Im Lặng là Trí tuệ

 

Ở một ngôi làng nọ, có hai cha con người đàn ông trung niên sống cùng nhau. Một hôm trời đẹp, người cha rủ con trai đi vào rừng dạo chơi. Cậu con trai vô cùng cao hứng đi cùng bố. Hai cha con đi đến đoạn đường uốn lượn thì dừng lại.

Trong một phút trầm lặng ngắn ngủi, người cha hỏi con: “Con trai! Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được thấy tiếng gì khác không?”

Cậu bé sau một hồi lắng nghe liền trả lời cha: “Cha ơi, con còn nghe được cả tiếng xe ngựa nữa ạ!”

Người cha lại hỏi tiếp: “Đúng rồi! Đó là một chiếc xe ngựa trống, không chở gì cả”.

Cậu con trai ngạc nhiên hỏi lại: “Chúng ta còn chưa nhìn thấy nó, sao cha lại biết đó là chiếc xe ngựa trống rỗng?”

Người cha đáp: “Từ âm thanh con có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc xe trống không. Xe ngựa càng trống rỗng, thì âm thanh sẽ càng to”.ư

Về sau này, cậu con trai trưởng thành, là một người thông minh, giỏi giang và thành đạt. Mỗi lần cậu chứng kiến một ai đó dùng lời lẽ ba hoa, lỗ mãng để nói chuyện, tự cho là mình đúng, tự cao tự đại, hạ thấp người khác thì cậu đều nhớ đến lời nói của cha vẫn như đang văng vẳng bên tai mình: “Xe ngựa càng trống rỗng thì âm thanh sẽ càng to”.

Người ta vẫn thường cho rằng kẻ giỏi hùng biện mới là thông minh. Thường cho rằng một người có thể nói năng lưu loát trước đám đông thường là những người được mọi người yêu mến, cho dù có đi tới đâu cũng sẽ giống như cá gặp nước. Kỳ thực, bậc trí giả lại cho rằng  nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ.

Người trí tuệ, đối với sự thay đổi không ngừng nghỉ của vạn sự vạn vật, đều giữ trong tâm một thái độ trầm tĩnh, độ lượng, như vậy mới có thể dung nạp được nhiều hơn, xử lý mọi chuyện dễ dàng hơn.

Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ… Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”.

Trên mặt nước cho dù gió có thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng những dòng nước ở bên dưới sâu vẫn luôn duy trì tốc độ chảy chậm rãi, thong dong.

Làm người cũng như thế, gặp phải chuyện lo lắng, việc khó khăn thì đều phải bảo trì một tâm thái bình tĩnh và tường hòa.

Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Muốn suy nghĩ điều gì muốn nói điều gì hãy giống như cổ nhân dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, suy nghĩ kỹ rồi mới có thể đưa ra quyết định lời nào nên nói lời nào không.

Im lặng cũng là một loại bao dung, thật hay giả của sự việc hãy để thời gian là câu trả lời tốt nhất.

Bởi vậy bạn chỉ cần cố gắng học cách làm người tốt, làm người lương thiện, học cách im lặng một cách thích hợp thì cuộc sống sẽ được thoải mái bình an.

Sưu tầm