân khiến mẹ rời bỏ tôi.
Nhưng rồi tôi dần tìm ra cách hiệu quả hơn để đối mặt với nỗi đau, đó là sống với hiện tại. Kể từ đó tâm trạng của tôi không bị nỗi đau và quá khứ chi phối nữa.
Tất nhiên, cuộc đời, giống như trò chơi mua bán mặc cả mà chúng ta tự tạo nên và theo đuổi, có lúc buồn lúc vui. Một khi đã qua được những ngày tồi tệ nhất thì chúng ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự màu nhiệm, tuyệt vời của những niềm vui nho nhỏ bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương, với điều kiện chúng ta sẵn sàng chấp nhận và đối diện khổ đau.
8. Hãy biến nỗi đau thành sức mạnh
Tôi sống ở thành phố New York đến nay đã được 8 năm, nhưng nơi đây vẫn chưa bao giờ làm tôi hết ngạc nhiên bởi nó đã mang lại cho tôi một cuộc sống mà tôi yêu mến. Món quà này là của mẹ. Mẹ luôn ủng hộ đam mê viết lách mãnh liệt của tôi. Sau khi bà mất, việc có ý nghĩa duy nhất với tôi là viết về nỗi đau mất mát này.
Chính bài viết về mẹ đã giúp tôi tốt nghiệp được ở New York – một nơi mà trước đây tôi không hề có cảm tình. Thế mà giờ đây tôi coi nó như quê hương. Tôi đã vĩnh viễn mất mẹ, nhưng tôi lại tìm thấy gia đình, những người bạn tốt, một sự nghiệp mà tôi say mê và cách nhìn nhận cuộc sống sáng suốt để biết trân trọng mọi thứ tôi đang có.
9. Tận cũng nỗi đau chính là khởi nguồn của sức mạnh và cơ hội giúp chúng ta vượt lên phía trước.
Trong những năm đầu, tôi sợ tình yêu đến nỗi coi nó như thứ gieo rắc chết chóc. Tôi từng nghĩ làm sao có thể để trái tim mình tan vỡ vì ai đó thêm một lần nữa? Nhưng may mắn thay, tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi ấy và tìm được tình yêu đích thực bền lâu của đời mình trong tận cùng khổ đau.
Khi tình yêu nảy nở, tôi biết rằng đó là dấu hiệu của một luồng sức mạnh mới giúp tôi bứt phá và vượt lên phía trước. Nỗi đau đã giúp tôi trưởng thành, vững vàng để có thể đối mặt với những mất mát chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Điều này không phải bi quan. Trái lại, đó là sống lạc quan để luôn vững vàng trước sự thật rằng luôn có vị đắng trong trái ngọt tình yêu.
10. Trải qua nỗi đau, ta được sinh ra một lần nữa.
Chết là quy luật chung của vũ trụ; nhưng không ai có thể quen ngay được với nỗi đau. Tuy nhiên, mỗi người mỗi khác và chẳng thể có lời khuyên chung cho tất cả mọi người về cách tốt nhất để vượt qua nỗi đau.
Chỉ duy nhất nhờ trải nghiệm của chính mình, hàng ngày, hàng giờ chúng ta tự chiêm nghiệm và tìm ra cách tốt nhất cho bản thân. 10 năm qua, tôi đã học cách để sống thiếu mẹ; tôi đã cố gắng xem nỗi đau đang giày vò như một cuộc cách mạng diễn ra trong tôi. Chính mất mát to lớn ấy đã làm giàu cuộc sống của tôi bằng những thử thách bất ngờ và thú vị.
~ Theo Lindsay Harrison ~
http://tinybuddha.com
Theo ydavietnam.org
- 17179 lượt