ĐÃ ĐẾN LÚC CHỮA LÀNH TÂM

Khi tinh thần đi xuống hoặc cảm thấy không ổn, thực hành thiền giúp ta an định, làm tan biến những vọng động và mang đến cho tâm sự yên ổn.
 
Một chiếc xe mới mua có thể hoạt động hoàn hảo, nhưng nếu không được bảo dưỡng đầy đủ, nó sẽ dần hư hỏng theo thời gian. Theo định kỳ bạn phải kiểm tra máy móc, dầu mỡ, phanh xe. Tâm cũng giống như chiếc xe và vì thế ta cần thường xuyên quán xét tâm trong đời sống thường nhật. Nếu bạn không bỏ công sức bảo dưỡng chiếc xe, bề ngoài xe có thể vẫn đẹp, nhưng nó sẽ không hoạt động như mong muốn. Cũng như vậy, nếu chỉ chăm lo cho thân thể mà không để ý xem xét điều chỉnh tâm, dần dần tâm sẽ loạn động, mất kiểm soát. Giống như mọi thứ, tâm cũng cần được chăm sóc thì mới hoạt động hiệu quả.

Chúng ta ở đây để truyền cảm hứng cho nhau, và hướng tâm tới sự giác ngộ. Cảm hứng sẽ mở rộng trái tim, và bạn sẽ tự nhiên làm những việc lợi ích cho người khác, bạn sẽ hành động với lòng từ bi.

Khi trưởng dưỡng tâm, bạn bắt đầu thư giãn và có thể suy ngẫm về điều khiến bạn rung động, chú tâm, và thấy cảm hứng trong cuộc sống hàng ngày. Bạn tìm thấy hướng đi trong cuộc sống. Khi thiếu vắng cảm hứng, bạn cảm giác bị bó chặt và không thể nghĩ ra nên đi theo hướng nào. Có thể bạn nghĩ mình không có thời gian nhìn thế giới xung quanh, đó chính là lý do khiến bạn sẽ bỏ lỡ những điều có thể khơi nguồn cảm hứng cho bản thân. Nếu thiếu đi cảm hứng, làm sao ta có động cơ làm những việc ý nghĩa? Đến lúc đó chỉ còn những sự bao biện mà thôi.

Khi tâm rơi vào một vòng xoáy loạn động, bạn không thể suy nghĩ thấu đáo và cũng thật khó để thoát ra khỏi vòng xoáy này. Vì thế, việc dành một vài phút trong ngày để quán sát, suy ngẫm về những điều kỳ diệu của cuộc sống là một khởi đầu tốt cho thực hành thiền.

Rồi dần dần bạn sẽ tìm ra hay khơi lại suối nguồn cảm hứng và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Cảm hứng khích lệ bạn sống ý nghĩa hơn. Khi có động lực, bạn có thể thực hành bất cứ phương pháp gì. Những chướng ngại sẽ không thể ngăn trở bạn. Bạn sẽ như một người anh hùng. Tại sao lại như vậy? Bởi khi có cảm hứng, bạn sẽ trở thành người mạnh mẽ, tràn đầy động lực.

Một cách kỳ diệu để làm việc này là thực hành thiền định. Thiền định cho ta trí tuệ hiểu biết nội tâm, chính là liều thuốc giải độc cho bản ngã. Hiểu biết có được qua thực hành thiền có thể hoàn toàn khác với những vọng tưởng thông thường của chúng ta về bản thân và cuộc sống. 

Ta có thể bắt đầu buông xả tất cả những điều kiện ta thường áp đặt lên lời nói hay hành động của mình, và chú tâm vào hành động thay vì vào kết quả.

Thiền định giúp ta chùng xuống, làm tan biến những vọng tưởng và giữ tâm được an định. Từ đó ta có thể ngẫm nghĩ và tìm định hướng cho mình. Trong thực hành thiền, bạn đừng lo nghĩ về trình độ, hay băn khoăn rằng mình đang thực hành thiền chính thống hay không chính thống.

Tôi nghĩ khi bắt đầu thực hành, thiền định không chính thống có lợi ích và thậm chí còn ý nghĩa hơn. Theo thiền định chính thống, ta phải an trụ trong tính không, nhưng thực sự thì điều đó vô cùng khó thực hiện. Nếu ngay từ đầu cứ cố thiền theo cách chính thống, ta có thể ngồi im lặng, và tốn nhiều thời gian giả vờ đang thiền định, và rồi mất kiểm soát tâm. Ta không ý thức được những gì đang xảy ra quanh mình, và tâm đi lạc, rong ruổi khắp nơi.

Với thiền không chính thống, ta dành thời gian lắng nghe các ý tưởng và suy ngẫm. Ví dụ, khi nhìn thấy mặt trời mọc, ta suy ngẫm về tính vô thường và sự cần thiết phải tỉnh thức trong hiện tại, hay ta nhìn thấy những người khác và nghĩ chúng ta đều đang cùng chung cảnh ngộ, thực sự thì tất cả chúng ta đều như nhau. Thiền định theo kiểu này thực chất là thực hành làm quen: làm quen với những thứ quanh bạn, nâng cao ý thức, sống trong giây phút hiện tại, thậm chí ngay cả khi pha tách trà, khi mới thức dậy trong sự tĩnh lặng của buổi sáng.

Quán xét tâm và điều chỉnh cách suy nghĩ đem lại nhiều lợi ích. Việc này giúp ta nhìn lại bản thân mình, xem xét về những lỗi lầm, trưởng dưỡng các động cơ tích cực để giữ cho tâm luôn tỉnh thức. Nếu tâm nhiễu loạn thì cuộc sống cũng sẽ không yên ổn. Tâm bồn chồn sẽ khiến mọi việc không thuận lợi.

Nếu thường xuyên để ý xem xét, điều chỉnh tâm mình, ta sẽ không còn chịu sự chi phối của những độc dược như bám chấp, sân giận, si mê, ngã mạn và ganh tị nữa.
 
(Theo ‘Sống trí tuệ’ – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)