Nghĩ lại về Trái đất
24/04/2020 - 16:49
Lượt xem: 103 lượt
Nếu mọi người đều đang sống như tôi thì gần 8 quả địa cầu mới chịu đựng nổi. Mà chúng ta lại chỉ có một Trái đất.
Buổi sáng mùa đông của bốn tháng trước, trong căn phòng gỗ ấm cúng tại ngôi trường trung học dân gian ở Helsingor, Đan Mạch, chúng tôi, những người trẻ đến từ hơn 30 quốc gia thảo luận về tương lai Trái đất. Cô bé người Đức 18 tuổi cao dong dỏng, mái tóc đen nhánh và nụ cười hiền, hướng dẫn chúng tôi tự đo lường "dấu chân sinh thái" của mình trên trang Footprint calculator.
Bài trắc nghiệm gồm các câu hỏi cụ thể xoay quanh cách sống, nơi sinh sống và cách thức làm việc, di chuyển của mỗi người. Từ đó kết quả trả ra rất thú vị rằng: nếu ai cũng sống như bạn thì chúng ta cần phải có bao nhiêu hành tinh như Trái đất mới đủ. Kết quả lý tưởng dĩ nhiên phải nhỏ hơn hoặc bằng một. Nếu cao hơn đồng nghĩa chúng ta đang đẩy Trái đất vào diệt vong.
Kết quả tôi làm ra là 7,5. Thật xấu hổ. Cô bé người Đức kia, ngồi kế tôi, trợn mắt nhìn vào 7,5 quả đất trên màn hình điện thoại, thảng thốt không nói nên lời. Kết quả của cô là 3,5. Tôi giải thích cho cô nghe lý do vì sao "số của tôi"- một công dân Việt Nam - lại cao như vậy. Từ điều kiện sống và sinh hoạt ở một đất nước đang phát triển, vốn đáp ứng thấp tiêu chuẩn chung để bảo vệ môi trường, đến thực tế rằng tôi là một người đi làm, những chuyến bay công tác và du lịch khá thường xuyên. Hôm ấy, chỉ có hai trong căn phòng hơn trăm người có chỉ số dưới 1,5, đều đến từ Bắc Âu.
Dù từ lâu biết rằng Trái đất đang nguy cấp, nhưng khi có số liệu từ chính bản thân mình, tương lai trở nên rõ ràng. Chúng tôi bắt đầu tìm giải pháp. Một tiếng đồng hồ trôi qua, nhiều người bắt đầu mệt mỏi. Có bạn tranh luận hăng quá, mặt đỏ lên và có vẻ sắp gây hấn với nhau đến nơi về việc ăn hay không ăn hamburger và khoai tây chiên. Bạn biết đấy, công nghiệp thực phẩm đóng góp dấu chân không hề nhỏ vào biến đổi khí hậu. Vài giải pháp đã nghe đâu đó được từng nhóm đưa lên bảng tổng hợp trước toàn trường. Thầy giáo bông đùa: "Nào, thế ai có giải pháp chấm dứt ngay lập tức và hoàn toàn mớ bòng bong này để cứu lấy Trái đất không?". Chúng tôi lắc đầu cười trừ. Làm sao khiến người ta ngừng bay, bớt đi lại, nấu ăn tại nhà, giảm thiểu tiêu thụ, cắt bớt sản xuất, toàn câu hỏi đem lại bế tắc.
Đúng lúc ấy, một cậu người Bỉ cũng 18 tuổi, mái tóc xù bung, đang vắt chân lên ghế đưa tay lên. Gương mặt điển trai và sáng sủa, cậu nói với thái độ nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc: "Em biết. Giết sạch loài người một phát là xong ạ!". Chúng tôi bật cười. Điều đó không sai nhưng bất khả. Đọng lại trong tôi sau câu nói ấy là hình ảnh loài người như một ổ virus khổng lồ đang đục khoét, làm Trái đất mục ruỗng.
Hơn một tháng sau, tôi ngồi ở sân bay Zurich chờ chuyến bay về Việt Nam và đọc những dòng tin đầu tiên về căn bệnh lạ tại Vũ Hán. Cho đến hôm nay, hơn mười vạn người đã bị giết bởi loài virus mới. Tôi tự hỏi, Covid-19 có phải một kháng thể của Trái đất, của Mẹ Thiên nhiên đang gửi tối hậu thư cảnh báo loài người. Câu chuyện sẽ đi về đâu, ta chưa biết. Nhưng trong lo lắng, ta có thể tạm vui bởi ngôi nhà chung đã khá hơn một chút.
Tương lai Covid-19 đi về đâu, những biến chủng mới, năng lực tàn phá mới, câu trả lời đang không thuộc hiểu biết của loài người. Chỉ biết rằng, với một liều kháng thể đầu tiên của Trái đất, "virus loài người" đã co cụm lại, và địa cầu lần đầu tiên khoẻ khoắn hơn.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, các chỉ số môi trường được cải thiện thực sự. Nhiều nhà môi trường học sung sướng đến nghẹn ngào. Lượng khí thải nhà kính lần đầu tiên trong 10 năm qua đã giảm đến con số mơ ước trên 5% chỉ trong vài tháng. Một giáo sư của đại học Stanford đã thốt lên: "Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự sụt giảm nào đáng kinh ngạc như vậy. Chúng ta thật sự chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì có thể so sánh với tình trạng hiện tại, trừ khi ta trở về trước Chiến tranh thế giới thứ hai".
Điều này được giải thích bởi 14 % lượng khí thải nhà kính vốn dĩ từ các phương tiện giao thông. Khi mọi người đều ở nhà, các sân bay và nhà ga đóng cửa, ta đã giúp Trái đất thoát khỏi một lượng đáng kể khí độc. Không khí sạch hơn còn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ở Ấn Độ, nơi không khí ô nhiễm hàng đầu thế giới, nhiều người đã trầm trồ vì lần đầu trong đời họ nhìn thấy dãy Himalaya từ nhà mình nhờ bầu trời không còn bụi bủa vây. Sông Hằng, dòng sông thiêng chỉ trong vòng 10 ngày phong toả của đất nước này đã giảm một nửa ô nhiễm. Lần đầu tiên màu nước trong xanh thay vì ngầu đục nhờ thoát khỏi ống xả thải khổng lồ của các nhà máy và sinh hoạt của dân chúng.
Trái đất đang được thanh lọc. Vỏ Trái đất bớt di chuyển. Tiếng động địa chấn giảm 30 % đến 50 % tại Brussels. Mức độ tiếng ồn tại Paris giảm tới gần 90 % so với trước đại dịch. Ô nhiễm không khí giảm khoảng 40 % tại các thành phố lớn ở châu Âu và châu Á.
Khắp mọi nơi trên địa cầu, thiên nhiên đang vui khúc hoan ca. Những bầu trời xanh không còn vần vũ khói máy bay và âm thanh chát chúa của những lần cất, hạ cánh. Những con kênh vắng bóng tàu thuyền và khách du lịch, cá heo đã đến vui đùa. Lợn lòi đưa con vào dạo đêm giữa phố ở vùng dịch miền bắc nước Ý. Khi những khu cảng biển tại Châu Âu không còn huyên náo bởi còi tàu và những vệt dầu loang lổ, người ta thấy các loài chim cá tụ về. Từ những chú hải âu bạo dạn đến những con ó biển quý hiếm, các loài cá ngừ, cá heo cho đến cả rùa biển. Rùa biển lần đầu tiên còn thoải mái đến mức biến cả bờ biển Rushikulya của Ấn Độ thành "bệnh viện phụ sản". Khi con người, trong một lần hiếm hoi của lịch sử, lùi lại, thiên nhiên đã chầm chậm tìm về những nơi mà chúng cũng có quyền sở hữu.
Ở Việt Nam, ngay cả khi chúng ta chưa kết thúc 14 ngày giãn cách xã hội đầu tiên, chỉ số đo lường chất lượng không khí AQI tại TP HCM và Hà Nội đã cải thiện rất đáng kể. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại TP HCM đạt 20,8 mg/m3 - giảm gần 5 lần so với trước Tết. Mọi người đã bắt đầu kháo nhau về việc ngắm sao. Bầu trời sạch hơn đã cho ta thấy nhiều sao hơn, đặc biệt trong những đêm trăng khuyết. Cá heo xuất hiện ở bờ biển Nha Trang.
Nhìn nhận công bằng, Covid-19 ngoài cái chết và sự sợ hãi, còn đem đến ý tốt cho hàng tỷ con người. Những gia đình bận rộn không có dịp gặp nhau nay tề tựu dưới một mái nhà, cùng sinh hoạt và chia sẻ cả ngày như thời xưa cũ. Những học sinh quay cuồng với sách vở, các nhân viên nghiện việc nay có kỳ nghỉ dài kỷ lục để cân bằng lại thói quen sống. Covid đã giúp đồng nghiệp tôi không còn phải đội nắng mỗi trưa tranh thủ về nhà cho con ăn sữa. Giờ đây cô có thể ôm con nhỏ trong lúc họp hành. Covid cũng giúp những bữa ăn gia đình thường xuyên và đầy đủ hơn. Khi lo lắng đến gần, người ta tìm về những giá trị cơ bản và chân thực hơn, ở đó có tình người nảy nở. Những chuyến xe phát gạo, những phần ăn nghĩa tình mong sao vẫn còn ở đó.
Tôi và bạn, chúng ta vẫn chiến đấu với Covid-19, nhưng mặt khác, lắng nghe thông điệp mà vũ trụ đang muốn gửi đến mỗi người. Để rồi khi dịch đi qua, ta thức tỉnh và thân ái hơn với Trái đất, với Mẹ Thiên nhiên và với nhau. Tôi đặt mục tiêu giảm dấu chân sinh thái của mình từ 7,5 về chỉ một Trái đất mà thôi. Tôi không muốn con cháu mình sẽ hỏi: "Gấu bắc cực là gì? Vì sao chúng lại gầy đi rồi biến mất?".
Dương Xuân Thảo
(Theo vnexpress.net)
Buổi sáng mùa đông của bốn tháng trước, trong căn phòng gỗ ấm cúng tại ngôi trường trung học dân gian ở Helsingor, Đan Mạch, chúng tôi, những người trẻ đến từ hơn 30 quốc gia thảo luận về tương lai Trái đất. Cô bé người Đức 18 tuổi cao dong dỏng, mái tóc đen nhánh và nụ cười hiền, hướng dẫn chúng tôi tự đo lường "dấu chân sinh thái" của mình trên trang Footprint calculator.
Bài trắc nghiệm gồm các câu hỏi cụ thể xoay quanh cách sống, nơi sinh sống và cách thức làm việc, di chuyển của mỗi người. Từ đó kết quả trả ra rất thú vị rằng: nếu ai cũng sống như bạn thì chúng ta cần phải có bao nhiêu hành tinh như Trái đất mới đủ. Kết quả lý tưởng dĩ nhiên phải nhỏ hơn hoặc bằng một. Nếu cao hơn đồng nghĩa chúng ta đang đẩy Trái đất vào diệt vong.
Kết quả tôi làm ra là 7,5. Thật xấu hổ. Cô bé người Đức kia, ngồi kế tôi, trợn mắt nhìn vào 7,5 quả đất trên màn hình điện thoại, thảng thốt không nói nên lời. Kết quả của cô là 3,5. Tôi giải thích cho cô nghe lý do vì sao "số của tôi"- một công dân Việt Nam - lại cao như vậy. Từ điều kiện sống và sinh hoạt ở một đất nước đang phát triển, vốn đáp ứng thấp tiêu chuẩn chung để bảo vệ môi trường, đến thực tế rằng tôi là một người đi làm, những chuyến bay công tác và du lịch khá thường xuyên. Hôm ấy, chỉ có hai trong căn phòng hơn trăm người có chỉ số dưới 1,5, đều đến từ Bắc Âu.
Dù từ lâu biết rằng Trái đất đang nguy cấp, nhưng khi có số liệu từ chính bản thân mình, tương lai trở nên rõ ràng. Chúng tôi bắt đầu tìm giải pháp. Một tiếng đồng hồ trôi qua, nhiều người bắt đầu mệt mỏi. Có bạn tranh luận hăng quá, mặt đỏ lên và có vẻ sắp gây hấn với nhau đến nơi về việc ăn hay không ăn hamburger và khoai tây chiên. Bạn biết đấy, công nghiệp thực phẩm đóng góp dấu chân không hề nhỏ vào biến đổi khí hậu. Vài giải pháp đã nghe đâu đó được từng nhóm đưa lên bảng tổng hợp trước toàn trường. Thầy giáo bông đùa: "Nào, thế ai có giải pháp chấm dứt ngay lập tức và hoàn toàn mớ bòng bong này để cứu lấy Trái đất không?". Chúng tôi lắc đầu cười trừ. Làm sao khiến người ta ngừng bay, bớt đi lại, nấu ăn tại nhà, giảm thiểu tiêu thụ, cắt bớt sản xuất, toàn câu hỏi đem lại bế tắc.
Đúng lúc ấy, một cậu người Bỉ cũng 18 tuổi, mái tóc xù bung, đang vắt chân lên ghế đưa tay lên. Gương mặt điển trai và sáng sủa, cậu nói với thái độ nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc: "Em biết. Giết sạch loài người một phát là xong ạ!". Chúng tôi bật cười. Điều đó không sai nhưng bất khả. Đọng lại trong tôi sau câu nói ấy là hình ảnh loài người như một ổ virus khổng lồ đang đục khoét, làm Trái đất mục ruỗng.
Hơn một tháng sau, tôi ngồi ở sân bay Zurich chờ chuyến bay về Việt Nam và đọc những dòng tin đầu tiên về căn bệnh lạ tại Vũ Hán. Cho đến hôm nay, hơn mười vạn người đã bị giết bởi loài virus mới. Tôi tự hỏi, Covid-19 có phải một kháng thể của Trái đất, của Mẹ Thiên nhiên đang gửi tối hậu thư cảnh báo loài người. Câu chuyện sẽ đi về đâu, ta chưa biết. Nhưng trong lo lắng, ta có thể tạm vui bởi ngôi nhà chung đã khá hơn một chút.
Tương lai Covid-19 đi về đâu, những biến chủng mới, năng lực tàn phá mới, câu trả lời đang không thuộc hiểu biết của loài người. Chỉ biết rằng, với một liều kháng thể đầu tiên của Trái đất, "virus loài người" đã co cụm lại, và địa cầu lần đầu tiên khoẻ khoắn hơn.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, các chỉ số môi trường được cải thiện thực sự. Nhiều nhà môi trường học sung sướng đến nghẹn ngào. Lượng khí thải nhà kính lần đầu tiên trong 10 năm qua đã giảm đến con số mơ ước trên 5% chỉ trong vài tháng. Một giáo sư của đại học Stanford đã thốt lên: "Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự sụt giảm nào đáng kinh ngạc như vậy. Chúng ta thật sự chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì có thể so sánh với tình trạng hiện tại, trừ khi ta trở về trước Chiến tranh thế giới thứ hai".
Điều này được giải thích bởi 14 % lượng khí thải nhà kính vốn dĩ từ các phương tiện giao thông. Khi mọi người đều ở nhà, các sân bay và nhà ga đóng cửa, ta đã giúp Trái đất thoát khỏi một lượng đáng kể khí độc. Không khí sạch hơn còn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ở Ấn Độ, nơi không khí ô nhiễm hàng đầu thế giới, nhiều người đã trầm trồ vì lần đầu trong đời họ nhìn thấy dãy Himalaya từ nhà mình nhờ bầu trời không còn bụi bủa vây. Sông Hằng, dòng sông thiêng chỉ trong vòng 10 ngày phong toả của đất nước này đã giảm một nửa ô nhiễm. Lần đầu tiên màu nước trong xanh thay vì ngầu đục nhờ thoát khỏi ống xả thải khổng lồ của các nhà máy và sinh hoạt của dân chúng.
Trái đất đang được thanh lọc. Vỏ Trái đất bớt di chuyển. Tiếng động địa chấn giảm 30 % đến 50 % tại Brussels. Mức độ tiếng ồn tại Paris giảm tới gần 90 % so với trước đại dịch. Ô nhiễm không khí giảm khoảng 40 % tại các thành phố lớn ở châu Âu và châu Á.
Khắp mọi nơi trên địa cầu, thiên nhiên đang vui khúc hoan ca. Những bầu trời xanh không còn vần vũ khói máy bay và âm thanh chát chúa của những lần cất, hạ cánh. Những con kênh vắng bóng tàu thuyền và khách du lịch, cá heo đã đến vui đùa. Lợn lòi đưa con vào dạo đêm giữa phố ở vùng dịch miền bắc nước Ý. Khi những khu cảng biển tại Châu Âu không còn huyên náo bởi còi tàu và những vệt dầu loang lổ, người ta thấy các loài chim cá tụ về. Từ những chú hải âu bạo dạn đến những con ó biển quý hiếm, các loài cá ngừ, cá heo cho đến cả rùa biển. Rùa biển lần đầu tiên còn thoải mái đến mức biến cả bờ biển Rushikulya của Ấn Độ thành "bệnh viện phụ sản". Khi con người, trong một lần hiếm hoi của lịch sử, lùi lại, thiên nhiên đã chầm chậm tìm về những nơi mà chúng cũng có quyền sở hữu.
Ở Việt Nam, ngay cả khi chúng ta chưa kết thúc 14 ngày giãn cách xã hội đầu tiên, chỉ số đo lường chất lượng không khí AQI tại TP HCM và Hà Nội đã cải thiện rất đáng kể. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại TP HCM đạt 20,8 mg/m3 - giảm gần 5 lần so với trước Tết. Mọi người đã bắt đầu kháo nhau về việc ngắm sao. Bầu trời sạch hơn đã cho ta thấy nhiều sao hơn, đặc biệt trong những đêm trăng khuyết. Cá heo xuất hiện ở bờ biển Nha Trang.
Nhìn nhận công bằng, Covid-19 ngoài cái chết và sự sợ hãi, còn đem đến ý tốt cho hàng tỷ con người. Những gia đình bận rộn không có dịp gặp nhau nay tề tựu dưới một mái nhà, cùng sinh hoạt và chia sẻ cả ngày như thời xưa cũ. Những học sinh quay cuồng với sách vở, các nhân viên nghiện việc nay có kỳ nghỉ dài kỷ lục để cân bằng lại thói quen sống. Covid đã giúp đồng nghiệp tôi không còn phải đội nắng mỗi trưa tranh thủ về nhà cho con ăn sữa. Giờ đây cô có thể ôm con nhỏ trong lúc họp hành. Covid cũng giúp những bữa ăn gia đình thường xuyên và đầy đủ hơn. Khi lo lắng đến gần, người ta tìm về những giá trị cơ bản và chân thực hơn, ở đó có tình người nảy nở. Những chuyến xe phát gạo, những phần ăn nghĩa tình mong sao vẫn còn ở đó.
Tôi và bạn, chúng ta vẫn chiến đấu với Covid-19, nhưng mặt khác, lắng nghe thông điệp mà vũ trụ đang muốn gửi đến mỗi người. Để rồi khi dịch đi qua, ta thức tỉnh và thân ái hơn với Trái đất, với Mẹ Thiên nhiên và với nhau. Tôi đặt mục tiêu giảm dấu chân sinh thái của mình từ 7,5 về chỉ một Trái đất mà thôi. Tôi không muốn con cháu mình sẽ hỏi: "Gấu bắc cực là gì? Vì sao chúng lại gầy đi rồi biến mất?".
Dương Xuân Thảo
(Theo vnexpress.net)
- 103 lượt