Đức Phật dạy cách chọn nghề để sống hạnh phúc

Trong các kinh điển Đại thừa, đức Phật xác định rất rõ người có nghề nghiệp vi phạm luật pháp, hay ngoài vòng pháp luật không thể nào phát triển được trí tuệ và đạo đức. Có chăng, chỉ là sự dối gạt cuộc đời hay dối gạt chính mình, người đó luôn sống trong nỗi nơm nớp sợ hãi bởi những hành vi bất hợp pháp. Trong Bát chánh đạo đức Phật đưa ra, mỗi chi phần đều có hai dạng cấp độ. 

Mức độ thực tập bình thường giúp cho ta trở thành người có phước báu và sống vững chãi trên phước báu đó. Đây chính là loại hình phần lớn những người tại gia hướng về. Mức độ thứ hai sử dụng Bát chánh đạo để phát triển Giới, Định, Tuệ trở thành nhà tâm linh đỉnh cao nhất là chứng đắc Niết bàn giải thoát. Phần lớn dành cho những người xuất gia và một số người tại gia không màng đến đời sống hôn nhân hoặc không bận tâm đến các hạnh phúc trần đời.

Lập nghiệp chân chính quan trọng hơn khái niệm “Lạc nghiệp” trong cách diễn đạt dân gian “An cư lạc nghiệp”. An cư được hiểu là được ở yên, ổn định một chỗ không phải di chuyển, không bị tác động bởi môi trường, điều kiện xung quanh dẫn đến nghề nghiệp ổn định, mang lại hạnh phúc. Sự lập nghiệp chân chính vốn đã bao gồm hai yếu tố này và cả những yếu tố khác như đạo đức, hiến pháp và nhận thức chân chính. Trước đây, các văn bản về tôn giáo thường đề cập đến việc đi tu của tu sĩ Phật giáo là “hành nghề tôn giáo”, tức xem việc đi tu như một nghề. Khái niệm đó là sự mô tả sai lầm đối với các giá trị tâm linh mà những bậc xuất gia tâm huyết đầu tư và chia sẻ nó cho toàn thể xã hội. Gọi là nghề phải coi đó là một giao dịch hai chiều theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường hay cơ chế quốc doanh. Vấn đề lợi nhuận chắc chắn sẽ được đặt ra. Trong khi đó, việc đi tu không phải là việc đi tìm kiếm lợi nhuận như một giao dịch trong nghề nghiệp. Một công nhân dù ở bậc bình thường hay cấp quản trị như CEO đều tiếp nhận lương bổng trên cơ sở thành quả và đóng góp, còn người xuất gia không như vậy.

Nhiều thầy đi vận động xây cất chùa cho bá tánh tu tập, không hề có ý tư lợi. Để hoàn thành Phật sự, nhiều thầy mắc nợ phải trả đến vài chục năm. Trong khi đó, kiếp sống trung bình của một con người chỉ khoảng 70 năm. Tóm lại sự mô tả khiếm nhã về tăng sĩ như “hành nghề tôn giáo” làm cho mối quan hệ giữa tăng sĩ và cộng đồng bị nhìn nhận sai.

LẤY TRÍ TUỆ LÀM SỰ NGHIỆP

Sự lập nghiệp chân chính đối với người tu là gì? Từ kinh Tạng Pàli đến A-hàm và các bản kinh Đại thừa, đều khẳng định rằng sự chân chính của người tăng sĩ trong đời sống Phật giáo là tu rốt ráo, trọn vẹn đầy đủ Giới, Định và Tuệ. Trong khi đó, theo Bát chánh đạo, một hành giả được coi là tu tập chân chính phải có đủ Giới, Định và Tuệ, quan trọng là trí tuệ. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy rằng “Duy tuệ thị nghiệp” nghĩa là: Trí tuệ là sự nghiệp của người tu.

Người nào có trí tuệ, người đó đã có đạo đức, nhân cách, các giá trị tinh thần vô ngã, vị tha. Ai sống và ứng xử bằng trí tuệ chắc chắn có thiền định. Trong trường hợp người tại gia sự lập nghiệp chân chính được biểu hiện một cách rất đa dạng, trong xã hội có đến mấy ngàn nghề. Để chỉ ra nghề nghiệp chân chính, đức Phật không chọn cách liệt kê, xác định chủng loại nghề nào là thích hợp mà Ngài làm công việc loại trừ: Liệt tất cả những nghề mà sự lập nghiệp trên nó là phi chân chính, những nghề nghiệp còn lại được coi là chân chính.
 
Giới hạn của luật nằm ở chỗ là không cam kết và đảm bảo người lập nghiệp trên nó sẽ phát triển về đạo đức và thuận với nhân quả tích cực. Ngược lại, cũng có rất nhiều nghề bị cấm dù nó không hoàn toàn sai từ góc độ luật pháp. Giá trị đạo đức và luật nhân quả luôn luôn vượt lên giá trị thông thường và tương đối của luật pháp.

1) BUÔN BÁN VŨ KHÍ

Sản xuất, buôn bán vũ khí gây ác nghiệp vì nó tạo ra sự hủy diệt, chết chóc, đổ nát, thương tật, bế tắc, hận thù và làm cho nền kinh tế quốc gia, quốc tế bị tê liệt nghiêm trọng. Quốc gia nào không có chiến tranh là quốc gia hạnh phúc. Sản xuất vũ khí kích thích các cuộc chiến tranh, cho nên sản xuất và buôn bán vũ khí vì mục đích lợi nhuận là điều không nên. 


 
2) BUÔN BÁN NGƯỜI 

Buôn bán người được hiểu theo hai nghĩa, buôn bán nô lệ, buôn bán người. Báo chí đăng tin có những người mẹ chỉ vì thiếu ba hay năm triệu, đem bán con sáu triệu đồng, hay nhiều người anh bán đứa em của mình với giá ba triệu đồng. Sự chà đạp nhân phẩm con người như thế quả thật tệ hại, tàn nhẫn, bất nhân.
Sự sống con người vô giá, đức Phật nói: “Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi suốt ngàn dặm, ngàn kiếp cũng không trả được công sinh thành của cha mẹ”. Tạo ra sự sống là vô giá, không thể cân đo đong đếm bằng tiền. Có những người đành lòng bán sản phẩm được coi là hoa trái của tình yêu với giá năm, bảy triệu. Từ ngày xưa đức Phật đã tuyệt đối cấm điều này đối với các đệ tử. Làm việc ở lầu xanh, hay buôn hoa bán phấn đối với cả nam lẫn nữ là một dạng khác của nghề buôn người. Nó khiến cho con người đắm nhiễm trong dục lạc, tuột dốc đời sống đạo đức, mất trách nhiệm trong việc bảo vệ cam kết hạnh phúc gia đình, làm tăng rủi ro, nhân rộng căn bệnh chết người của thế kỷ XXI là HIV và AIDS. Hưởng thụ dục lạc khiến con người đắm nhiễm và đánh mất hạnh phúc. Lập nghiệp trên nó không được coi là lập nghiệp chân chính.

3) BÁN THÚ VÀ BÁN THỊT

Bao gồm luôn nghề chăn nuôi, có chăn nuôi mới dẫn đến tình trạng giao dịch, mua bán các sản phẩm bào chế từ thú và thịt. Nghề này bao gồm ba hoạt động chính là chăn nuôi, buôn bán và giết mổ. Ngày nay, các khoa học gia chứng minh nhiều sự thật khá kinh khủng, chẳng hạn cứ mỗi 454g (1 pound) thịt được chế biến cho một người ăn đồng nghĩa là trên trái đất này đã mất đi từ 5 đến 12m2 đất trồng trọt vì phải có những cánh đồng để trồng hoa màu, thực phẩm cho gia súc ăn, do đó rừng nguyên sinh và ruộng canh tác bị hủy diệt. Hay là cứ mỗi 454g thịt được chế biến cho một người ăn đồng nghĩa là trên trái đất này đã mất đi 22.500 gallon nước, gây ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước ngọt và phóng thải 270kg CO2 vào khí quyển làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.

Bên cạnh đó, gieo nghiệp ân oán còn dẫn đến tình trạng giảm thiểu sức khỏe, giảm thiểu mạng sống do sự tích tụ sân hận của các loại gia súc nuôi sau đó giết, chế biến hàng loạt. Bản thân con người khi ăn thịt cũng nhiễm sự sân hận của chúng, khiến cho con người trở nên nóng nảy, giận dữ, cau có, khó chịu và trường sinh học tâm linh giảm một cách đáng kể. Đó là chưa nói đến sự thương tổn trực tiếp đến hạt giống năng lượng từ bi. Những người làm đồ tể, tiền lương rất ít, nhưng nghiệp ân oán giang hồ do sát sinh quá lớn. Những người làm những nghề như bán chim cá để phóng sanh cũng rơi vào nghiệp chung này. Chúng ta nên cố tránh làm những nghề này.



4) BÁN CHẤT KÍCH THÍCH

Một nghề khác nữa cũng bị cấm đối với các Phật tử là buôn bán những chất gây nghiện như rượu, thuốc lá, ma túy ... Thế giới hiện nay cấm ma túy và các loại thuốc được bào chế từ nó, còn rượu, thuốc lá thì không cấm nhưng cũng không khuyến khích bằng cách ngăn cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện truyền thông ởphần lớn các quốc gia. Thổ Nhỹ Kỳ là quốc gia đầu tiên nghiêm cấm hút thuốc ở nơi công cộng, tức nơi nào có hai người trở lên, không được hút thuốc. Có lẽ, trong vòng 50 năm nữa, khoảng 3/4 thế giới bắt chước Thổ Nhỹ Kỳ vì trong làn khói thuốc có ít nhất 50 độc tố khác nhau, là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của nhiều bệnh nặng như ung thư, bệnh phổi, tim mạch, tai biến. Sở dĩ nhiều quốc gia chưa làm căng như Thổ Nhỹ Kỳ vì hai ngành rượu bia, thuốc lá đóng thuế cho nhà nước rất cao.




5) BÁN CHẤT ĐỘC HẠI NGƯỜI HẠI VẬT

Chất độc gồm hai dạng, những độc dược uống vào có thể gây tử vong, những loại thuốc diệt động vật hay côn trùng. Những người làm nghề này có thể thu về lợi nhuận rất cao, nhưng nghiệp mà họ phải gánh cũng không nhẹ. Tất nhiên, việc giết côn trùng đồng nghĩa sát hại các chủng loại sinh vật, cũng mang tính tương đối. Không có những người bán các loại thuốc diệt côn trùng gây hại, chúng ta thiếu gạo thóc, thực vật để đảm bảo sự sống.

Tóm lại, trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải bon chen làm đủ nghề để mưu sinh. Nếu không thể làm những nghề tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội, ít nhất chúng ta cũng nên cố gắng tránh những nghề có thể gây tổn hại cho con người, cho môi trường và muôn loài.

(Theo Butsen.net )