Bạn có hạnh phúc được chăng khi mọi người xung quanh đang đau khổ?

Bồ đề tâm chính là tinh tuý của Phật giáo Đại thừa. Bồ đề tâm còn gọi là “Bodhicitta”, trong đó “Bodhi” nghĩa là “giác ngộ”, còn chữ “citta” là “tâm”, ghép lại là Bodhicitta hay tâm giác ngộ. Như vậy, Bồ đề tâm mang nghĩa trí tuệ hiểu biết thấu triệt, giác ngộ toàn bộ vũ trụ. Bodhicitta cũng có nghĩa là Từ bi hợp nhất với Trí tuệ, bởi “Bodhi” hay giác ngộ chính là Trí tuệ còn  “citta” - tâm hay trái tim - chính là Từ bi.

Hai yếu tố từ bi và trí tuệ luôn cần kết hợp song hành với nhau. Nếu có trí tuệ mà không có tình thương yêu thì trí tuệ đó không phải trí tuệ chân chính. Trí tuệ này không có giá trị gì, chẳng hướng đến một hoạt động lợi ích nào. Từ bi là công cụ, là hoạt động, cho nên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu trí tuệ không được khai triển qua năng lực hoạt động của tình yêu thương. Chẳng hạn, bạn có rất nhiều ý tưởng, muốn làm rất nhiều việc tốt cho xã hội, nhưng lại không có tay để viết, không có mắt để nhìn, không có chân để đi, không có miệng để nói, tức là chẳng có gì cả, chỉ có bộ óc nghĩ ra nhiều điều tốt đẹp mà không có công cụ để thực hiện. Tương tự như vậy, nếu không có lòng từ bi thì trí tuệ trọn vẹn nào có ý nghĩa.
 
Ngược lại, nếu không có trí tuệ thì lòng từ bi sẽ trở thành bản năng, hoang dã và chẳng đem lại lợi ích, dù bạn có tình thương yêu rộng lớn thì cũng sẽ đi sai đường. Loài người chúng ta phải đối diện với rất nhiều vấn đề rắc rối, chỉ vì tình thương không được dẫn dắt bởi trí tuệ. Không những loài người mà loài vật cũng vậy. Chúng ta có bản năng rất mạnh, nhưng do thiếu trí tuệ, chúng ta sử dụng tình cảm vào rất nhiều mục đích khác nhau, đôi khi tình cảm chính là ái dục, có khi nó lại được sử dụng để làm hại người khác. Vô số hành động xấu ác như tổn hại, giết hại chúng sinh, lừa đảo,… đều do ái dục gây nên. Kết quả của ái dục này là sự hủy diệt. Tình thương yêu chân thật cần được sử dụng để xây dựng chứ không phải phá hủy. Ái dục cũng chính là nguyên nhân của mọi đau khổ. Vậy, bạn phải biết cách chuyển hoá chúng để đem lại lợi ích cho chính mình và mọi người. Đó chính là Từ bi hay Bồ đề tâm chân thực.
 
Để trưởng dưỡng Bồ đề tâm, chúng ta cần qua ba thứ lớp là: Cầu nguyện, Thiền định, Hành động thiết thực.

1. Cầu nguyện
 
Cầu nguyện được hiểu là chia sẻ và sự chia sẻ đó cũng chính là con đường quan trọng để đạt đến Trí tuệ. Thông qua cầu nguyện, bạn chia sẻ tình yêu thương, niềm hạnh phúc và nguyên nhân của hạnh phúc cùng các công đức mà bạn đã tích lũy. Bằng cách đó, chúng ta thấu hiểu hạnh phúc của người khác và của chúng sinh quan trọng như thế nào. Cũng bằng cách này, chúng ta không còn khư khư bám chấp vào lợi ích bản thân để phát triển hiểu biết chân thực rằng tất cả mọi người cho đến mọi loài đều mong cầu hạnh phúc bình đẳng như nhau. Hiểu biết đó chính là trí tuệ. Sau khi phát triển được trí tuệ này, tình thương yêu hay các hoạt động lợi tha sẽ trực tiếp hướng về mọi người mọi loài không phân biệt hay vị kỷ. Bạn cần phát tâm rộng lớn, cầu nguyện cho sự giải thoát của tất cả chúng sinh. Sự cầu nguyện rộng lớn như vậy sẽ đem lại công đức vô cùng, còn nếu chỉ cầu nguyện cho bản thân mình thì công đức sẽ rất nhỏ bé.

2. Thiền định

 
Cách thứ hai để phát triển Bồ đề tâm là phát triển trí tuệ thông qua thực hành thiền định về trí tuệ và lòng từ bi. Chúng ta phải tư duy quán chiếu về việc làm thế nào để có được hạnh phúc chân thật.
 
Nếu chỉ bản thân mình hạnh phúc mà mọi người xung quanh đau khổ, thì hạnh phúc đó không thể nào chân thực, bền lâu. Ví dụ trong một gia đình có ba người, sẽ không thể nào có việc một người rất hạnh phúc, trong khi hai người kia đau khổ, chẳng hạn người vợ rất hạnh phúc trong khi chồng và con chịu khổ đau. Hay, để đạt được hạnh phúc vị kỷ của riêng mình, chúng ta sẵn sàng giết hại chúng sinh, sẵn sàng chà đạp lên khổ đau của người khác. Điều này giống như một người mù muốn vị ngọt nhưng lại ăn ớt thì vị ngọt sẽ không bao giờ có được. Cũng như thế, khi gieo “nhân” đau khổ cho những chúng sinh khác, chúng ta sẽ không thể nào trải nghiệm “quả” hạnh phúc.  
 
Hoặc như, nếu có điều gì buồn chán, chúng ta có thể uống rượu giải sầu, tìm chút vui thú nguôi ngoai trong vài tiếng đồng hồ. Khi cảm giác hạnh phúc giả tạm này chấm dứt, chúng ta lại phải chịu đựng đau khổ do gan bị thiêu đốt, tuổi thọ bị rút ngắn, ngày hôm sau thân thể mỏi mệt, tinh thần rã rời, cả một ngày sẽ trôi qua lãng phí. Hạnh phúc theo nghĩa của đạo Phật là hạnh phúc chân thật, bền chắc. Cách duy nhất để có được chân hạnh phúc này là bạn cần nỗ lực làm cho mọi người hạnh phúc. Đó là cách thứ hai để phát triển Bồ đề tâm tức là thiền định về từ bi và trí tuệ.
 
3. Hành động thiết thực

Như vậy, bạn cần thực tập cầu nguyện và thiền định thật sự sâu sắc, nhuần nhị. Bằng cách này, bạn từng bước trưởng dưỡng trí tuệ và tâm từ bi, để Bồ đề tâm được chín muồi, từ đó, bạn mới nỗ lực thực hiện các thiện hạnh như bố thí, cứu trợ, cho thuốc, giúp đỡ người tật nguyền, nghèo khó, bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường và nhiều hoạt động khác, nhằm xoa dịu những nỗi khổ đau về cả thân lẫn tâm của chúng sinh, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người, mọi loài. Đối với người thực hành Bồ đề tâm, trong mỗi lời cầu nguyện, trong mỗi sự thực hành của bạn bao giờ cũng bao gồm cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh.
 
Bạn cần bắt đầu thực hiện Bồ đề tâm ngay trong chính gia đình mình. Bạn hãy tự vấn rằng trong gia đình, mình đã đối xử với cha mẹ, người thân với trí tuệ, bằng tâm bao dung cảm thông hay tha thứ chưa. Trong tất cả hành xử đối với những người thân, mình đã đối xử bằng tâm từ bi trí tuệ hay chưa. Khi có thể hành xử  tốt với những người thân trong gia đình, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta đã bước được bước đầu tiên trên con đường Bồ tát hạnh và dần dần, chúng ta có thể đem hạnh phúc an vui đến cho tất cả mọi loài chúng sinh. Đây là con đường dẫn đến giác ngộ và hạnh phúc chân thực.
 
(Theo Daibaothapmandalataythien.org)