Thành công và hạnh phúc: Cái nào đến trước?

Thành công để làm gì?

Chúng ta ai cũng khao khát thành công. Tuy nhiên, mỗi người định nghĩa thành công theo cách riêng. Có người gắn thành công với sự giàu có về tiền bạc, quyền lực, tài cao học rộng; có người lại cho rằng có một gia đình êm ấm, con cái nên người là thành công, v.v. Bản thân quan niệm thành công của chúng ta bây giờ cũng không giống như 5-10 năm trước. Chung quy lại, có thể nói thành công là đạt được những điều mong muốn, hoàn thành mục tiêu của mình.

Nhưng nếu suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng thật ra, câu hỏi quan trọng không phải là ‘Thành công là gì?’ mà là ‘Thành công để làm gì’?
Tại sao chúng ta khát khao thành công? Suy cho cùng, điều chúng ta muốn không phải bản thân thành công mà là cảm giác mãn nguyện và dễ chịu mà thành công đem lại, khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta nghĩ rằng đó chính là hạnh phúc. Nói cách khác, đích cuối cùng mà chúng ta nhắm tới thật ra là hạnh phúc, còn thành công chỉ là phương tiện.

Nhưng nghịch lý là mọi người dường như quan tâm đến thành công nhiều hơn. Nếu gõ từ khóa ‘thành công’ trên Google, bạn sẽ nhận được khoảng 78 triệu kết quả, trong khi đó từ ‘hạnh phúc’ chỉ có chỉ khoảng 46 triệu.



Đa số mọi người đánh đồng thành công với hạnh phúc. Có một công thức chung được nhiều người mặc định trong xã hội ngày nay. Đó là: hãy cố gắng học tập chăm chỉ, có bằng cấp, ra trường, nỗ lực làm việc, kiếm được nhiều tiền, có địa vị xã hội… rồi ta sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc luôn ở phía cuối mỗi chặng đường và được xem là kết quả của thành công.

Vấn đề là cảm giác mãn nguyện khi đạt được thành công tan biến rất nhanh bởi ‘cả thèm chóng chán’ là đặc tính cố hữu không chỉ của riêng ai. Khoa học đã chứng minh rằng một căn nhà mới mang lại cho chúng ta cảm giác hạnh phúc được dăm bảy tháng trước khi chúng ta lại cảm thấy ‘bình thường’ và ao ước một ngôi nhà lớn hơn. Thành quả của hôm nay sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán vào ngày mai.

Thế là chúng ta cứ liên tục rượt đuổi những mục tiêu mới, thành công mới vì tin rằng nó sẽ mang lại hạnh phúc. Nhưng thực ra đó chỉ là các trạng thái thỏa mãn cảm xúc ngắn ngủi và không phải hạnh phúc chân thật lâu bền. Và khi đó, thành công dễ trở thành cái bẫy khiến chúng ta phải ganh đua, bon chen không ngừng nghỉ. Cuộc sống như vậy sẽ rất mệt mỏi và uổng phí.

Quan niệm cho rằng thành công hơn sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn chỉ là sự ngộ nhận, là ảo tưởng.
Trên thực tế, chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu người thành công vượt bậc, nổi tiếng và giàu có nhưng vẫn bất hạnh, trầm cảm, nhiều người bế tắc và phải tìm đến cái chết.
Cái công thức tư duy ‘khi tôi đạt được (…một thành công nào đó…) thì tôi sẽ hạnh phúc’ đã quá lỗi thời nhưng chúng ta vẫn mải mê hành xử theo thói quen tư duy cũ.

Hạnh phúc là thái độ sống
 
Shawn Achor, giảng viên hàng đầu của Đại học Harvard đã chứng minh điều ngược lại, chính hạnh phúc giúp chúng ta thành công hơn, bởi những người hạnh phúc làm việc hiệu quả hơn, sức khỏe tốt hơn, giao tiếp tốt hơn…
 


Hạnh phúc là cảm giác an nhiên tự tại, nó không phụ thuộc vào thành công hay thất bại hay các yếu tố bên ngoài. Hạnh phúc là sự lựa chọn, là thái độ, cách nhìn nhận cuộc sống. Những người hạnh phúc thường có tầm nhìn rộng mở, đa chiều. Bởi vậy mà họ luôn nhận ra những khía cạnh tích cực của cuộc sống, họ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn thử thách.

Hạnh phúc tại tâm và hoàn toàn nằm trong tay ta. Thành công có thể đến rồi đi, nhưng hạnh phúc luôn ở lại. Chúng ta có thể tìm được sự bình an trong tâm hồn và mở lòng đón nhận mọi thành bại được mất, thịnh suy vinh nhục của cuộc đời.

Và hơn hết hạnh phúc chân thật vốn luôn sẵn có, bạn không phải tìm kiếm đâu xa. Một người biết trân trọng tri ân những gì mình đang có thì luôn cảm thấy hạnh phúc và bằng lòng với hiện tại.

Vậy nên, bạn hãy để hạnh phúc trở thành nền tảng cuộc sống, là khởi nguồn giúp bạn thành công hơn chứ không phải điều ngược lại! Đó chính là 'bí quyết' để bạn có một cuộc sống thực sự thành công.
 


Lê Minh

Bài đọc thêm:

  
10 BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC CỦA ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA