Những 'thói quen 2 phút' giúp thay đổi cuộc sống

Để bắt đầu ngày mới của bạn một cách tích cực, có 9 "thói quen 2 phút" mà bạn nên tập thực hiện, bởi chúng có tác động tích cực đến một ngày của bạn.
Thở có ý thức

Khi lo lắng, bạn sẽ làm gián đoạn sự thoải mái của hơi thở. Trên thực tế, bạn không nhận thấy những gián đoạn nhỏ trong cách thở của bạn và chúng ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Tuy nhiên, việc thiết lập lại nhịp thở bình thường sẽ phục hồi năng lượng và sự tập trung của bạn.
Cách thực hiện: Hít vào bằng mũi và nhẩm đếm từ 1-5. Cảm giác như thể có một quả bóng đang lấp đầy toàn bộ khung xương chậu của bạn và khiến nó căng ra theo mọi hướng. Bạn giữ khí trong giây lát và tiếp tục bạn thở ra theo nhịp 1-5, hãy thả lỏng tất cả các cơ dọc theo cơ thể. Hãy lặp lại điều này 10 lần và làm điều này bất cứ khi nào bạn cảm thấy căng thẳng.



Nhai chậm
Cách bạn ăn cũng rất quan trọng. Bạn có thể ăn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng nếu không nhai kỹ, bạn có thể bị khó tiêu, đầy bụng và không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Nên nhớ, bạn càng nhai nhiều, nước bọt càng tiết ra nhiều, giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Cách thực hiện: Nhai 25 lần mỗi miếng giúp cải thiện khả năng ăn uống. Bạn cũng nên ăn uống với tinh thần thoải mái, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Nhâm nhi nước chanh ấm
Thay vì dùng đá, hãy bắt đầu với thói quen uống nước chanh ấm vào buổi sáng. Đừng quên vào buổi sáng, cơ thể bạn cần được bù nước. Nước chanh ấm làm dịu cơn khát, hỗ trợ hệ tiêu hóa, hỗ trợ giải độc và cung cấp một liều lượng vitamin C. Josh Axe - chuyên gia sức khỏe của Mỹ cho biết: "Nước chanh có lợi cho các chức năng của enzym trong cơ thể bạn, giúp kích thích gan và thải độc tố".

Nghỉ giải lao bằng cách vận động cơ thể
Khi nói đến việc cải thiện vận động, đó không chỉ là thể dục buổi sáng. Cơ thể của chúng ta sinh ra với xu hướng thiên về hoạt động nên việc vận động nhiều hơn trong suốt cả ngày rất có lợi cho cơ thể và não bộ của bạn. Các bài tập vận động giúp bôi trơn các khớp để tránh cứng khớp, đồng thời hỗ trợ tuần hoàn và giúp tăng cường mức năng lượng, từ đó tăng cường sự tập trung và năng suất. Do đó, sau vài giờ ngồi làm việc, hãy dành ít nhất vài phút cho các bài tập vận động, chẳng hạn như xen kẽ giữa động tác vặn người, xoay hông...



Sửa tư thế
Tư thế thích hợp với cột sống thẳng hàng và các khớp xếp chồng lên nhau sẽ giúp cơ thể bạn thoải mái, giảm căng thẳng và đảm bảo rằng các cơ và mô được cung cấp đầy đủ oxy và nhận chất dinh dưỡng để hoạt động bình thường.
Katy Bowman, nhà sinh học và chuyên gia vận động tự nhiên, khuyên bạn nên giữ tư thế đảm bảo hai bàn chân của bạn cách nhau một khoảng bằng hông. Khi bạn đứng, cần đảm bảo nhấn tất cả bốn góc của bàn chân của bạn xuống đất. Dùng đùi để nâng xương bánh chè lên, ép cơ mông, giữ cho ngực ưỡn ra với xương sườn dưới hóp vào. Ngoài ra, bạn hãy giữ đầu ở tư thế trung tính với cằm hơi hếch.

Cởi giày
Một trong những cách tăng cường sức khỏe tuyệt vời nhất nằm ngay dưới chân bạn, theo đúng nghĩa đen. Đi bộ hoặc đứng chân trần trên mặt đất nghe có vẻ đơn giản, nhưng bạn có thực sự đi chân trần bên ngoài thường xuyên không? Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng cho thấy đi chân trần giúp cải thiện tâm trạng và giấc ngủ, giảm viêm và đau mãn tính.



Hãy đặt ra ý định, mục tiêu
Nếu muốn thoát ra khỏi vùng an toàn của mình hoặc bắt đầu một thói quen lành mạnh mới, trước tiên bạn phải có một ý định mạnh mẽ. Như Wayne Dyer - tác giả của cuốn "Sức mạnh của ý định" đã nói: "Sức mạnh của ý định là sức mạnh muốn thể hiện, khởi tạo, để sống một cuộc sống phong phú không giới hạn và thu hút đúng người, đúng thời điểm".
Bạn có thể đặt ra ý định cho mọi hành động trong cuộc sống của mình. Ví dụ, trước khi ăn, hãy đặt ý định ăn một cách tỉnh táo. Trước khi làm việc, hãy kết nối với ý định của bạn bằng cách tự hỏi bản thân: "Bạn muốn đạt được điều gì với công việc này?".

Bày tỏ lòng biết ơn
Xã hội hiện đại không ngừng hối thúc chúng ta cần phải làm nhiều hơn, đạt được nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, điều đó có thể gây suy kiệt và trầm cảm. Hãy lắng nghe những rung cảm của bản thân và lấp đầy bản thân với lòng biết ơn mỗi ngày. Đã có rất nhiều nghiên cứu về những tác động tích cực của việc thực hành lòng biết ơn hàng ngày đối với tâm trí, cơ thể.
Cách thực hiện: Viết nhật ký để ghi lại những điều bạn biết ơn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ hoặc khi thức dậy vào buổi sáng.
Bạn hãy thử viết những lời khẳng định, những điều tích cực về bản thân và cuộc sống của bạn, hoặc viết thư cảm ơn cho ai đó để nói rằng bạn biết ơn như thế nào khi có người đó trong đời.



Thùy Linh (Theo Createcultivate)