Phần 1: 'Không có ai mang khổ đau cho mình ngoài chính mình'
LTS: SHP trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc cuộc trò chuyện đặc sắc giữa Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và nhà báo Nguyễn Quang Thiều diễn ra vào tháng 3/2010.
Việt Nam - nơi con người biết hướng về tâm linh
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Hôm nay là một ngày của hòa bình, ân phúc, của điều gì đó thật kì diệu, khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII có mặt tại đây, cùng chia sẻ với độc giả VietNamNet về những điều yêu thương và tốt đẹp.
Trong nhiều thư của độc giả gửi về tòa soạn, có rất nhiều người ca ngợi, tỏ lòng tôn kính đối với Ngài. Ngay cả những người không theo một tôn giáo nào, đã tỏ lòng tôn kính và bày tỏ tới Ngài những nỗi niềm trăn trở trong họ. Có thể, đây là lần đầu tiên họ bày tỏ - trước Ngài, mà có lẽ trước đó họ có thể cũng chưa từng bày tỏ với chính người thân của mình. Và họ mong rằng, những lời chỉ dẫn của Ngài sẽ như một nguồn sáng, lời chia sẻ của người bạn, người thầy dành cho họ.
Thay mặt bạn đọc, tôi xin bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài và cảm ơn sự thăm viếng của Ngài.
Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi Đức Pháp Vương: Đây là lần thứ 3 Ngài đến Việt Nam - mảnh đất vốn có quá nhiều đau khổ và chiến tranh, nhưng cũng là mảnh đất của những con người luôn luôn mang khát vọng hòa bình lớn lao, và họ hi sinh tất cả cho hòa bình của dân tộc họ và của con người nói chung trên thế gian. Vậy nhân duyên nào làm cho bước chân của Ngài tới nơi đây?
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và nhà báo Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: VietNamNet |
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Xin chân thành cảm ơn VietNamNet đã mời chúng tôi đến đây, để chia sẻ những tình cảm, tri kiến đến với mọi người.
Đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều khổ đau, thiệt thòi, nhưng nơi đây, tâm người Việt Nam vô cùng khát khao hòa bình, chân hạnh phúc. Trong tâm tư của tôi, có những hình ảnh rất đẹp về người Việt Nam. Nơi đây, con người rất để tâm đến vấn đề tâm linh. Và những người lãnh đạo cũng quan tâm đến sự phát triển cả về xã hội và tâm linh.
Dù đất nước này đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng chiến tranh đã lùi xa, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Với quan kiến của tôi, Việt Nam sẽ phát triển tốt đẹp trên cả hai phương diện xã hội và tâm linh.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nhiều bạn đọc của VietNamNet đang nghĩ về đất nước mình, và tin vào những điều mà Đức Pháp Vương đã nhìn thấy qua tuệ nhãn của mình. Vậy trong khoảng thời gian đầy đổi thay giữa lần thứ nhất, thứ hai, và thứ ba đến Việt Nam, Ngài có thể nói cho những người đang ở trên mảnh đất này, rằng những điều kì diệu gì đang hiện ra? Và với một đòi hỏi có vẻ thô thiển của tôi, xin Ngài có thể mô tả sự kỳ diệu nào đó mà Ngài tận chứng trên mảnh đất này?
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Từ lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba đến đây, tôi nhận thấy người Việt Nam đã có phương cách tâm linh hướng cuộc đời mình đi cho có ý nghĩa hơn.
Tôi đã nhìn thấy niềm hạnh phúc của họ qua những nụ cười hoan hỉ khi được lắng nghe giáo pháp, những ánh mắt khát khao phát triển tâm linh. Về cuộc sống bên ngoài, tôi cũng thấy sự phát triển xã hội, cuộc sống tốt hơn, no đủ hơn.
Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam hơn 2000 năm. Như vậy, nguồn gốc của người Việt Nam là Phật giáo. Người Việt Nam nên quay trở lại tìm cội nguồn của chính mình.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa |
Niềm vui của tôi là được thấy mọi người cười trong hạnh phúc, tri ân, phát triển tâm linh của mình.
"Không có ai mang khổ đau cho mình ngoài chính mình"
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một độc giả đặc biệt gửi thư đến cho Đức Pháp Vương, là bà Đỗ Thị Huệ. Bà đã từng theo con đường tu hành, nhưng cuối cùng giã từ cửa Phật, vì bà chứng kiến người một người bạn thân của mình sống trong chân thành, lao động cần cù, nhưng không thay đổi được đời sống gia đình. Họ vẫn sống trong đói nghèo, bệnh tật và có những lúc không được đối xử công bằng. Trong khi đó, có những người trong đời sống này sống một cuộc sống toan tính, lừa lọc thậm chí chà đạp lên lợi ích của người khác, nhưng lại sung túc và giàu có. Bà Huệ không thể cứu giúp được người bạn của mình, bà Huệ thấy bất lực và đã rời bỏ cửa chùa.
Nếu bây giờ người đàn bà bất hạnh đó đến trước Ngài để hỏi "đức tin của tôi sẽ hướng vào đâu, tôi tìm hạnh phúc ở đâu trong hiện thực xã hội này". Ngài có thể nói với bà điều gì, và bằng cách nào Ngài mang lại cho người đàn bà ấy đức tin?
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Đạo Phật, thật ra không phải là một tôn giáo, mà là cách thức, phương tiện giúp con người sống có hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại. Như vậy, điều quan trọng là các phật tử và mọi người khác, nên làm thế nào để hướng cuộc đời mình theo cách sống có ý nghĩa, tốt đẹp, an vui, hài hòa với mọi người.
Trong trường hợp câu hỏi của bà Huệ, đạo Phật có một danh từ gọi là quy luật về "Nghiệp". Đơn giản hơn, là quy luật nhân - quả. Nếu ta gieo trái ngọt, sẽ có trái ngọt. Gieo hạt cay đắng, sẽ nhận quả đắng.
Đôi khi, do chưa hiểu biết thấu đáo về giáo lý nhân quả nên người ta thường thắc mắc là đời này tôi sống tốt, mà có nhiều khổ đau. Tại sao có người sống quá bất thiện, mà lại có hạnh phúc. Bởi ta chưa biết rằng đời trước, năm trước ta đã gieo nhân bất thiện, nay ta phải nhận quả đắng. Còn những người khác, có thể đời trước họ đã giao nhân lành, nên bây giờ họ đang được hưởng quả lành.
Tuy thế, tất cả chúng ta đều không biết rằng khi nào quả của mình sẽ chín. Như chúng ta trồng một cái cây, không thể ngồi mong đợi quả chín. Đến mùa, đủ nhân duyên, điều kiện thì trái sẽ chín, ngoài sự kiểm soát của mình.
Nhân quả giống như một vòng quay. Nhân tạo quả, quả lại tạo nhân. Như ta gieo một hạt, cho quả, quả lại tạo ra vô số hạt mới. Chúng tôi gọi là vòng luân hồi sinh tử. Trong đó, con người bị dẫn dắt, trôi lăn trong vòng sinh tử.
Nhưng chúng ta không quá muộn trong bất kì điều gì. Nếu đời trước chúng ta đã phạm sai lầm, nhưng nay biết tỉnh ngộ, biết tìm một hướng sống mới thì ngay bây giờ vẫn có thể loại trừ được Nghiệp. Giống như bệnh ung thư, nếu phát hiện sớm thì vẫn có cách điều trị.
Đối với quy luật nhân quả, không bao giờ quá muộn, chúng ta vẫn có thể làm điều gì đó, và nên nỗ lực làm gì đó, để loại trừ bớt khổ đau trong kiếp sống hiện tại bằng cách sống tốt hơn, hòa bình hơn, biết yêu thương chia sẻ với mọi người hơn. Đừng vì một bất công, bằng cặp mắt cái nhìn hiện tại, mà từ bỏ tôn giáo, từ bỏ con đường đẹp đẽ mà mình đang theo.
Tôi khuyên mọi người hãy tin vào quy luật nhân quả, chấp nhận những nghiệp quả của mình đã chín, dù là quả khổ đang phải chịu đựng. Và hơn nữa, bạn nên biết vẫn còn cách thay đổi cách sống, thay đổi hành động của mình, đừng vì hoàn cảnh hoặc lí do nào khác mà hủy hoại niềm tin của mình. Sống không có đức tin thì cuộc sống ấy đi vào tăm tối, vô minh.
Tôi khuyên bà Huệ hãy tìm hiểu kĩ về quy luật nhân quả, từ đó phát khởi niềm tin, biết sống một cách tích cực, hài hòa, biết ban trải tình thương yêu và gieo trồng thiện hạnh để cân bằng với những hạt giống bất hạnh mình đã gieo từ nhiều đời. Hãy tìm cho mình đức tin để chuyển hóa cuộc sống hiện tại. Và hãy trở lại với cuộc sống tâm linh, làm những gì mình có thể để loại trừ bớt các bất thiện nghiệp.
Hãy quay lại cải thiện lối sống nơi chính mình. Sống cởi mở, yêu thương, chan hòa vào cộng đồng, tập thể mà ta đang sống. |
Đau khổ này không phải do ai đem lại, mà do chính mình đã gây ra có thể từ tháng trước, năm trước, hay vô số đời trước.
Có một số người luôn đổ lỗi cho Phật, Trời, Chúa, đã mang lại bất hạnh cho chúng ta. Nhưng sự thực, cách nhìn của triết lý Phật giáo là không bao giờ đổ lỗi cho bất kì ai. Người đáng đổ lỗi nhất chính là bản thân mình, là sự lười biếng, buông trôi hay vô minh của mình.
Như khi ta biết mình có bệnh, đến tìm bác sĩ, bác sĩ hướng dẫn một vài phương cách mà vẫn không nghe theo. Khi bệnh nặng thì ta không thể đổ lỗi cho bác sĩ.
Không có ai mang khổ đau cho mình ngoài chính mình. Hãy nỗ lực cố gắng, cải thiện cuộc sống hiện tại, vẫn kịp thời chuyển bớt những kết quả xấu mình đã tạo.
Tìm về cội nguồn khổ đau, bất an trong chính chúng ta. Trở về để cải thiện chính mình thì hạnh phúc sẽ luôn bên chúng ta.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có nhiều bạn đọc bày tỏ rằng, họ tin vào Đức Phật, đức Chúa Trời, các vị Thánh khác có một quyền năng tối thượng. Họ tin các vị có thể biến thế gian từ đời sống ngày thành đời sống khác. Nhưng họ cũng băn khoăn - một băn khoăn hết sức trong sáng - tại sao các Ngài lại cứ để chúng sinh buồn bã mãi, đau khổ mãi, đấu tranh mãi như vậy. Tại sao không có một ngày các Ngài đưa bàn tay của mình trải dài một hạnh phúc bất tận trên thế gian này. Để đến một ngày mới, cả người già, người trẻ, người tin hay không tin, người tốt kẻ xấu đều được hưởng những gì đẹp đẽ nhất. Không chiến tranh, thù hận, đói khát, nguyền rủa.
Phải chăng, có một thông điệp, hay bí mật gì đó của đức Phật, Chúa Trời gửi cho con người ở thế gian này, rằng không thể dùng phép thiêng để thay đổi ngay mọi thứ trong khoảnh khắc?Rằng phép thiêng là chính ở các ngươi?
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Đây vẫn là vấn đề nhiều người chưa hiểu tại sao con người đau khổ, tại sao Chúa, Trời, chư Phật cứ để con người đau khổ, trầm chìm mãi, mà không làm cho chúng sinh mở mắt ra đã thấy mọi sự thay đổi lớn, an vui hạnh phúc sẵn đầy đủ. Vì chúng ta chưa hiểu rõ quy luật nhân quả.
Không ai tạo khổ đau cho ta ngoài bản thân ta. Có người nói, tôi không làm gì tạo nên nhân khổ đau. Nhưng hãy thiết thực nhìn cách mà ta đang sống, bằng cách ăn thịt chúng sinh, giết hại chúng sinh, phá hoại môi trường, đẩy vào môi trường cả những ô nhiễm vật chất và ô nhiễm tinh thần, những từ trường của sân giận, ganh ghét, để rồi dẫn đến những bệnh dịch không thể chữa được.
Chính chúng ta đang tạo nên nhân khổ đau, nhưng ta lại lờ đi, không quan tâm. Nếu có ai đó kêu gọi ta bảo vệ môi trường, ta vờ như không biết hoặc không muốn biết là chính mình đang mang đến tai họa cho thế hệ mình và thế hệ tương lai.
Trong lúc chịu đựng các hậu quả, ta vẫn chưa có tinh thần bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau. Khổ đau là do ta tạo ra, và ta gánh chịu. Không thể đổ lỗi.
Hãy quay lại cải thiện lối sống nơi chính mình. Sống cởi mở, yêu thương, chan hòa vào cộng đồng, tập thể mà ta đang sống. Giáo lý Đức phật đã dạy ra sống bớt hận thù, bớt sân giận. Học giáo lý, ta sẽ cải thiện đời sống của mình.
Có người nói đến sự-gia-trì của đức Phật, nhưng thực ra, đức Phật chỉ là người dẫn đạo, còn mọi thứ đều do chính chúng ta làm và tạo ra. Nương vào sự dẫn đạo đó, nếu ta áp dụng, thực hành phát triển lòng từ bi, ta biết yêu thương cởi mở, giúp đỡ, trân trọng người khác, thì ta có hạnh phúc.
Ngay cả những người thân quen nhất, đối khi vì quá quen thuộc, mà ta quên mất trang trải biểu lộ tình thương với họ. Hãy học để yêu thương những người mà ta tưởng như ta đã quá nhàm chán. Trải rộng tấm lòng tốt đẹp với tất cả những người mà mình có nhân duyên hạnh ngộ.
Trong lúc mà tâm mình thay đổi, hạnh phúc sẽ có mặt, đây như là một trò ảo thuật mà mọi người mơ ước, mà chính chúng ta có thể phô diễn được.
SHP
- 431 lượt