Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa tọa đàm trong chương trình "Góc nhìn Phật Giáo" Truyền hình France 2, Pháp
Nhân chuyến viếng thăm cầu nguyện quốc thái dân an, chia sẻ Phật pháp của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu với Quý Độc giả nội dung tọa đàm của Đức Nhiếp Chính Vương trong chương trình “Góc nhìn Phật giáo” (Truyền hình Trung ương France 2 - Cộng Hòa Pháp) khi Ngài giới thiệu ấn bản tiếng Pháp (La Retraite de l’Esprit, NXB Marabout, tháng 4/2014) của cuốn “Tâm An lạc”
GNPG: Khi nhận ra những gì phát khởi trong tâm, ta thấy rằng nó liên tục vọng tưởng về quá khứ hoặc tương lai. Hy vọng có được hay lo sợ đánh mất, mong muốn được ủng hộ hay lo lắng bị chỉ trích v.v... Đó là tám pháp thế gian luôn chi phối đời sống của chúng ta. Khi nhận ra điều này, chúng ta thấy rằng phần lớn thời gian chúng ta bị mắc kẹt, bế tắc bởi cơ chế vận hành đó của tâm. Theo Ngài đây có phải là biểu hiện của bản ngã không? Những vận hành đó của tâm dựa trên cơ sở nào?
NCV: Tôi cho rằng bản ngã hay ý niệm về cái tôi là nguyên nhân chính cho sự phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai. Lý do vì, trước khi nói đến hiện tại, điều mà chúng nói đến trước tiên đó là quá khứ của tôi, tương lai của tôi, hiện tại của tôi. Điều tương tự cũng xảy ra đối với hy vọng và lo lắng. Chúng ta luôn có góc nhìn khác nhau về lo lắng và hy vọng: hy vọng của tôi sẽ khác với mong đợi của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn bán một mặt hàng nào đó, bạn sẽ mong có lợi nhuận, tuy nhiên, là người mua, tôi lại mong rằng mình không phải trả quá nhiều tiền, và không muốn bạn thu được nhiều lãi.
Do vậy, chúng ta cần hiểu rằng hy vọng và lo lắng đều là những biểu hiện của bản ngã. Thực chất, chúng không tồn tại. Nhưng, xét một cách tương đối, chúng vẫn có mặt trong đời sống, lúc này là hy vọng, lúc khác là lo lắng, v.v… Tuy nhiên, trên quan kiến tuyệt đối, chúng đều chỉ là sự thể hiện những khái niệm nhị nguyên mà thôi.
Theo triết học Phật giáo, chúng ta cần nhớ rằng trong cuộc sống này luôn song song tồn tại hai loại chân lý: chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối, điều chúng ta cần làm là cân bằng cả hai. Xét về chân lý tương đối, bạn có thể là một người chồng, trong thế giới bạn đang sống bạn cần có tiền, có xe hơi, bạn cần một gia đình, bạn cần tôn trọng tất cả những điều đó và nhắc nhở bản thân rằng: "Tôi có gia đình, tôi cần giúp đỡ, chia sẻ với bạn đời của mình, cần chăm sóc gia đình, nuôi nấng con cái, đem lại hạnh phúc cho mọi người". Bạn cần nỗ lực hết sức để thực hiện những điều này bằng những hành động tích cực, những thiện nghiệp, và không được gian dối. Nếu lập gia đình, bạn cũng cần tích lũy của cải, tài sản, không phải để trở thành tỷ phú mà để là một người chồng tốt. Nếu bạn là một Phật tử nhưng lại không quan tâm tới vợ, quên mất ngày Valentine hay ngày sinh nhật của vợ, thì điều đó cũng không nên. Như vậy tức là bạn quên mất quy luật nghiệp hay quy luật nhân quả. Bởi vì chân lý tương đối, bao gồm cảm giác hạnh phúc, ngày Valentine hay thực tế là bạn có một gia đình, v.v…, vẫn đang tồn tại, vì tất cả những điều đó nên bạn cần nỗ lực hết sức mình.
Nhưng cần có sự cân bằng. Xét trên quan kiến của một hành giả thực hành Phật pháp, bạn cần nhớ, theo cách nào đó, “vợ” hoặc “chồng” bạn cũng chỉ lả khái niệm. Ở góc độ tuyệt đối, những khái niệm này không tồn taị. Trước khi kết hôn, bạn chẳng là ai; sau khi trao nhẫn, thề nguyền, bỗng chốc bạn trở thành “chồng” hoặc “vợ”. Đó đều là những khái niệm. Tương tự, vợ của bạn cũng có thể trở thành vợ cũ của bạn, nếu giữa hai người xảy ra khúc mắc dẫn đến ly hôn. Vậy điều gì đã thay đổi? Chẳng có gì cả, mọi thứ đều chỉ là khái niệm và những khái niệm đó xuất phát từ xã hội, từ cá nhân và đều chỉ là khái niệm mà thôi.
Những điều đó liên quan tới khía cạnh hiểu biết, quan kiến của bạn. Tuy vậy, trong đời sống thực tế, bạn đã lập gia đình nên bạn cần duy trì những mối quan hệ nhân quả đúng đắn để có hạnh phúc. Đồng thời, bạn cũng không nên quên rằng chúng thực chất chỉ là khái niệm hư huyễn, không thật. Tuy nhiên bạn phải nỗ lực để đạt thành công. Chẳng hạn, bạn là biên tập viên một tạp chí, bạn không thể nói rằng vì bạn là Phật tử nên bạn không quan tâm tờ báo có thành công hay không. Ngược lại, trước hết động cơ của bạn cần xuất phát từ quan điểm: "Tờ tạp chí này sẽ đăng nhiều giáo pháp đem lại hạnh phúc cho hàng tỷ người". Bạn cần nỗ lực hết mình để đạt thành công lớn nhất vì động cơ tốt đẹp này. Đồng thời, cần luôn nhớ rằng thành công cũng chỉ là khái niệm hư huyễn mà thôi. Hiện tại bạn đang bán được 1000 bản một ngày - điều này cũng có thể coi là thành công nhưng nếu so với người bán được 2000 bản thì lại không phải như vậy. Cũng có ngày, bạn bán được 10,000 hay 100,000 bản thì khi đó 2000 bản không còn là một con số lớn đối với bạn. Điều đó cho thấy rằng thành công cũng chỉ là một khái niệm. Bởi vậy, chúng ta cần có cách nhìn nhận hợp lý về những nghĩa vụ, những việc làm của bản thân, đồng thời tôn trọng quy luật nhân quả, mặt khác, vẫn không quá bám chấp vào những mối quan hệ, thành công hay những khái niệm tương đối này. Ở khía cạnh tuyệt đối, chân lý siêu việt mọi thành công cũng như thất bại. Chân lý luôn nhất như siêu việt mọi khái niệm nhị nguyên, đó là con đường Trung đạo.
Một trong những triết gia của các bạn từng nói rằng "Tôi là nên nó là". Điều này thật xác đáng. “Tôi thành công, bạn thành công”. Một triệu phú nói "tôi thành công" và quả đúng như vậy. Nhưng nếu đến câu lạc bộ của các tỷ phú, nơi mọi thành viên đều là tỷ phú, thì ông ta chẳng còn là gì cả. “Không, tôi không thành công, không thành công!” Đây thực sự là vấn đề khái niệm.
GNPG: Cái tôi hư huyễn hay sự vắng mặt bản ngã dường như là một ý tưởng đáng sợ, gần như siêu thực đối với hầu hết mọi người. Điều đó có vẻ giống như chúng ta tập trung hướng tâm vào một lối sống tật bệnh về mặt tinh thần, hoàn toàn cô lập và cách ly với đời sống thông thường. Ngài nghĩ sao về điều quan ngại này?
NCV: Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề mà rất nhiều hành giả Phật giáo mắc phải. Hoặc họ bị dính mắc với chân lý tương đối – nghĩa là họ thích đọc tụng Kinh sách, thích thực hành, tạo thiện nghiệp; họ rất nghiêm túc và có kỷ luật. Như thế nhìn chung là tốt nhưng nếu quá bám chấp sẽ khiến bạn gặp vấn đề. Chẳng hạn, nếu tôi quá bám chấp vào khái niệm “tăng sĩ”, tôi có thể nghĩ rằng nhà sư nào cũng phải ăn vận trang phục giống tôi. Nếu gặp một tăng sĩ Sri Lanka, tôi có thể không kính trọng và khởi tâm nghĩ rằng "Đây không phải là một tăng sĩ thật sự, một tăng sĩ thực thụ phải mặc y phục như tôi". Như vậy, tôi quên mất rằng trang phục chỉ là hình thức bên ngoài, hỗ trợ, nhắc nhở ta về những giáo lý của Đức Phật. Một người xuất gia thực sự nằm ở nội tâm chứ không phải hình thức bề ngoài vì đó chỉ là yếu tố hỗ trợ. Như vậy, một số Phật tử quá bám chấp vào sự tướng, tức chân lý tương đối. Một số khác lại cho rằng họ không cần thượng sư, họ không quan tâm đến nghiệp, đến thực hành, lễ lạy hay bất cứ điều gì. Họ nghĩ rằng mọi thứ đều là không, đều như huyễn. Họ không muôn thực hành bất cứ pháp tu nào ngoại trừ thiền định về tính không.
Cả hai quan điểm này đều cực đoan. Hoặc là quá chú trọng đến chân lý tương đối tức khía cạnh sự tướng hoặc cho rằng tất cả đều không tồn tại, tất cả đều là không. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến điều quan ngại mà bạn vừa đề cập. Một số người nghĩ rằng khi trở thành Phật tử bạn sẽ trở nên bám chấp, cuồng tín, cứng nhắc. Có vô số điều cấm kỵ khiến bạn không được làm điều này điều nọ, đồng thời bạn hay chỉ trích tất cả mọi người. Một số người không muốn trở thành Phật tử vì cho rằng họ sẽ đánh mất bản thân, đánh mất gia đình, không hạnh phúc cũng chẳng khổ đau, chẳng khác gì bị hôn mê, hay vô tri như gỗ đá.
Thực sự, đây chính là lý do tại sao Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng cả chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Nói một cách tương đối thì cái tôi vẫn tồn tại, đương nhiên là như vậy, đặc biệt là ở cấp độ của chúng ta. Nhưng nếu xét trên quan kiến tuyệt đối, bạn không thể nói như vậy. Vì chân lý tuyệt đối siêu việt mọi khái niệm. Bởi vậy, không thể nói bản ngã tồn tại hay không tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không thể nhận biết về chân lý tương đối.
Tôi nghĩ nhiều người lo sợ rằng nếu đạt được giác ngộ, họ sẽ mất gia đình, sẽ không còn tình yêu cho gia đình. Nhưng theo tôi thì khi bạn càng hiểu biết, càng giác ngộ, bạn sẽ càng yêu thương, từ ái hơn. Ngay lúc này, lý do tại sao chúng ta chưa thể yêu thương một cách trọn vẹn là vì bản ngã. Tình yêu thương của chúng ta dựa trên bản ngã: tôi yêu một ai đó bởi vì người đó là của tôi. Liệu đây có phải tình yêu thực sự? Có lẽ 30% là tình yêu còn 70% là bản ngã. Và mọi thứ trong mối quan hệ tình cảm này đều có thể khiến bạn khó chịu. Tất cả đều có thể khiến bạn bất mãn, phiền lòng.
Có một cách nghĩ hay quan niệm ít vị kỷ hơn về chân lý tuyệt đối, cách nghĩ này sẽ giúp bạn cảm thấy rộng rãi, khoáng đạt hơn – đó không phải sự quy kết “đúng” hay “sai”, mà ta cần hiểu rằng mọi sự vật hiện tượng, xét ở khía cạnh tuyệt đối, đều siêu vượt đúng sai. Như thế, bạn sẽ trở nên vị tha, bao dung và cảm thông, thấu hiểu hơn. Tôi cho rằng điều này sẽ giúp bạn cải thiện mọi mối quan hệ. Bạn sẽ yêu thương nhiều hơn, dễ dàng tha thứ hơn, sẽ trở nên một người chồng, người vợ tốt hơn, một con người hoàn thiện hơn.
GNPG: theo triết lý đạo Phật, tâm vô minh căn bản chính là quan kiến nhị nguyên, sự bám chấp mạnh mẽ vào “cái tôi” hoàn toàn tách biệt với xung quanh. Theo Ngài, giáo pháp của Đức Phật có thể giúp chúng ta gỡ bỏ được điều này như thế nào?
NCV: Ở đây, một lần nữa chúng ta cần suy xét về chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Theo quan kiến tương đối, tâm từ bi là pháp thực hành chính. Lý do tại sao tâm từ bi đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp hạ thấp bản ngã là bởi vì khi nói đến tâm từ bi đích thực, trước hết bạn cần coi tất cả mọi người, mọi loài đều bình đẳng như nhau. Hiện tại chúng ta đều nói rằng chúng ta bình đẳng nhưng trong thâm tâm ta không thực sự nghĩ như vậy. Chẳng hạn nếu tôi hỏi: "Tôi nên giết anh hay nên giết 10 người khác?" thì chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ trả lời là "Giết 10 người kia chứ dừng giết tôi". Đó không phải là sự bình đẳng. Điều đó có nghĩa là “bạn” quan trọng hơn mạng sống của 10 người khác. Tương tự như vậy, gia đình, vợ chồng, những người thân thích, họ hàng đối với chúng ta sẽ quan trọng hơn người ngoài. Cuối cùng, bản thân ta vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, không hề có bình đẳng thật sự.
Vì vậy, trước tiên, bạn cần hiểu rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng, đều giống nhau trong việc mong cầu hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Trên quan điểm này bạn cần cố gắng hiểu và cảm thông với mọi người. Tất cả đều mong muốn hạnh phúc; và tất cả đều muốn tránh xa khổ đau. Có lẽ bởi vô minh, họ có những hành động sai lầm, họ tìm kiếm hạnh phúc và xa lánh khổ đau không đúng cách. Có thể bạn không nhất trí với cách họ hành xử, nhưng ít nhất bạn có thể hiểu họ. Và khi đã hiểu, dần dần bạn sẽ học cách tha thứ, sau đó, bạn sẽ tăng trưởng lòng từ bi. Về cơ bản, toàn bộ tiến trình này - thấu hiểu, cảm thông, tha thứ - sẽ giúp bạn giảm chú ý về bản thân. Thay vì dành toàn bộ suy nghĩ cho bản thân, có thể bạn sẽ dành 60% sự quan tâm của mình đến mọi người. Khi nghĩ tới mọi người ngày càng nhiều hơn, bạn sẽ giảm bớt thời gian cho cái tôi, bản ngã sẽ đỡ bị thổi phồng. Như vậy, ở khía cạnh tương đối, trưởng dưỡng tâm từ bi là pháp thực hành chính giúp giảm bản ngã. Bản ngã thường cho rằng: "Tôi quan trọng nhất, ý kiến của tôi là duy nhất đúng ". Nhưng khi bạn thấu hiểu và thông cảm với mọi người, bạn sẽ nghĩ rằng: "Có thể tôi lầm".
Và theo quan kiến tuyệt đối – Đại Thủ Ấn, Đại Toàn Thiện, bản chất tâm tuyệt đối hay tự tính tâm - bạn tìm kiếm bản ngã, cố gắng nhận diện bản chất của cái tôi. Đây là những pháp thực hành tối thượng nhưng chúng phải được thực hành song song, đồng thời cả chân lý tương đối và tuyệt đối. Nếu bạn trực tiếp đi vào thiền định, bạn có thể thực hành thiền quán hơi thở giúp tĩnh tâm, song, tôi cho rằng bạn không thể chứng ngộ bản chất vô ngã của tâm nếu không thông qua các pháp thực hành tương đối. Thậm chí Đức Phật Thích Ca cũng không làm được như vậy. Có thể ngày nay, ai đó làm được, điều đó thì tôi không rõ.
GNPG: Khi Ngài Marpa đánh đập vị đệ tử Milarepa và hỏi: "Ai đang đánh?" thì đây là cách khai thị hoàn toàn trực tiếp, phải không ạ? Vậy, thưa Nhiếp Chính Vương, tại sao Ngài lại rất từ bi và nhẹ nhàng đối với chúng con?
NCV: Bởi vì tôi sợ pháp luật nước các bạn [cười lớn]. Tôi chỉ đùa thôi. Thực tế, không phải tôi nhẹ nhàng từ bi với mọi người mà là các bậc thầy đã rất nhẹ nhàng từ bi đối với tôi. Đây là cách tôi đã được dạy dỗ. Ở một khía cạnh, tôi thật may mắn. Nhưng ở một khía cạnh khác, có thể tôi đã kém may mắn. Thực tế là ngày nay hầu hết các bậc thầy không áp dụng phương pháp khai thị trực tiếp như vậy vì các ngài biết rằng trong thời đại ngày nay, mọi người không có đủ tâm chí thành. Người ta có thể kiện bậc thầy phải vào tù như một cách thể hiện lòng tri ân! Hơn nữa, mọi người thường quá bám chấp vào các quan niệm đúng sai và thay vì nhìn nhận rằng đúng hay sai chỉ là khái niệm, quan kiến cá nhân của họ về đúng sai có thể bị tổn thương bới hành động của bậc thầy.
Hãy nhìn vào nước Mỹ: họ muốn áp đặt những quan điểm đúng sai của riêng họ đến tất cả các quốc gia khác.
Là Phật tử, chúng ta nói rằng: "Tất cả chúng ta đồng thời đều đúng và sai". Tôi cũng vậy, vừa đúng lại vừa sai, bởi xét một cách rốt ráo, chẳng hề có đúng hay sai. Chân lý tuyệt đối siêu việt những điều này. Do vậy điều gì đúng với tôi chỉ bó hẹp trong quan niệm của tôi, rằng “Tôi đúng”. Tương tự, bạn cũng vậy. Ví dụ bạn nghĩ người phụ nữ này là một người tốt nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Đối với tôi cô ấy không tốt chút nào và tôi hoàn toàn đúng, khi gặp cô ấy tôi chỉ thấy bực mình. Đối với bạn, cô ấy rất tốt và bạn cũng đúng. “Bạn đúng , tôi cũng đúng. Vậy, hãy cùng nhau uống một tách càfê!”.
Điều đó giải thích tại sao, theo quan kiến Phật giáo, chúng tôi nói rằng chân lý tuyệt luôn song hành và tiềm ẩn trong mọi mặt của cuộc sống này.
Bạn biết đấy, khi đề cập đến lý Bát Nhã, tôi nói rằng nếu bạn thật sự trân trọng chân lý Bát Nhã trong cuộc sống đời thường thì thời điểm thích hợp nhất chính là khi vợ hay chồng bạn bất đồng quan điểm với bạn. Đó chính là lúc thích hợp nhất để bạn hiểu về Bát Nhã. Chúng ta thường luôn chắc chắn rằng mình đúng! Đối với con cái, chúng phải đến trường, làm điều này, điều kia v.v... theo ý chúng ta. Chúng ta luôn đúng, luôn có lý lẽ của riêng mình. Nhưng bạn bè và những người xung quanh cũng có lý lẽ của riêng họ và có thể hoàn toàn bất đồng với ý kiển của ta. Vậy bạn hiểu ra điều gì? Sự thật tối hậu là không có gì đúng hay sai. Nếu có điều gì đó thực sự tồn tại, một cách rốt ráo, thì ắt tất cả chúng ta đều phải đồng tình. Nhưng tại sao tôi có thể thấy rõ ràng điều này đúng nhưng người khác lại thấy hiển nhiên rằng điều đó sai. Bởi rốt ráo chẳng có gì là đúng hay sai cả!
Chương trình “Góc nhìn Phật giáo”
Truyền hình Trung ương France 2, Công hòa Pháp, Tháng 4/2014
- 117 lượt