Kẻ thù của hạnh phúc

Khi được hỏi rằng bạn muốn sống trong một xã hội mà bạn có thể kiếm được 50.000 đô la Mỹ mỗi năm trong khi người khác kiếm được 25.000 hay ở một nơi mà thu nhập của bạn là 100.000 đô la Mỹ một năm nhưng người khác lại có thu nhập gấp đôi bạn, hơn phân nửa lựa chọn phương án đầu. Đó là kết quả khảo sát của giáo sư tâm lý học Van Boven thực hiện từ năm 2005.

Còn ở Việt Nam thì sao? Tư tưởng ‘Ít tiền cũng được, miễn là hơn ông hàng xóm.’ cũng không phải là hiếm.

Văn hóa ganh đua

Ghen tỵ là một dạng cảm xúc rất bản năng, những đứa trẻ mới 2 – 3 tuổi đã biết phản ứng khó chịu khi thấy mẹ ôm ấp đứa trẻ khác.Vào trường học, chúng ta lại được dạy phải cạnh tranh để đứng đầu lớp. Trong một xã hội mà người ta thích đánh giá con người qua thứ hạng cao thấp với các kiểu bảng xếp hạng, trong mọi lĩnh vực, việc tư tưởng ganh đua đố kỵ dường như đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người cũng là điều dễ hiểu.

Cho dù có thừa nhận hay không, hầu như ai trong chúng ta ít nhiều đều trải qua cảm xúc này, ở các cấp độ khác nhau.

Khi bắt gặp những người thành công, may mắn hơn mình, đa số cảm cảm thấy chạnh lòng đôi chút. Chúng tachúc mừng thành công của bạn bè với một nụ cười gượng gạo hay trong lòng không thực sự hoan hỷ.Nhưng khi nghe người khác kể về những thất bại của mình thì chúng ta thường cười rất khoái chí, rất tự nhiên.

Đằng sau câu hỏi thăm bạn bè lâu năm không gặp, có thể là mong muốn ngầm so sánh xem anh ta có làm ăn tốt hơn mình không, hôn nhân có hạnh phúc hơn mình không.

Không dữ dội bộc phát như sân giận, tâm tật đố, ganh tỵ ngấm ngầm, ranh mãnh và khó nhận diện, nó trở thành một thứ văn hóa,thành một phần con người chúng ta đến mức chúng ta hoàn toàn không nhận ra và coi đó là điều bình thường.Nó bộc lộ trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của mỗi người. Một phản xạ thường thấy của nhiều người khi nghe nói về ai đó trẻ đẹp lại thành công, giàu có là những câu bình luận kiểu như ‘Chắc lại được đại gia bao ấy mà.’ Hay ‘Bố làm to thế không giàu mới lạ.’ mặc dù ta không biết gì về bản thân họ. Nếu không thể phủ nhận được tài năng của đối tượng thì chúng ta lại quay sang phạm trù đạo đức để phán xét. ‘Anh có thể giàu hơn tôi, nhưng chắc chắn không đạo đức, tốt đẹp bằng tôi.’

Chê bai dè bỉu người khác giống như một liều thuốc kích thích tạm thời khiến ta cảm thấy dễ chịu trong chốc lát. Khi không tự nâng mình lên được thì cách dễ nhất là dìm người khác xuống, nó cho ta ảo tưởng rằng chúng ta hơn người, hoặc ít ra cũng vớt vát an ủi bản thân. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng chính tâm đố kỵ mà ta đang dung dưỡng ấy âm thầm len lỏi, gặm nhấm và bào mòn hạnh phúc của mình.

Kẻ thù của hạnh phúc

Lòng đố kỵ mất kiểm soát có thể khiến ta mất ăn mất ngủ. Nó có thể biến thành hận thù và là thủ phạm chính đằng sau những lo lắng, tức giận, ghét bỏ, dằn vặt, thậm chí cả trầm cảm.

Nó xuất phát từ cái cái tôi quá lớn, không muốn ai hơn mình, nhưng thực chất lại hoàn toàn tự ti yếm thế, để những giá trị bên ngoài đặt điều kiện cho hạnh phúc của chính mình.

Chúng ta không biết mình là ai không so sánh với người khác. Chúng ta không nhận ra giá trị của bản thân để tận hưởng hạnh phúc sẵn có mà phải dùng ai đó làm hệ quy chiếu.
 
Tâm đố kỵ hướng tâm của chúng ta ra bên ngoài, vào những gì mình KHÔNG có, rồi tự phóng đại và dằn vặt bản thân. Thay vì tri ân những gì mình đang có, tập trung những  việc mình cần làm, chúng ta thích nhòm ngó săm soi xem người khác có bao nhiêu tiền, đi xe gì… để xác định giá trị bản thân. Đó là điều dại dột, tổn hao năng lượng vô ích.

Tâm đố kỵ khiến nỗi đau của chúng ta nhân lên gấp đôi vì không chỉ khổ vì thất bại của bản thân mà còn đau vì thành công của người khác.

Nếu tâm ganh đua, đố kỵ trở thành động lực mạnh nhất thúc đẩy chúng ta sống và làm việc, chứ không phải tinh thần trách nhiệm, đam mê công việc hay tình yêu thương, sẻ chia,thì quả là điều đáng tiếc bởi chúng ta đã bỏ lỡ biết bao nhiêu điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nhìn lại tâm mình – Dừng mọi so sánh.

Quay về soi rọi nội tâm mình, tập trung vào những gì mình đang có với lòng biết ơn và ngưng mọi so sánh, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình có đầy đủ điều kiện để hạnh phúc ngay lúc này.

Mỗi người là những cá thể độc nhất với những nhu cầu, sở thích và tính cách khác nhau. Ai cũng có những sở trường sở đoản khác nhau, chẳng ai là hoàn hảo. Bởi vậy, mọi so sánh đều khập khiễng.Chúng ta chỉ cần nỗ lực hết sức mình, không cần so bì tranh đua, còn kết quả cứ để thuận theo tự nhiên, bởi nó phụ thuộc vào vô số các yếu tố khác nhau ngoài tầm kiểm soát. Hãy cứ là chính mình và tận hưởng hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Chúng ta ganh tỵ còn bởi cách nhìn phiến diện, hạn hẹp của mình. Bạn đã từng cảm thấy ganh tỵ với ai đó, rồi sau đó,khi nghe hết câu chuyện của họ, hiểu được những đau đớn họ phải trải qua, bạn lại thấy thương cảm hơn là đố kỵ? Khi tâm đố kỵ được chuyển hóa thành tình yêu thương, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, như chút bỏ được một gánh nặng.

Đôi khi chúng ta đố kỵ không chỉ vì thèm khát cái người khác có, mà còn do lo sợ mất điều mà chúng ta nghĩ là của mình. Chúng ta nhìn cuộc sống như một chiếc bánh lớn và nghĩ rằng ai đó thành công đồng nghĩa với việc miếng bánh của ta bị nhỏ đi. Hãy mở rộng lòng mình, tầm nhìn để thấy rằng cuộc sống luôn luôn đầy ắp cơ hội và những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là chúng ta có luôn sẵn sàng đón nhận hay không.

Đức Phật từng dạy về hạnh tùy hỉ. Đó là tâm hoan hỷ, vui theo thành công, niềm vui của người khác.Tùy hỉ không chỉ đơn thuần là một thiện hạnh mà chính là trí tuệ, sự chứng ngộ, là phương tiện thiện xảo giúp cho chúng ta sống hạnh phúc hơn. Khi tâm hồn chúng ta rộng mở, không còn so đo, bớt phân biệt tôi - anh, thì thành công của bạn trở thành niềm cảm hứng của tôi, niềm vui của bạn cũng là niềm vui của tôi, công đức của bạn cũng là công đức của tôi và ngược lại. Nếu sống được theo tinh thần ấy, niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ được nhân lên hàng trăm hàng ngàn lần.

Tuệ Minh